Tổng Hợp

?podcast: thấu hiểu bản thân: bài toán tâm lý của thế kỷ 21

Bạn đang xem: ?podcast: thấu hiểu bản thân: bài toán tâm lý của thế kỷ 21 Tại Website nhahangcarnaval.com

Mấy tháng trước, trong một cộng đồng trực tuyến về tâm lý học mà mình có tham gia, có một cuộc bầu chọn xem thành viên trong nhóm muốn thấy những bài viết về chủ đề gì. Dạng bài được số đông bầu chọn nhiều nhất, là về chủ đề “thấu hiểu bản thân”.

Đứng trước kết quả bầu chọn này, trong lòng mình dấy lên nhiều suy nghĩ.

Vì lý do gì mà thế hệ trẻ ngày nay quan tâm tới việc cần phải thấu hiểu bản thân đến như thế? Nguyên nhân sâu xa hơn cho xu hướng này là gì?

Mình tự đặt ra câu hỏi này cho bản thân, và suy nghĩ rất là nhiều, bởi vì là tại sao mình chưa từng thấy bố mẹ, ông bà mình, hay những người của thế hệ trước, nói về những chủ đề như vậy? 

Và rồi, sau một thoáng tự ngẫm lại bản thân mình vài năm trước, khi mình cũng vẫn chỉ mới khoảng đầu 20, và còn đang cảm thấy rất mông lung về cuộc sống, thì câu trả lời mới dần hiện ra. Nhu cầu thấu hiểu bản thân cũng là nguyên nhân sâu xa đằng sau lý do tại sao mình tìm hiểu về MBTI, tìm hiểu về tâm lý học, và tập thiền mỗi ngày. Tức là, bản thân mình cũng không phải ngoại lệ.

Note: bài viết dưới đây là transcript của tập podcast mình thực hiện cho kênh The Cosmic Writer. Nội dung có thể sẽ dài, nên hãy nghe tập podcast ở những đường link dưới đây để có một trải nghiệm mượt nhất.

Hà Minh

Sự chuyển giao thế hệ

Thử thách đầu đời

Đầu tiên thì, để bắt đầu, có lẽ sẽ không có nhiều người phản đối nếu như mình cho rằng là, nhu cầu thấu hiểu của bản thân là một vấn đề của người trẻ.

Điều này thật ra không quá là khó hiểu. Nhất là trong giai đoạn chuyển giao khoảng đầu 20, khi chúng ta đang dần bước qua tuổi thiếu niên để trở thành một người trưởng thành, và phải tự có trách nhiệm với chính bản thân mình. Chúng ta phải tìm lấy cho mình một cái vai trò, hay định vị cho mình một chỗ đứng trong xã hội.

Và, trong cái giai đoạn chuyển giao đầy biến động này thì, những người trẻ chúng ta, phải đứng trước rất nhiều ngã rẽ của cuộc đời. Chúng ta không còn ở trong vòng tay của cha mẹ, không còn ai khác chỉ dẫn cho chúng ta là phải làm những gì với cuộc sống của mình. Thì khi ấy không ai khác ngoài bản thân chúng ta cần phải tự mình xác định xem, mình sẽ trở thành một người như thế nào.

Vậy, nếu như thấu hiểu bản thân là một nhu cầu của người trẻ, tại sao mình lại cho rằng nó là vấn đề của Gen Z nói riêng? Về điểm này, thì mình sẽ phải tua ngược thời gian lại một chút.

Thế giới ngày trước

Chỉ vài thế hệ trước, thời của cha mẹ, ông bà chúng ta, được tiếp cận với tri thức là một việc khó khăn. Sách vở ngày ấy hiếm hoi và quý giá, không phải ai cũng có điều kiện được đi học. Dựa trên một số liệu mà mình được biết, năm 1945, khi Việt Nam giành được độc lập, tỷ lệ dân số mù chữ lên đến 95%. Lúc ấy, một người có thể được sinh ra và lớn lên, sống trọn vẹn một cuộc đời, mà chẳng cần biết ở châu lục xa xôi họ bầu cho ông tổng thống nào, chẳng phải lo về cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân sẽ trở thành một vấn đề đáng ngại ra sao.

Tuy nhiên thì, những thiệt thòi về mặt giáo dục vẫn chưa phải là tất cả. Bên cạnh đó còn là một vài khác biệt về tình trạng xã hội.

Thời kỳ trước kháng chiến chống Pháp, khi mà hệ thống phân tầng xã hội của chế độ phong kiến đã tồn tại rất lâu, và hầu như không có cơ hội để lay chuyển, số phận của một con người được định đoạt rất nhiều ở nơi họ được sinh ra. Đơn giản là con nhà nông thì sẽ làm nông, con nhà quan thì sẽ làm quan. Hầu hết những gì con người được làm và phải làm, đều bị quyết định bởi những tục lệ truyền thống lâu đời, hay một hệ tư tưởng nho giáo mang nhiều tính áp đặt. 

Con người khi ấy, về cơ bản, càng ở dưới thấp trong hệ thống phân tầng xã hội, càng có ít cơ hội hơn để hiện thực hóa những đam mê, những ước muốn, những tiềm năng của bàn thân mình.

Thế hệ sinh ra trong thời kỳ kháng chiến có lẽ còn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn thế. Tuổi thơ của bố mẹ mình, thật sự không hề bình yên êm ấm như của những thế hệ ngày nay. Đó là nhiều tháng ngày phải đi sơ tán xa gia đình, và phải tự bảo vệ mình trước bom đạn của đế quốc Mỹ. Mối bận tâm lớn nhất khi ấy, là tự bảo toàn mạng sống, và làm sao để trở nên có ích trong công cuộc tái xây dựng đất nước.

Thế giới ngày nay

Ngày nay, sau nhiều thập kỷ giao tranh và đổ máu, thế hệ của chúng mình được sinh ra trong một xã hội của tự do. Chúng ta cảm thấy mình được trao cơ hội để trở thành bất kỳ ai chúng ta mong muốn, để thử sức với bất kì ngành nghề nào chúng ta đam mê. Mặc dù vẫn có thể vấp phải những áp đặt máy móc, những định kiến cổ hủ, nhưng nếu chúng ta thực sự theo đuổi một cuộc sống đúng với mong muốn của bản thân, và bằng một niềm đam mê cháy bỏng thuần khiết, không nhiều thứ có thể cấm cản hay làm ta chùn bước. 

Đến đây, mọi người hãy cùng mình, chỉ dừng lại một chút thôi, để quan sát cái bức tranh toàn cảnh về cái thế giới hiện đại nơi chúng ta đang sống.

Chưa từng có một thời kỳ nào trong lịch sử, mà kiến thức lại trở nên gần gũi đến thế. Bên cạnh nền giáo dục phổ quát mà chúng ta được thừa hưởng, còn là kho tàng sách đồ sộ của những giai đoạn lịch sử đã qua, của những nền văn hoá xa lạ. Thậm chí, với internet, thế hệ trẻ có thể dễ dàng tiếp cận với toàn bộ nền tảng tri thức của nhân loại chỉ trong mấy đầu ngón tay. 

Chúng ta có thể tìm hiểu về mọi thứ trên đời chỉ thông qua chiếc màn hình chữ nhật. Chúng ta có thể gặp gỡ, và nói chuyện với những người ở cách xa mình cả trăm kilomet, hay thậm chí là ở phía bên kia của trái đất, tất cả chỉ trong vòng một tíc tắc. Những thứ tưởng chừng như là không thể trong quá khứ, nay trở thành có thể, những thứ đối với những thế hệ trước là điều kỳ diệu, thì với gen z lại là điều bình thường. 

Sự quá tải những khả năng và cơ hội

Những sự thay đổi này cũng mở ra vô vàn những lĩnh vực mới, những cơ hội mới, những khả năng mới. Tuy nhiên thì, mọi thứ vẫn chưa dừng lại. Thế giới vẫn đang tiếp tục thay đổi, thậm chí là với một tốc độ chóng mặt.

Và, không như những thế hệ trước, khi không có quá nhiều sự lựa chọn cho cuộc đời mình, ngày nay, với bất tận những cơ hội mở ra trước mắt, những người trẻ chúng ta may mắn được thừa hưởng sự tự do, để có thể có cái quyền lợi được đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất với bản thân mình.

Chúng ta cũng được có cơ hội để tiếp cận với nguồn tài nguyên kiến thức, thông tin, để hỗ trợ cho chúng ta trong những quyết định. Cảm tưởng như mọi câu hỏi đều có thể tìm được câu trả lời chỉ với vài cái google search.

Ngoại trừ một câu hỏi rất quan trọng, mà mình tin là, bất kì ai cũng đã từng tự hỏi ít nhất vài lần trong đời. Một câu hỏi mang tính cốt lõi, hiện sinh, làm nền móng cho tất cả hiện thực đang diễn ra xung quanh ta. “Tôi thật sự là ai?”

Nỗi hoang mang của cuộc đời

Cuộc khủng hoảng hiện sinh

Thời mình còn nhỏ, mình cũng không nhớ chính xác là khoảng bao nhiêu tuổi, nhưng mình đã từng thấy hoang mang với tất cả mọi thứ về cuộc sống. Mình đã từng tự hỏi bản thân là tại sao mình lại được sinh ra. Tại sao mình lại là mình, mà không phải là bất kì ai khác? Mình thật sự là ai? Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Ý nghĩa của tất cả mọi thứ là gì?

Lúc ấy, mình cảm tưởng như tất cả thực tại xung quanh mình, chỉ là những mảnh ghép rời rạc cho một câu đố bí ẩn nào đó của vũ trụ, mà chính bản thân mình không thể hiểu. Mình rất phân vân, không biết nên cố gắng tìm kiếm câu trả lời, hay là nên tiếp tục sống như một đứa trẻ bình thường, và hòa mình trở lại với cái guồng quay của cuộc sống.

Tất nhiên là, những câu hỏi ấy chỉ dẫn mình đi lòng vòng, mà không tới đâu cả. Một thời gian rồi mình cũng thôi đặt ra cho bản thân những câu hỏi như vậy.

Sau này thì mình được biết, những khoảnh khắc như vậy còn được gọi là existential crisis, hay một cuộc khủng hoảng hiện sinh.

Câu đố bí ẩn của cuộc sống

Có một sự thật đó là, không ai trong chúng ta yêu cầu được sinh ra. Thế nhưng bằng một kịch bản ngẫu nhiên nào đó của vũ trụ, mà một ngày chúng ta tự thấy mình tồn tại trên cõi đời này, được sinh ra trong gia đình này, vào đúng thời điểm này của dòng thời gian bất tận. Đó là một sự thật vừa tình cờ, vừa trớ trêu, mà cũng vừa kỳ diệu.

Chúng ta có một khuôn mặt, mang đường nét hao hao giống cha mẹ. Chúng ta có một cái tên, để tự phân biệt được mình trong mọi tương tác xã hội. Tất cả mọi thứ đã được sắp đặt trước như vậy rồi. Chúng ta hầu như không có quyền lựa chọn. Thay vào đó chỉ cần tập trung vào việc chúng ta sẽ sống cuộc đời mình như thế nào mà thôi.

Tuy nhiên thì, cuộc sống này, chưa bao giờ là đơn giản. Nhà Phật nói: “đời là bể khổ”. Khi bước vào cuộc đời, thì chúng ta cũng phải đối diện với rất nhiều nỗi hoang mang.

Chúng ta không biết lựa chọn những ngã rẽ nào trong cuộc đời. Chúng ta muốn chọn được một ngành nghề phù hợp, muốn chọn được người bạn đời chuẩn gu. Chúng ta muốn được trải nghiệm một “sự tồn tại đích thực”, theo như định nghĩa của những nhà triết học hiện sinh. Đó là được sống một cách đúng đắn nhất, chân thật nhất với bản thân, như cái cách người đời vẫn dạy: “hãy cứ là chính mình”.

Thế nhưng, làm thế nào để được là chính mình, thì lại chẳng ai nói. 

Làm sao để có thể là chính mình, khi chưa thật sự hiểu rõ mình là ai? Nếu chúng ta không hiểu mình, thì làm sao lựa chọn được những gì tốt nhất cho bản thân? Làm sao chọn được những con đường mình muốn đi, đến được những nơi mình muốn đến?

Vậy nên mà, khi không tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi này, thì thẳm sâu trong lòng mỗi người, hẳn sẽ vẫn còn đó một nỗi hoang mang. Một nỗi hoang mang to lớn nhất, quan trọng nhất, bao hàm tất cả những nỗi hoang mang khác trong đó.

Xem thêm :  Xem bát tự là gì ? xem vận mệnh theo bát tự hay tử vi chính xác hơn

Mặt trái của sự tự do

Bản thân ta thực sự là ai? Chúng ta tin mình không bị giới hạn trong thân xác, chúng ta biết mình không bị định nghĩa bởi danh xưng. Chúng ta ngầm hiểu rằng, câu trả lời cho bài toán “thấu hiểu bản thân”, sẽ không thể được tìm thấy ở thế giới khách quan bên ngoài.

Ấy là mặt trái của sự tự do mà ít ai bàn tới. Thế hệ chúng ta may mắn được giải phóng khỏi những khuôn mẫu của xã hội, được trao cho những cơ hội tuyệt vời để hiện thực hoá bản thân. 

Tuy nhiên thì, chúng ta không ngờ rằng, tự do luôn đi cùng trách nhiệm. Tự do càng nhiều, trách nhiệm cũng càng lớn. Khi không còn một thứ tác động ngoại cảnh nào áp đặt cách chúng ta phải sống, điều đó cũng có nghĩa, chính bản thân mỗi chúng ta phải tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Không ai khác có thể chỉ cho ta cách giải, vì dường như mỗi người đều được phát một đề thi riêng.

Và, giữa một thế giới hiện đại phức tạp và vô vàn những khả năng, chúng ta bối rối như những đứa trẻ đi lạc đường, muốn tìm kiếm và bấu víu lấy một cái hiểu về bản thân, làm chiếc kim chỉ nam dẫn chúng ta đi qua những lựa chọn trong cuộc đời, làm ngọn đuốc soi đường cho ta đi qua những hỗn loạn tăm tối. Đó cần phải là một cái hiểu đúng đắn, trọn vẹn, và sâu sắc về bản thân, để tâm hồn ta không còn cảm thấy lạc lõng hoang mang trong chính da thịt của mình.

Thế nhưng, để nhìn vào bên trong thì lại là một thử thách không hề dễ dàng. Đặc biệt, việc này lại còn càng khó khăn hơn nữa trong bối cảnh thế giới hiện đại ngày nay. 

Chứng kiến sự thay đổi của thế giới trong vòng 27 năm mình tồn tại trên cuộc đời, càng làm mình cảm thấy chắc chắn hơn với nhận định này. Khi xã hội ngày càng hiện đại hóa, càng thử thách hơn cho chúng ta để có thể tự thấu hiểu bản thân mình. 

Điều này cũng có nghĩa, khi mình nói “thấu hiểu bản thân” là một vấn đề của thế hệ trẻ trong thế kỷ 21, mình không có ý nói những thế hệ đi trước không thấu hiểu bản thân họ. Thay vào đó, mình muốn nói tới việc, thế hệ trẻ ngày nay gặp phải nhiều rào cản hơn trong việc nhìn vào bên trong chính mình.

Để lý giải cho điều này, thì mình sẽ quay trở lại với cái bức tranh thế giới ngày nay mà mình đã miêu tả lúc trước.

Những khó khăn ngày nay

Thế hệ gen Z ngày nay, sớm được tiếp cận với công nghệ thông tin hơn bất kì thế hệ nào trong lịch sử. Chúng ta bước vào một thế giới tràn ngập máy móc và những thiết bị thông minh. Từ iphone, ipad, cho tới những chiếc smart tv. Thậm chí, những thiết bị này lại còn ngày càng trở nên hiện đại và tinh vi hơn trước. Và, như một lẽ thường, chúng ta cũng học cách thích nghi và sử dụng thành thạo bất kỳ thứ đồ công nghệ nào mới xuất hiện.

Tất cả những sự tiến bộ về công nghệ làm thế giới xung quanh chúng ta tràn ngập những kích thích. Từ những ứng dụng streaming, game, tới mạng xã hội, hay mua sắm trực tuyến. Tất cả đều muốn thu hút sự chú ý của chúng ta, hướng cái sự chú ý của chúng ta ra thế giới bên ngoài, khiến chúng ta phải dành thời gian tương tác với chúng. Đó cũng là lý do mà chiếc smartphone của bạn liên tục hiện thông báo mới từ những ứng dụng đó. 

Vài năm trở lại đây thì nở rộ lên mạng xã hội tiktok. Là một người làm trong lĩnh vực truyền thông thì, mình cũng có download để tìm hiểu thêm. Thế xong rồi, một ngày mình dành rất nhiều giờ đồng hồ với cặp mắt dán chặt vào chiếc màn hình điện thoại, với ngón tay cái liên tục quẹt lên quẹt xuống để xem nội dung trên đó. 

Và cuối cùng là, mình cảm thấy rất tệ về bản thân mình khi để thời gian trôi đi một cách lãng phí. Những nội dung được gợi ý, thường chẳng bổ ích, mà cũng chẳng giải trí. Nhưng bằng một cách nào đó, mà nó vẫn cuốn chúng ta vào, khiến chúng ta không thể rời ra được.

Theo mình thì, thứ nhất đó là do cái thuật toán cực kì tinh vi của tiktok, có khả năng theo dõi và phân tích hành vi của chúng ta. Thứ hai, đó là những nội dung thường rất ngắn, tác động trực tiếp vào cái hệ thống dopamine của chúng ta, làm chúng ta cảm tưởng như chiếc video tiếp theo sẽ hay hơn, sẽ thỏa mãn hơn. Và cuối cùng là, những hình ảnh chuyển động liên tục, những tiếng nhạc xập xình, cũng rất dễ thu hút sự chú ý của chúng ta, giống như cái cách các em nhỏ dễ bị thu hút bởi màu sắc và chuyển động trong những bộ phim hoạt hình. Không những vậy, đôi lúc chiếc điện thoại lại rung lên vì những thông báo được gửi đến, nhắc nhở chúng ta quay trở lại và không được bỏ lỡ những nội dung mới.

Khi công nghệ làm ta mất kết nối

Và đó là khi mà mình nhận ra, khi sinh ra và lớn lên trong một thế giới đầy những tác nhân gây kích thích, thì tâm trí chúng ta cũng sẽ rất khó có thể cưỡng lại, mà buộc phải hướng ra thế giới bên ngoài. Xét trên một góc độ nào đó, một góc độ có vẻ hơi đáng buồn, nhưng lại là sự thật, đó là chúng ta đang dần trở thành những con nghiện.

Tuy nhiên thì, càng nhận ra điều này càng sớm, chúng ta càng được tự do. Bởi vì, tiktok chỉ là một bước tiến mới trong một xu hướng chung. Trong bối cảnh công nghệ đang ngày càng phát triển, với tốc độ phát triển ngày càng nhanh, thì trong tương lai sẽ còn càng nhiều kích thích hơn, càng nhiều tác nhân gây nghiện hơn nữa.

Bởi vì việc thu hút sự chú ý của chúng ta, buộc chúng ta phải tương tác với những sản phẩm công nghệ không rời ra được, là cái cách mà những người làm thiết bị, làm ứng dụng, làm nội dung thu về lợi nhuận.

Do đó mà, mình thực sự nghĩ, với một thế giới quá nhiều kích thích từ bên ngoài, thì việc lùi lại và tự nhìn vào bên trong để chúng ta có thể thấu hiểu được mình, đang dần trở nên khó hơn bao giờ hết.

Trong cuốn sách nổi tiếng “21 bài học cho thế kỷ 21” của tác giả Yuval Noah Harrari, ông cũng nhấn mạnh, thế giới chúng ta đang tràn ngập những kết nối. Nhưng sự kết nối quan trọng nhất, mà chúng ta lại vẫn thường bỏ qua, là kết nối với chính bản thân mình.

Để kết nối với chính mình

Sẽ thế nào nếu như chúng ta không thể thấu hiểu được chính mình?

Chúng ta sẽ cảm thấy hoang mang về bản thân, sẽ cảm thấy mông lung với mọi thứ trong cuộc đời. Sẽ bị cuốn đi lòng vòng trong những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, và để bị rơi vào những cuộc khủng hoảng hiện sinh như bản thân mình lúc trước.

Theo như triết gia đương đại Alain De Botton, thì nếu như không có một cái hiểu thấu đáo về bản thân mình, để làm nền móng hay làm định hướng cho những sự lựa chọn của chúng ta trong cuộc đời, thì chúng ta cũng sẽ rất dễ dàng trở thành nạn nhân trước những tác động bên ngoài.

Khi ấy, chúng ta sẽ rơi vào một trạng thái thụ động. Chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào đánh giá của người khác, bị lệ thuộc vào những sự công nhận của xã hội. Chúng ta sẽ mải mê chạy theo những gì số đông cho là đúng, mà không tự có được cho mình những quan điểm riêng. 

Chỉ cần một chút ý kiến tiêu cực từ bên ngoài, hay một thất bại dù là nhẹ nhàng nhất, cũng đủ để làm cho chúng ta cảm thấy lung lay về chính bản thân mình.

Khi ấy, chúng ta đánh mất chính mình, và cũng đánh mất luôn cả cơ hội để được là chính mình.

Và do đó mà, nhu cầu “thấu hiểu bản thân” càng trở thành một vấn đề quan trọng mà những người trẻ cần phải quan tâm. Và đó cũng là một cái động lực khiến cho mình thực hiện tập podcast này.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể thấu hiểu được mình?

Chúng ta ngầm hiểu rằng, câu trả lời hiện hữu ở bên trong. Nhưng không ai chỉ cho chúng ta cách làm, và cũng không ai cảnh báo cho chúng ta rằng việc này sẽ khó khăn hơn ta nghĩ.

Và đó cũng là điều mình đang cố gắng lý giải. Tại sao “thấu hiểu được bản thân mình lại không hề dễ dàng?

Mình đã thực sự nghiêm túc đi tìm câu trả lời cho bản thân trong vòng khoảng 4 năm trở lại đây. Trong quãng thời gian ấy, mình đã học hỏi được rất nhiều, và cũng trưởng thành lên rất nhiều. Mình đã hiểu hơn về bản thân mình, và cuộc sống của mình cũng đồng thời vơi đi những nỗi hoang mang, những nỗi bất an.

Thế nhưng, để mà nói, mình đã hoàn toàn hiểu rõ về bản thân mình, thì chắc chắn là không thể. Mình cũng nghĩ, không ai có thể dễ dàng khẳng định được điều đó, mà đang không tự lừa dối bản thân dù ít dù nhiều.

Sự phức tạp của não bộ con người

Lý do cho việc này thật ra lại rất dễ hiểu. Bởi vì, bằng một sự sắp xếp tình cờ của vũ trụ, mà chúng ta sinh ra là một con người. Mà con người là những sinh vật vô cùng phức tạp. Và thậm chí, mỗi con người, lại phức tạp theo một cách hoàn toàn riêng biệt.

Cuộc đời chúng ta, dù cho nhỏ bé thế nào, dù cho ngắn ngủi ra sao, hoá ra lại là những thực thể phức tạp nhất, bí ẩn nhất, và cũng kỳ diệu nhất. 

Để minh họa cho luận điểm này, thì mình sẽ lấy ví dụ về chính bộ não của chúng ta. 

Các nhà khoa học ước tính trong não bộ của chúng ta có tới 100 tỷ neuron thần kinh. Đây là một con số quá lớn để chúng ta có thể dễ dàng hình dung. Nếu như để so sánh, thì nó nhiều tương đương số lượng vì sao trong dải ngân hà. Và, mỗi neuron lại có tới trung bình 40,000 mối liên kết với những neuron xung quanh. Tất cả những kết nối này tạo thành một hệ thống mạng lưới dẫn truyền thông tin khổng lồ, mà với tất cả những thiết bị hiện đại của lĩnh vực khoa học thần kinh, cũng vẫn chưa thể giải mã được hết. 

Nhiều người nói, bộ não của chúng ta là một cỗ siêu máy tính cực kì tinh vi. Đây là một thứ sản phẩm mà tạo hoá đã thiết kế ra sau hơn 3 tỷ năm tiến hoá của sự sống. Tâm trí của con người phức tạp đến mức mà chính nó còn chưa ý thức được hết.

Và, giữa thế giới hiện đại, chúng ta mải mê với những thiết bị công nghệ, mà bỏ quên cái cỗ siêu máy tính của chính bản thân mình. Chúng ta bị cuốn theo guồng quay của thế giới bên ngoài, mà thờ ơ lãnh đạm với cái thế giới bên trong. 

Những bí ẩn được chôn sâu trong tâm trí

Và, cái nhận thức của chúng ta, nếu như quan sát từ bên trong, cũng cho thấy rất nhiều điều bí ẩn.

Xem thêm :  Tổng hợp 43+ hình ảnh hoa hồng đen đẹp

Trường phái phân tâm học của Sigmund Freud, tạo ra một dấu ấn lớn trong những ngày đầu sơ khai của ngành tâm lý học, khi ông tuyên bố với thế giới những phát hiện của mình về phần vô thức của con người. Vô thức, để hiểu một cách đơn giản nhất, là phần tâm trí nằm ngoài phạm vi của ý thức. Do đó, chúng ta không thể trực tiếp quan sát hay trải nghiệm được vô thức, mặc cho việc nó âm thầm tác động tới những suy nghĩ và hành vi của chúng ta mỗi ngày. Freud coi vô thức là một tập hợp những ẩn ức tâm lý mà chúng ta phải kìm nén, bao gồm cả những thôi thúc bản năng xấu xa đen tối nhất.

Tuy nhiên thì, Carl Jung, một người đồng môn và cũng là học trò của Freud, nhận thấy giả thuyết này đi chưa đủ sâu. Những miêu tả đó của Freud mới chỉ chạm đến cái phần mà Jung gọi là vô thức cá nhân. Nếu như đi xa hơn nữa, thì chúng ta sẽ chạm đến một nơi được gọi là vô thức tập thể, hiện hữu trong những tầng sâu nhất của tâm trí con người. Đây là những trí tuệ cổ xưa, được xây dựng và đúc kết qua hàng ngàn thế hệ xuyên suốt quá trình tiến hoá, mà chúng ta được thừa hưởng kể từ khi mới chào đời. 

Những khái niệm này, mình không thể nào được giới thiệu ngắn gọn, mà không tự cho phép bản thân đơn giản hoá chúng đi rất là nhiều. Và, việc mình nói ra những điều này để minh chứng cho việc, vẫn còn quá nhiều điều về tâm trí con người chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu rõ.

Chúng ta bước vào cuộc đời này với một cỗ siêu máy tính, nhưng lại không được trang bị một chút nào hướng dẫn về cách sử dụng.

Chúng ta tự nhận thấy mình là những sinh vật có ý thức, nhưng lại không ngờ được rằng ý thức ấy chỉ là bề mặt nổi lên của cả một tảng băng chìm rất sâu dưới lòng đại dương.

Tâm lý học có mang đến câu trả lời?

Vai trò của khoa học

Vậy thì, liệu một lĩnh vực khoa học như tâm lý học có thể giúp chúng ta giải được bài toán này hay không? Liệu tâm lý học có giúp chúng ta thấu hiểu bản thân mình hơn hay không?

Để trả lời câu hỏi này, thì mình sẽ cần phải xác định xem, vai trò của khoa học trong cái bức tranh toàn cảnh này là gì.

Cuộc cách mạng khoa học, bắt nguồn từ khoảng giữa thiên niên kỷ trước, khi những nhà khoa học như Galileo, Descartes và Newton, đặt ra những nền móng đầu tiên của thời kỳ khai sáng. 

Kể từ đó, những khám phá và phát minh khoa học dần phát triển theo cấp số nhân. Nhờ những lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm nơi chúng ta phải vào vai người quan sát, con người mới dần có một cái hiểu thực tế hơn về vạn vật. Khoa học thay đổi toàn bộ giao diện của thế giới, và cũng dần thay đổi cách con người tư duy.

Một trong những sự thay đổi mà mình cho là quan trọng nhất trong giai đoạn này, là việc khoa học dần thay thế tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo, dần lung lay và mất đi vị thế thống trị mà nó vốn có trong suốt nhiều thế kỷ trước đó. Đỉnh điểm là với thuyết nhật tâm của Copernicus và thuyết tiến hóa của Charles Darwin, đã khiến cho chúng ta nhận ra rằng, việc đặt niềm tin vào những đấng thần linh là hoàn toàn không có cơ sở. 

Không thể phủ nhận, sự thay đổi này mang lại rất nhiều điều tích cực cho con người. Nhờ có khoa học mà chúng ta mới có thể có những phát kiến như điện, máy tính, hay internet. Tuy nhiên thì, đi cùng với sự thay đổi đó cũng là một vài những tác dụng phụ.

Những bài toán không có lời giải

Trước khi có khoa học, thì các tổ chức tôn giáo là nơi con người tìm đến khoả lấp nhu cầu tâm linh của mình, giúp làm dịu đi những nỗi bất an không thể tránh khỏi trong một cuộc đời đầy biến động. 

Triết gia Karl Marx có câu nói: “Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng”.

Thế nhưng, cơn bão khoa học bỗng ập đến và thổi bay đi bức màn ảo ảnh dễ chịu của đức tin. Con người bỗng bị lấy đi sự an yên trong tâm hồn, vốn trong suốt nhiều đời đã quen với việc lệ thuộc vào những niềm tin tâm linh. Sức mạnh khai sáng của khoa học khiến con người tự nhận ra mình là những con nghiện. 

Nhưng, khoa không đem đến bài thuốc nào cho tâm hồn của con người, ngoại trừ những sự thật khô khan về thế giới xung quanh. Những sự thật ấy không mang nhiều ý nghĩa sống, và không giúp con người trả lời được những câu hỏi về giá trị của cuộc sống, hay về bản chất của tâm hồn mình.

Khi tôn giáo không còn tầm ảnh hưởng, con người phải tìm đến những cách khác để có thể thoả mãn nhu cầu tâm linh ấy. 

Đó cũng là bối cảnh ra đời của chủ nghĩa triết học hiện sinh, với những triết gia nổi tiếng như Kierkegaard, Nietzsche, hay Jean Paul Satre. Chủ nghĩa triết học hiện sinh cho rằng con người là những thực thể hiện hữu, trước khi phải đảm nhiệm bất kì một vai trò nào trong xã hội. Do đó, con người, thông qua cái ý thức mà chúng ta có, tự kiến tạo nên các giá trị trong cuộc sống, và tự xác định ý nghĩa cho bản thân mình.

Sự ra đời của tâm lý học

Trong suốt vài thế kỷ đầu tiên sau khi khoa học xuất hiện, con người mới chỉ sử dụng những phương pháp thực nghiệm để quan sát cái thế giới bên ngoài.

Mãi cho tới những năm 1860, tức nửa sau của thế kỷ 19, thì lĩnh vực tâm lý học được thành lập, sau khi được tách ra khỏi triết học để trở thành một nhánh khoa học riêng. Kể từ đó, con người mới bắt đầu thực sự nhìn vào bên trong tâm trí, thông qua lăng kính của khoa học. 

Kể từ đó tới nay, thì ngành khoa học mới mẻ này đã có rất nhiều sự thay đổi. Học thuyết của những nhà tâm lý đời đầu như William James, Sigmund Freud hay Carl Jung, ngày nay không còn là tiêu chuẩn khoa học được giảng dạy trong các trường đại học, thay vào đó chỉ mang giá trị tham khảo. 

Theo nghiên cứu của APA (hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ), số lượng sinh viên theo học ngành tâm lý đang có xu hướng tăng trong vòng 30 năm trở lại đây. Tại Việt Nam, mối quan tâm và nhận thức về vấn đề sức khỏe tâm lý cũng gia tăng rõ rệt, tạo tiền đề cho việc ngành học này mới được đưa thêm vào giảng dạy ở một vài nơi, như đại học quốc tế sài gòn, hay đại học RMIT.

Nhận thức của xã hội về vấn đề sức khoẻ tâm lý đang dần nhận được nhiều hơn sự quan tâm. Chúng ta dần ý thức được hơn về những căn bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu, và dần được trang bị những kiến thức tâm lý để có thể tự bảo vệ được mình trước những vấn đề đến từ bên trong.

Khi thế giới hiện đại đang ngày càng tạo ra nhiều vấn đề tâm lý cho thế hệ trẻ, thì đi cùng với đó cũng là sự tiến bộ của tâm lý học, giúp chúng ta tìm ra bài thuốc cho những vấn đề ấy.

Những lăng kính của tâm lý học

Đây không phải là những sự thay đổi ngẫu nhiên, mà theo mình, đó là hai mặt của một vấn đề. Sự phổ biến của tâm lý học ngày nay, hứa hẹn sẽ trở thành một công cụ để chúng ta tự cân bằng lại trước những sự thay đổi quá lớn về xã hội.

Vậy nhưng đừng quên, tâm lý học cũng vẫn là một ngành khoa học non trẻ. Câu trả lời chắc chắn sẽ không được bày sẵn.

Ngành tâm lý học, kể từ những ngày đầu sơ khai, cũng phân nhánh ra thành nhiều trường phái, nhiều lĩnh vực. Từ tâm lý học nhận thức, tâm lý học hành vi, phân tâm học, cho đến khoa học thần kinh. Tất cả đều quan sát cùng một đối tượng, là cái nhận thức của con người, dù là qua những lăng kính khác nhau, những định hướng khác nhau.

Thế nhưng, mỗi lăng kính lại cho ra một bức tranh khác. Mỗi định hướng lại cho ra một câu chuyện khác.

Có quá nhiều quan điểm, có quá nhiều học thuyết. Nhiều khi đến chính những nhà nghiên cứu còn mâu thuẫn lẫn nhau khi tìm đến kết luận.

Có lẽ do đó, mà câu hỏi về bản chất của chính mình vẫn làm chúng ta hoang mang. Điều ấy là hết sức bình thường, và chúng ta không cô đơn khi chưa có được câu trả lời thích đáng.

Thấu hiểu bản thân: hiểu sao cho đúng?

Vậy thì, chúng ta có thể làm được những gì, để có thể thấu hiểu bản thân mình hơn? Sau đây mình sẽ chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về hành trình này. Đó lần lượt sẽ là: phát triển khả năng tự nhận thức, tách biệt mình khỏi những phán xét chủ quan, xây dựng lòng cảm thông dành cho chính mình, và trang bị cho mình thêm thật nhiều trải nghiệm. 

Những điều này, mình không khẳng định sẽ đem lại một câu trả lời chắc chắn cho tất cả những ai đang có nhu cầu thấu hiểu bản thân. Thay vào đó, thì sẽ chỉ dựa trên quan sát và trải nghiệm của riêng mình trong vài năm trở lại đây mà thôi.

Phát triển khả năng tự nhận thức

Thấu hiểu bản thân, theo kinh nghiệm của mình, không phải là một khoảnh khắc nhất thời như khi chúng ta bất ngờ lĩnh hội được một kiến thức gì đó mới. Mà đó là một hành trình dài, yêu cầu chúng ta phải dần phát triển kỹ năng tự quan sát bản thân, và tự ý thức được mình. Trong tiếng Anh còn gọi là self-awareness, hay sự tự nhận thức.

Sự tự nhận thức là một yếu tố vô cùng quan trọng, không phải chỉ với riêng việc thấu hiểu bản thân, mà còn cả ở việc điều tiết và gìn giữ cho bản thân một trạng thái tinh thần khoẻ mạnh. Đây là điều được các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học tích cực kết luận, khi họ tìm hiểu những yếu tố có thể giúp chúng ta sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Khả năng tự nhận thức là một kỹ năng cần chúng ta phải siêng năng rèn luyện, giống như tất cả những kỹ năng khác trong cuộc sống này. Vậy có nghĩa, nếu như chúng ta không thường xuyên rèn luyện, thì khả năng đó sẽ rất yếu kém. Ngược lại, nếu như chúng ta biết cách rèn luyện mỗi ngày, thì về lâu dài chúng ta sẽ trở nên thành thục hơn rất nhiều.

Mình sẽ lấy ví dụ bằng việc so sánh khả năng tự nhận thức, với khi chúng ta tập chạy bộ. Thì nếu như trước đó chúng ta chưa quen tập cardio, hoặc quen với việc vận động cơ thể ở cường độ mạnh, thì lần đầu tiên chạy bộ, chúng ta chỉ có thể chạy được 5 phút là đã kiệt sức. Có thể chúng ta sẽ thấy chân đau, thở gấp, tim đập nhanh, và không thể tiếp tục. Đơn giản là cơ thể chưa được rèn luyện để thích nghi với việc đó. Tuy nhiên thì, nếu như chúng ta duy trì về lâu dài, bằng một cái tinh thần bền bỉ, thì dần chúng ta sẽ chạy được 10 phút, 15 phút, 30 phút, hay thậm chí là hàng giờ đồng hồ.

Xem thêm :  Review địa điểm đi chơi cuối tuần Hà Nội hấp dẫn nhất hiện nay

Kỹ năng tự nhận thức cũng giống như vậy. Chúng ta gặp khó khăn trong việc quan sát cái thế giới bên trong, vì từ nhỏ tới lớn, sự chú ý của chúng ta vốn vẫn luôn hướng ra bên ngoài, vì bị thu hút bởi những gì diễn ra xung quanh. Không ai dạy chúng ta cách tự nhận thức, hay giải thích cho chúng ta tầm quan trọng của nó.

Vậy nên, khi mới bắt đầu việc rèn luyện và phát triển khả năng tự nhận thức, có thể là thông qua thiền chánh niệm, hoặc các phương pháp khác tương đương, chúng ta sẽ có thể cảm thấy một chút khó khăn trong thời gian đầu. Nhưng về lâu dài, nếu chúng ta tiếp tục rèn luyện như một thói quen, thì dần khả năng tự nhận thức mới được phát triển.

Và, chỉ khi chúng ta tự quan sát bản thân bằng một cái nhìn rõ nét, thì cái con người thực sự của chúng ta mới dần được hiện rõ. 

Về bản thân mình, thì mình bắt đầu tập thiền từ khoảng giữa năm 2018. Mỗi ngày mình dành ra khoảng 20 phút buổi sáng để tập trung vào hơi thở, và thư giãn tâm trí để có thể quan sát và cảm nhận được những gì đang diễn ra trong con người mình.

Tách mình ra khỏi cái nhìn chủ quan

Khi chúng ta quan sát bản thân, chúng ta sẽ không tránh khỏi việc vội vàng tự đánh giá chính mình bằng những thiên kiến mà chúng ta đã sẵn có. Những thiên kiến này được xây dựng và hình thành xuyên suốt quá trình chúng ta lớn lên. Hoặc là do chúng ta tự tạo ra cho bản thân mình, hoặc bị tạo thành bởi những quan điểm từ bên ngoài.

Nhưng dù là cái thiên kiến ấy được tạo thành như thế nào đi chăng nữa, nếu như nó không đến từ một cái hiểu thấu đáo về bản thân, thì chúng ta không nên bám chấp vào nó. Vì cái thiên kiến ấy sẽ không nói lên sự thật về con người ta. Thay vào đó, nó sẽ chỉ là một cái nhìn chủ quan về bản thân, cấu thành bởi cái tôi của chúng ta như một nhân vật chính trong câu chuyện cuộc đời mình. Điều này có nghĩa là gì?

Có thể chúng ta đã sẵn có những đánh giá quá tiêu cực, hay quá tích cực về bản thân. Ở trường hợp thứ nhất, nếu như chúng ta tự đánh giá mình một cách tiêu cực, thì sự tự tin của chúng ta sẽ rơi xuống rất thấp. Chúng ta sẽ vô tình bỏ qua việc nhìn nhận đúng đắn những phẩm chất tốt đẹp, hay những thế mạnh riêng biệt của bản thân mình. Ngược lại, nếu như chúng ta đánh giá bản thân quá cao, chúng ta sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của căn bệnh ái kỷ, mà không hề ý thức được những thiếu sót của bản thân. Những thiếu sót này đơn giản là sẽ rơi vào điểm mù trong nhận thức, nơi chúng ta không dám thẳng thắn thừa nhận.

Trong cái thế giới quan của mình, thì tất cả mọi người, dù là bất kì ai, cũng đều có mặt tốt và mặt xấu, mặt sáng và mặt tối, mặt thiện và mặt ác. Nó tạo thành hai mảng màu đối lập trong tầm hồn chúng ta. Không có ai là tốt đẹp hoàn hảo, và cũng không có ai là tuyệt đối xấu xa. Có tốt ắt sẽ có xấu, mà có xấu ắt sẽ có tốt.

Vậy nên, nếu như chúng ta tự nghĩ về bản thân một cách quá cao đẹp, chúng ta đang bỏ sót đi những mặt xấu của mình. Ngược lại, nếu như chúng ta hạ thấp bản thân một cách thái quá, chỉ toàn nhìn thấy những sự yếu kém ở bản thân, là chúng ta cũng quên mất rằng mình cũng có những điểm tốt.

Những thiên kiến chủ quan ấy về bản thân, về cơ bản, là không trọn vẹn. Nó không phản ánh hoàn toàn về con người chúng ta, và do đó, không chính xác.

Vậy thì, khi chúng ta học cách tự nhận thức, tự quan sát bản thân mình, chúng ta nên tự xác định được những thiên kiến sẵn có này. Và vì những thiên kiến này không phải lúc nào cũng đúng, tốt nhất chúng ta nên tách mình ra khỏi chúng.

Thay vào đó, ở vị trí người quan sát, chúng ta cần phải đặt bản thân vào một vị trí khách quan nhất có thể. Từ đó, thì những mặt tốt, mặt xấu của chúng ta mới có thể hiện rõ. Và, chúng ta mới có thể tự nhìn nhận bản thân mình như một cá thể vẹn toàn, đầy tài năng, và cũng đầy thiếu sót.

Xây dựng lòng cảm thông cho bản thân mình

Và, khi chúng ta cố gắng nhìn nhận con người mình một cách trọn vẹn, bao gồm cả những góc cạnh chúng ta khó thấy, hoặc không muốn thấy, thì chúng ta sẽ không thể tránh được sự kháng cự của cái tôi, hay cái bản ngã.

Vì khi ấy, cái thiên kiến chủ quan sẵn có của chúng ta về bản thân mình bị vụn vỡ. Để mở rộng được cái góc nhìn của mình, chúng ta phải thừa nhận rằng góc nhìn cũ vẫn còn hạn hẹp. Để sẵn sàng đón nhận và lắng nghe sự thật, chúng ta phải thừa nhận rằng những gì mình biết chưa chắc đã đúng.

Vậy nên, hướng tiếp cận đúng đắn nhất theo mình, là việc chúng ta sẵn sàng chấp nhận toàn bộ con người mình. Chấp nhận tất cả mặt tốt, và chấp nhận tất cả mặt xấu. Chấp nhận tất cả con người mình như một cá thể không hoàn hảo.

Việc chấp nhận ở đây, không giống như việc chúng ta buông xuôi. Cũng không giống với việc, chúng ta lấy đó làm lời biện hộ cho việc trốn tránh trách nhiệm, hay biện hộ cho một thái độ sống thụ động, lùi bước trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống.

Thay vào đó, thì chấp nhận ở đây, giống như khi ta tự trao cho bản thân mình một tấm lòng cảm thông, một trái tim bao dung, sẵn sàng gửi gắm đến bản thân một tình yêu thương không phán xét, dù cho chúng ta có là bất kỳ ai đi chăng nữa.

Điều này cũng giống với việc chúng ta chấp nhận cha mẹ mình, hay một người nào đó thân thuộc, hay gần gũi với chúng ta. Thật sự không có ai là hoàn hảo. Ai cũng đều có những thiếu sót riêng. Thế nhưng chúng ta vẫn sẵn lòng tha thứ cho những thiếu sót ấy, và chấp nhận họ như một người chúng ta yêu thương.

Với bản thân mình cũng vậy. Ai cũng đều xứng đáng được chấp nhận, được cảm thông, được yêu thương, và chính bản thân chúng ta cũng không phải là ngoại lệ.

Trang bị thêm cho mình thật nhiều trải nghiệm

Làm sao để biết rõ ta tài giỏi ở điểm nào, ta yếu kém ở điểm nào? Nếu như không có một thước đo khách quan và chuẩn xác?

Không ai trong chúng ta tồn tại độc lập trong một thế giới riêng. Con người dù gì cũng là một loài động vật xã hội, chúng ta chỉ tồn tại như một cá thể trong một hệ thống mạng lưới những cá thể khác. 

Đó là một tập thể nhiều tầng lớp, nhiều sắc màu, và cũng nhiều góc cạnh. 

Và, cái cách chúng ta thích nghi trong cái xã hội ấy như thế nào, sẽ nói lên rất nhiều điều. Các nhà tâm lý học cho biết, những mối quan hệ xã hội chất lượng là một yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự hạnh phúc của chúng ta trong cuộc sống. 

Bên cạnh đó thì, theo như mình nghĩ, để có thể thật sự nhìn nhận được đúng về con người mình, chúng ta cũng cần đến nhiều trải nghiệm xã hội.

Chúng ta đến trường học, mới biết thế giới ngoài kia rộng lớn hơn vòng tay mẹ cha. Chúng ta đi xa nhà, mới hiểu thấu xã hội này nhiều hiểm nguy hơn cô thầy chúng bạn. 

Chúng ta càng khám phá, càng mở rộng thế giới quan, lại càng tự thấy mình nhỏ bé. Thế nhưng, chúng ta lại vẫn thường quên mất điều ấy, mà vội vàng nhận định rằng những góc cạnh hạn hẹp ta nhìn thấy, là hiện thân cho toàn bộ sự thật về thế giới. 

Vài bức ảnh đi du lịch, ăn nhà hàng của bạn bè trên facebook, không có nghĩa tất cả mọi người đều đang có cuộc sống xa hoa sung túc. Vài mẩu tin tiêu cực mà cánh nhà báo đưa lên, không có nghĩa cả thế giới này đang ngập chìm trong bất hạnh và khổ đau. Tất cả những điều ấy làm cái bối cảnh xã hội mà ta tự tưởng tượng ra xung quanh mình méo mó và thiếu chân thực. 

Có lẽ, sự phong phú đa dạng của thế gian này, ta sẽ không thể tự mình thấy được hết.  Nhưng nếu như không có một cái hiểu khách quan về thế giới, liệu chúng ta có tự đánh giá mình bằng một cái nhìn phiến diện và chủ quan? 

Chúng ta đang tự nhận xét bản thân bằng cái nhìn của một đứa nhóc non nớt ngây thơ, hay của một cụ già thông thái đã từng trải với cuộc đời?

Nếu như không dám liều mình lăn xả vào giữa guồng quay cuộc đời đầy khắc nghiệt, liệu chúng ta có đủ trải nghiệm để tự định vị bản thân mình?

Những thành công và thất bại mà ta từng trải qua, chính là những tư liệu quý giá trong câu chuyện cuộc đời mình. Chúng là những mảnh ghép để ta thấy cái bức tranh toàn cảnh, là những manh mối dẫn ta tìm đến câu trả lời.

Qua đó, ta mới có thể soi chiếu và tự nhìn thấy mình rõ nét hơn.

Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể nhìn nhận và đánh giá được về bản thân một cách chân thực nhất, chuẩn xác nhất, nếu như có những trải nghiệm sống thực tế làm thước đo đánh giá. Mà thước đo ấy không thể có được, nếu như chúng ta tự giam mình trong vùng an toàn, tự ngăn mình khỏi những cuộc phiêu lưu.

Kết

Thấu hiểu bản thân là một bài toán tâm lý hóc búa của thế kỷ 21, mà mỗi người trẻ chúng ta phải tự tìm lấy câu trả lời. Đó là một hành trình dài miên man, dễ có khi khiến ta phải đầu hàng nản chí. Nó là thành quả của một quá trình dài tự nhận thức, tự phản chiếu. 

Nhưng đừng quên, nó khó khăn vì bạn là một cá thể kỳ diệu và độc nhất. Bên trong con người bạn vẫn ẩn chứa những bí ẩn phức tạp nhất của vũ trụ. Cũng đừng quên, bạn không phải là người duy nhất đang đơn độc trên hành trình ấy.

Hãy cùng thấu hiểu bản thân, và thậm chí là thấu hiểu lẫn nhau, để chúng ta cùng được sống đúng với con người mình. Để có thể cùng nhau xây dựng một thế giới, nơi mỗi chúng ta được chấp nhận và yêu thương… như một tâm hồn tự do và riêng biệt.

By Hà Minh

Youtube | Spotify | Facebook | Instagram

Share this:


THẤU HIỂU BẢN THÂN không khó như bạn nghĩ !!!| Nguyễn Hữu Trí


THẤU HIỂU BẢN THÂN không khó như bạn nghĩ !!! | Nguyễn Hữu Trí
Series Hỏi đáp cùng ông Quéo tuần này đã quay trở lại cùng với những câu hỏi từ clip trước của anh \

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tổng Hợp
Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tổng Hợp

Related Articles

Back to top button