Cây Xanh

Điều khiển quá trình ra hoa, tạo quả của quất (tắc) cảnh

1. Đảo quất (tắc)

Cây quất (tắc) trồng đến năm thứ 2 hoặc thứ 3 tiến hành chăm sóc quất với mục đích là điều khiển quất có quả và chín vào dịp Tết. Chăm sóc quất trước khi đảo: Trong thời gian chuẩn bị đảo quất tiến hành 5 ngày tưới quất 1 lần. Trước khi đảo quất phải sửa tán 2 lần để cho tán tròn đẹp. Trong thời gian trước khi đảo nếu cây ra hoa thì phải ngắt bỏ, nhằm mục đích để tập trung dinh dưỡng nuôi lá và cây. Bón thúc phân trước khi đảo quất, từ tháng 1 đến tháng 5 dương lịch, cứ 50 ngày bón thúc cho quất 1 lần, thường dùng phân khoáng, nước phân chuồng mục là tốt nhất, đợt bón cuối có thể thêm 1 ít phân kali với nồng độ khoảng 1//200 (5g K2SO4 cho 1 lít), sau mỗi lần tưới nước phân phải xới phá váng, phun thuốc sâu phòng trừ sâu bệnh cho quất.

Sau quá trình chăm sóc tiến hành đảo quất: Khi mùa xuân đến quất ra hoa tự nhiên, bứt bỏ các hoa trong đợt này, cắt đau các cây quất 1 tuổi, 2 tuổi, để tạo thành các cành vượt dễ tạo tán cho cây.

Khoảng tháng 4 âm lịch, khi quất (tắc) đã phát triển ổn định, nghĩa là lộc đã trở thành bánh tẻ, bắt đầu đảo quất.

– Yêu cầu trước ngày đảo quất: cây phải sạch sâu bệnh, trên tán cây có ít nhất là ¾ diện tích là bánh tẻ, chiều cao cây khoảng 60-75cm.

– Thời vụ đảo: Thường đảo tháng 5 đến tháng 6 âm lịch hoặc cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch.

– Cách đảo: Đào 1 bầu cách gốc chừng 25 – 30 cm hoặc 35 – 40 cm, sâu 25 -30 cm, moi dần rễ không làm đứt rễ chính, không làm vỡ bầu sau đó nhấc toàn bộ bầu lên trồng sang hố khác, lấp đất chặt gốc, đóng cọc để cố định cũng chống mức gió, bão, hai ngày sau mới tưới nước. Nếu gặp mưa khi đang đào, ta phải dừng lại, nếu đào gặp mưa, ta để một thời gian mới đặt bầu xuống.

Đảo quất (tắc)

– Khoảng 15 ngày sau hạ bầu trở lại và bón 5 – 10 kg/gốc phân chuồng hoai mục + 0,1 – 0,2 kg/gốc vôi bột + 0,5 kg/gốc supe lân. Chú ý rắc vôi bột vào các đầu rễ nhằm hạn chế mất nước và chống nhiễm khuẩn gây thối rễ.

– Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại một cách triệt để nhằm hạn chế tác hại của các loại rệp hại, sâu vẽ bùa, nhện trắng, nhện đỏ bằng các loại thuốc chuyên dụng và hạn chế úng ngập để tránh bệnh thối rễ, nứt thân giúp cây chuẩn bị phân hóa mầm hoa.

– Chăm sóc quất sau khi đảo: Sau khi đảo quất cứ 5 ngày tiến hành tưới nước một lần, khi cây đã đậu quả mà gặp những đợt sương muối thì sáng sớm phải phun nước rửa lá. Đến tháng 8 âm lịch cây quất sẽ bắt đầu ra hoa.

2. Khoanh vỏ cây quất

Khoanh vỏ hãm cây chống rụng quả non: Khi quả đã đậu khoảng 70 – 80%, to gần bằng hạt đậu xanh thì nên khoanh vỏ hãm cây để chống rụng quả non. Dùng dao chuyên dụng tiện 1 vòng quanh thân hoặc các cành cấp 1 sao cho đứt vỏ sát thân gỗ mở ra một lớp vỏ rộng khoảng 1 mm, cách gốc cành khoảng 10 – 25cm. Dùng băng dính tối màu băng lại để hạn chế mất nước và nấm bệnh, côn trùng xâm nhập gây nhiễm khuẩn. Tùy tình hình sinh trưởng của từng cây, diễn biến của thời tiết mà quyết định số lần khoanh vỏ cho phù hợp nhằm đạt được kết quả cao nhất. Nếu cây khỏe, trời mát, đất ẩm thì tiện 1-2 lần, ngược lại, cây yếu, trời hanh khô thì chỉ cần tiện 1 lần cũng đã đạt được hiệu quả. Chú ý các lần khoanh vỏ cách nhau 7-10 ngày và cách nhau khoảng 10 cm, không được khoanh trùng lên vết cũ. Khoảng 12 – 15 ngày sau tháo băng dính thấy 2 mép vỏ liền lại, các quả trên cây đã xanh ổn định là việc khoanh vỏ chống rụng quả đã thành công.

Xem thêm :  Đến du lịch bình thuận nhất định phải check-in cho bằng hết 20 điểm đến hấp dẫn này

Khoanh vỏ cây quất (tắc) cảnh

– Bón thúc nuôi quả: Khi quả lớn cỡ hạt ngô bắt đầu bón thúc bằng các loại phân có nguồn gốc từ thực vật và động vật như bột ngô, đậu tương, ốc bươu vàng, bột xương… đem ngâm chua 1 – 2 tháng, pha loãng tưới cho cây mỗi tuần 1 lần. Trước khi Tết khoảng 1 tháng nên bón thêm phân kali dạng KCl để tăng thêm độ ngọt và màu sắc đẹp.

– Neo giữ quả: Duy trì chế độ chăm sóc, bón phân cân đối, hợp lý, đặc biệt hạn chế bón nhiều phân đạm hóa học và luôn giữ độ ẩm đất khoảng 60 – 70% sẽ giữ được quả trên cây.

3. Điều khiển quá trình ra hoa tạo quả bằng các biện pháp canh tác để tạo cây quất Tứ quý

– Trong việc thay đổi tập tính của cây phù hợp với sự mong muốn của con người có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Nếu chúng ta muốn thay đổi chu kỳ tự nhiên của cây, việc đầu tiên là cây quất cảnh phải được trồng trong điều kiện kiểm soát được, chúng ta phải tác động một số biện pháp kỹ thuật để thay đổi tập quán, chu kỳ phát triển của cây nhằm ngăn chặn sự sinh trưởng, phát triển dinh dưỡng. Bởi vì cây không dễ dàng hình thành mầm hoa khi cây đang ở giai đoạn sinh trưởng phát triển dinh dưỡng.

Ở những vùng có hệ thống tưới tiêu, ngừng tưới nước tạm thời tạo khô hạn nhân tạo sẽ làm cho cây tạm dừng sinh trưởng, phát triển dinh dưỡng. Việc gây “stress” cho cây quất cảnh bằng các biện pháp như: khoanh vỏ, xiết nước, xông khói hoặc sử dụng hoá chất sẽ gia tăng nhanh chóng hàm lượng AAB trong cây và lá, mà AAB là một chất ức chế sinh trưởng rất mạnh vì vậy sẽ ngăn chặn sự sinh trưởng, phát triển dinh dưỡng của cây, buộc chúng chuyển sang giai đoan sinh trưởng, phát triển sinh sản. Mỗi biện pháp đều có những ưu và khuyết điểm của nó, tuỳ loại cây trồng, tuổi cây, tình trạng dinh dưỡng, điều kiện ngoại cảnh,…mà chúng ta áp biện pháp xử lý ra hoa thích hợp.

Xem thêm :  Tổng hợp 13 món ăn đặc sản từ thịt heo

Có 2 phương pháp xử lý ra hoa thường áp dụng trên cây quất (tắc) cảnh:

1/ Xử lý ra hoa bằng cách tạo sự khô hạn:

– Một trong những đặc điểm của cây có múi nói chung và cây quất (tắc) nói riêng so với những loại cây ăn trái khác là không có sự khác nhau giữa mầm chồi và mầm trái. Không có sự biến chuyển của chồi trong nhiều năm mà mỗi chồi có thể phát triển trong một năm để tạo mầm hoa và sẽ mang một hay nhiều trái ở cuối cành.

– Cây quất (tắc) cảnh ra hoa cần thời gian khô hạn để phân hoá mầm hoa, vì vậy ở các vườn quản lý được nước thì có thể tạo sự khô hạn để cây ra hoa đồng loạt. Việc tạo khô hạn vào tháng 5 – 6 dương lịch cho quả chín vào tết Nguyên Đán. Gặp lúc mưa thì có thể dùng tấm nylon đen che phủ chung quanh gốc cũng có thể tạo sự khô hạn để xử lý ra hoa, tuy nhiên phải tốn chi phí để mua nylon và tỷ lệ ra hoa không cao. Sau khi thu hoạch xong tiến hành vệ sinh vườn như: cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc… kế đến bón phân với liều lượng tùy thuộc vào sự sinh trưởng và tuổi cây.

– Cây được bón phân lần 2 trước khi tiến hành ngừng xử lý ra hoa. Thời gian tạo khô hạn từ 7 – 10 ngày tuỳ thuộc vào độ ẩm của đất và tình trạng thiếu nước của bộ lá cây quất mà quyết định tưới trở lại. Thông thường khi thấy triệu chứng lá thiếu nước thì bắt đầu tưới nước trở lại, mỗi ngày 2 – 3 lần và tưới liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, tưới nước mỗi ngày/lần. 7 – 15 ngày sau khi tưới đợt đầu tiên cây sẽ ra hoa, thời gian này ngày tưới ngày nghỉ. 10 – 15 ngày sau khi cây trổ hoa sẽ rụng cánh hoa (đậu quả).

Ưu điểm: cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây quất nếu xiết nước. Cây ra hoa tập trung và đồng loạt. Thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch. Tổng thu nhập một lần bán sẽ cao hơn so với để ra hoa tự nhiên.

Nhược điểm: Bộ rễ có khuynh hướng ăn sâu tìm nguồn nước trong thời gian xiết nước vì vậy bộ rễ dễ bị úng, thối do mực thuỷ cấp cao hay tầng phèn tiềm tàng gây ra. Bộ rễ suy yếu dễ bị sâu bệnh hại tấn công trong thời gian tạo khô hạn.

2/ Xử lý ra hoa bằng cách sử dụng hoá chất:

– Có thể dùng Paclobutrazol ở liều lượng 2,5g – 5gr ai/ cây (tùy theo tuổi cây và đường kính của cây mà tăng giảm liều lượng) tưới xung quanh gốc hoặc phun lên cây ở nồng độ 1000 – 2000 ppm cũng có khả năng giúp cây quất ra hoa.

Xem thêm :  Các nhóm dân tộc chăm ở việt nam

– Việc sử dụng hóa chất để xử lý ra hoa cho cây quất cần phải thận trọng vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây quất, nên làm thử nghiệm một vài cây ở các nồng độ từ thấp đến cao từ đó rút ra kinh nghiệm trước khi quyết định sử dụng đại trà trên vườn.

Ưu điểm: cây ra hoa theo ý muốn; Ít chịu ảnh hưởng của sự tác động ẩm độ trong đất trong thời gian xử lý; Thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch; Tổng thu nhập một lần bán sẽ cao hơn so với để ra hoa tự nhiên.

Nhược điểm: tốn chi phí mua hoá chất, công lao động khi phun hoặc tưới; Không an toàn cho người tiêu dùng nếu hoá chất còn lưu tồn trong trái. Sử dụng hoá chất liều cao có thể làm gây hại bộ rể của cây quất, tiêu diệt vi sinh vật có ích trong đất, gây ô nhiểm môi trường.

Các yếu tố liên quan để việc xử lý ra hoa quất được thành công: cây phải được trồng trên mô đất cao và vườn phải có hệ thống tưới tiêu chủ động được nguồn nước trong mương khi tạo khô hạn để đất nhanh khô ráo, giúp việc cây phân hóa mầm hoa tốt hơn.

+ Trước giai đoạn xử lý ra hoa, cây không được bón quá nhiều phân bón có hàm lượng N cao.

+ Trong thời gian xử lý ra hoa trên cây quất không được mang quá nhiều trái hoặc trái đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

+ Cành vượt phải được tỉa bỏ thường xuyên và trên cây quất không có nhiều lộc non.

Tóm lại, việc xử lý ra hoa trên cây quất không khó nếu chúng ta áp dụng đúng kỹ thuật. Tuỳ từng điều kiện cụ thể mà chúng ta chọn biện pháp xử lý ra hoa tối ưu cho cây quất. Vấn đề đặt ra cho nhà vườn hiện nay là thời điểm xử lý ra hoa lúc nào để có được một cây quất cảnh có lộc, hoa, quả non để tạo ra một cây quất “tứ quý” bán được giá cao, thu lợi nhuận cao.

3/ Thời gian xử lý cho cây quất ra hoa được tiến hành vào các tháng trong năm:

* Lần 1: Vào tháng 10 âm lịch, để đến Tết Nguyên Đán trên cây quất sẽ cho ta quả non.

* Lần 2: Vào tháng đầu tháng 12 âm lịch (lần xử lý này làm nhẹ hơn lần 1) mục đích làn này là làm cho cây quất cảnh ra hoa đúng vào Tết Nguyên Đán.

4/ Kích thích quá trình hình thành lộc:

– Vào đầu tháng 12 âm lịch (sau lần 2 của xử lý ra hoa) nên bổ sung nước cho cây quất, giúp cây hình thành chồi lộc trên cây.

Nguồn: Giáo trình cây quất cảnh – Bộ NN&PTNT


Cách cho quất ra hoa nhiều, đậu quả và chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán


Các bạn hãy đăng ký kênh và ấn chuông báo để nhận được video mới nhất nhé

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Cây Xanh

Related Articles

Back to top button