Tổng Hợp

Những vấn đề của sinh vật biến đổi gen – gmo

Những vấn đề của sinh vật biến đổi gen – GMO

Thứ Ba, 14/08/2012 | 06:35:00 AM

GMO tốt hay xấu? Có nhiều điều rất ích lợi, cũng có nhiều điều nguy hiểm. Sử dụng thận trọng tùy trường hợp là cách thức tốt hơn cả. Ngoài ra người tiêu dùng phải có quyền lựa chọn. Phải ghi rõ ràng trên nhãn hàng hóa về nguồn gốc GMO của sản phẩm để người tiêu dùng quyết định mua hay không.

 

Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE

Giới thiệu chung

GMO (Genetically Modified Organism): sinh vật biến đổi gen, là một sinh vật mà vật liệu di truyền của nó đã bị biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người, hoặc do quá trình lan truyền của gen trong tự nhiên (ví dụ quá trình lai xa giữa cỏ dại với cây trồng biến đổi gen có cùng họ hàng có thể tạo ra loài cỏ dại mang gen biến đổi).

Khi nói đến GMO người ta thường đề cập đến các cơ thể sinh vật mang các gen của một loài khác để tạo ra một dạng chưa hề tồn tại trong tự nhiên [ii]

Nhiễu loạn sinh thái liên quan đến GMO đã bắt đầu được chú ý trong nhũng năm gần đây khi xuất hiện nhiều vấn đề về sức khoẻ và hoạt động sản xuất kinh tế nảy sinh liên quan đến sử dụng trực tiếp cây trồng/vật nuôi GMO. Nhiều diễn đàn, hội thảo đã được tổ chức nhằm làm rõ các vấn đề về GMO. Can thiệp, làm biến đổi nhân tạo bộ gen của sinh vật được coi là của khoa học kỹ thuật, nhưng cũng là sự vào quá trình tiến hóa tự nhiên đã diễn ra hàng tỷ năm trước khi con người xuất hiện. Biến đổi gen ở cây trồng không phải là vấn đề mới mẻ. Việc cải tạo gen cây trồng đã dẫn đến áp dụng rộng rãi hạt lai. Cũng như gen của người được kết hợp từ các bố mẹ khác nhau, việc trao đổi gen cũng được tiến hành ở thực vật trong các chương trình nhân giống cây trồng. Kết quả rõ rệt là các sản phẩm con lai có ưu thế hơn bố mẹ của chúng. Tuy nhiên, con cháu của hai cây bố mẹ có các đặc điểm ưu việt đã chọn lai có thể có các đặc điểm không mong đợi sinh ra từ cặp gen lặn. Như vậy, thực tế có hại này có thể xảy ra bên cạnh những lai tạo có lợi.

Công nghệ gen đã giúp giải quyết những rủi ro này trong quá trình nhân giống bằng phương pháp cổ điển. Các gen được chọn từ các cơ thể gần gũi nhau hay hoàn toàn giống nhau được đưa vào bộ gen của bố mẹ. Kết quả là những đặc điểm bất lợi không mong muốn, ít xuất hiện hơn hoặc không xảy ra. Tuy nhiên cũng không thể nói rằng không còn mối đe doạ nào. Thực tế thì những rủi ro bên ngoài phòng thí nghiệm còn lớn hơn nhiều. Quá trình tạo nên một GMO hoàn thiện cần được kiểm chứng hoặc chuyển giao trên cánh đồng, trang trại. Ảnh hưởng của những biến đổi di truyền như vậy không thể được dự báo cho đến khi một GMO mới được kiểm chứng trong các thí nghiệm thực địa, hay trang trại. Rủi ro này thường chỉ nhận biết khi được áp dụng trên một diện tích trồng trọt rộng lớn và sau một thời gian đủ dài. Những rủi ro như thế không thể biết trước được cho đến khi cây trồng GMO được nhân lên trên diện rộng.

Công nghệ gen đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo. Chỉ tính riêng năm 2000, diện tích cây trồng biến đổi gen với mục đích thương mại là trên 44 triệu ha và nằm ở 15 quốc gia khác nhau. Chiếm đa số trong số 44 triệu ha này là diện tích cây trồng biến đổi gen ở khu vực Bắc Mỹ (68%). Tuy nhiên, vào năm 1999, ba nhà nghiên cứu của trường Đại học Cosnell đã thông báo kết quả nghiên cứu bước đầu về ảnh hưởng của phấn ngô được biến đổi gen đến loài côn trùng không gây hại (Losley, 1999). Đây là những bằng chứng đầu tiên về tác hại gây chết của sinh vật biến đổi gen (GMO). Rõ ràng là vấn đề GMO đã bắt đầu được quan tâm và đòi hỏi chúng ta cần có những đánh giá đúng mức [iii]

Không có một kỹ thuật nào lại được phát triển chỉ phục vụ nghiên cứu. Yêu cầu của người tiêu dùng, những vấn đề sinh thái học và sự khả thi về kinh tế luôn đóng một vai trò quan trọng trong khi phát triển kỹ thuật mới. Tương lai của GMO dường như phụ thuộc vào sự chấp nhận của người sử dụng với công nghệ gen cùng với sự đánh giá khoa học thật sự về những rủi ro về mặt sinh thái học và sức khoẻ. Do GMO luôn chứa thông tin di truyền từ một loài lạ nên người sử dụng sẽ bị làm ngưng một số phản ứng đối với protein tạo nên khi có gen lạ đưa vào. Ví dụ, công ty Quốc tế Hi-Bred sản xuất một giống đậu tương đặc trưng GM chứa gen từ lạc Braxin. Sau khi kiểm tra thì thấy người ăn loại đậu tương này bị dị ứng với protein. Công ty Monsanto – một công ty sản xuất GMO hàng đầu của Mỹ- gần đây sản xuất, kiểm tra và khuyến cáo đã phát hiện một giống cây trồng có khả năng kháng glyphosate. Cây trồng này sẽ tăng cường khả năng chống chọi với cỏ dại và tăng năng suất.

Một rủi ro lớn nhất được biết là khả năng GMO ảnh hưởng đến tính bền vững sinh thái của quần thể động thực vật, liên quan đến “dòng gen” – sự luân chuyển của gen trong quần thể, trong không gian. Đặc biệt các nhà nghiên cứu còn cố gắng chuyển gen động vật vào thực vật mà tác động lâu dài của GMO này đối với sức khỏe người tiêu dùng còn rất khó lường. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác hại của giống lúa chuyển gen giàu vitamin A còn được gọi là “giống lúa vàng” (golden rice) là do có một gen từ động vật đã được chuyển sang giống lúa này.

Xem thêm :  Cách Làm Trứng Cút Rim Nước Mắm Bé Nào Cũng Thích

1.Những tác động tiêu cực của GMO đến môi trường

[iv]

:

Đã xuất hiện một số nghiên cứu trên tạp chí Nature (Thiên nhiên) chứng minh rằng phấn hoa từ cây ngô biến đổi gen (ngô Bt – ngô được ghép gen của vi khẩn Bacilus thuringensis) có thể gây chết loài bướm vua. Bướm vua ăn mật hoa cây bông tai chứ không ăn mật hoa ngô, nhưng do phấn hoa ngô Bt bị gió cuốn sang cây bông tai mọc ở các cánh đồng gần đó, nên bướm vua ăn phải và bị tận diệt. Các chất độc trong ngô Bt còn có khả năng tiêu diệt nhiều ấu trùng của các loài côn trùng khác chứ không chỉ như dự định ban đầu là chỉ diệt sâu đục thân ngô. Điều đó làm giảm lượng côn trùng thụ phấn cho các loài thực vật khác mọc gần khu vực trồng ngô Bt. Nghiên cứu này về sau được xác nhận bởi các nghiên cứu kiểm tra do Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và một số tổ chức khoa học phi chính phủ tiến hành. Nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra giữa hai nhóm thừa nhận và phản đối kết quả kiểm tra. Vì vậy việc tranh luận về khả năng gây hại cho các nhóm sinh vật không phải là đối tượng tấn công của gen Bt vẫn tiếp diễn.

Một số quần thể muỗi đã tăng khả năng kháng loại thuốc diệt muỗi DDT (hiện đã bị cấm sử dụng, trừ một số nước nghèo vùng nhiệt đới để chống sốt rét). Nhiều nhà nghiên cứu xác nhận rằng côn trùng trở nên thích nghi với ngô Bt và các giống cây trồng GM khác vốn đã được chuyển gen để kháng sâu bệnh. Như vậy việc chuyển gen kháng sâu bệnh (ấu trùng của côn trùng) cho các giống cây trồng GM không còn tác dụng.

Một số quan ngại khác cho rằng các giống cây trồng GM nhằm mục tiêu chịu đựng cỏ dại sẽ lai chéo do gen kháng cỏ dại được lan truyền từ cây trồng sang cỏ dại. Loại “siêu cỏ” này lại trở nên kháng các loài cỏ dại khác và bùng phát. Các gen kháng cỏ dại có thể di nhập sang các giống cây trồng bản địa không bị biến đổi gen mọc gần nơi trồng giống cây GM do phấn hoa lan theo gió. Đã xảy ra nhiều vụ kiện cáo giữa nông dân và công ty công nghệ sinh học Monsanto về chuyện này. Các nhà công nghệ sinh học phản bác lại, cho rằng gen của cây trồng GM tạo ra loài bất thụ, nghĩa là không có khả năng tạo ra phấn hoa, thậm chí họ còn tạo ra loài cây trồng GM có tạo phấn nhưng trong phấn không chứa gen được đưa vào. Việc lai chéo qua phấn sẽ không xảy ra. Loài bướm vua dẫu ăn phải phấn hoa của cây GM cũng vẫn sẽ sống bình thường. Tuy nhiên luận cứ này chưa thuyết phục được người trồng. Các chuyên gia công nghệ sinh học cũng đề xuất giải pháp tạo một vùng đệm rộng từ 6 đến 30 mét xung quanh vùng trồng ngô Bt, trong vùng đệm sẽ trồng loại ngô thường. Loại ngô thường này sẽ ngăn các tác động tiêu cực của ngô Bt, sau đó được thu hoạch và kiểm soát. Tuy nhiên giải pháp này không thực hiện được ở các nước nghèo – thị trường chính của giống ngô Bt – do không kiểm soát được sản phẩm ngô thu hoạch được từ vùng đệm và cũng do quỹ đất sản xuất hạn hẹp.

Các thực vật biến đổi gen có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên hệ sinh thái tự nhiên vì chúng làm tăng hiểm hoạ cỏ dại theo hai con đường. Trước tiên, thực vật biến đổi gen tạo nên những quần thể độc lập tồn tại bên ngoài các khu vực canh tác thông thường. Điều đáng quan tâm ở đây là những thực vật này có thể trở thành cỏ dại xâm lấn, bành trướng và lấn át các quần thể tự nhiên rồi từ đó gây ra sự suy giảm tính đa dạng sinh học của sinh cảnh thực vật bản địa. Các gen mới trong những cây trồng biến đổi gen có thể chuyển sang cây họ hàng hoang dại ngoài tự nhiên theo phương thức lan truyền hạt phấn nhờ vào khả năng sống sót và tính hữu thụ của các cây lai được tạo ra. Điều này có thể gây tác động tiêu cực lên quần thể thực vật mọc hoang dại nếu các gen mới nêu trên được nhập trở lại vào chính các quần thể thực vật nguyên thuỷ đó. Muốn có sự nhập gen, các gen phải làm tăng khả năng thích nghi sống sót và sinh sản của quần thể thực vật trong thế giới tự nhiên.

Sở Nông nghiệp Hoa Kỳ năm 2008 đề xuất một dự án trồng 250.000 cây bạch đàn biến đổi gen ArborGen theo một hành lang cắt qua bảy bang miền Nam Hoa Kỳ. Dự án đã làm dấy lên một làn sóng phản đối với hơn 17.400 bài báo chỉ trích. Giống bạch đàn biến đổi gen được phân lập này có nhiều đặc tính tốt như chịu lạnh, tạo ra ít xơ và cho sản phẩm ethanol (một loại nhiên liệu sinh học) chất lượng cao. Tuy nhiên các nhóm môi trường đã lập tức phát động một chiến dịch phản đối rầm rộ. Nhóm phản đối cho rằng giống cây này là giống ngoại lai, một loại thực vật xâm nhập sẽ làm giảm đa dạng sinh học và tiêu diệt các giống cây bản địa, ngoài ra chúng còn hút nhiều nước, dễ cháy, làm gia tăng tính khô hạn của vùng đất chúng được trồng.

Giống bạch đàn biến đổi gen ArborGen dự định trồng ở Nam Hoa Kỳ có nguồn gốc từ mô tế bào bạch đàn ở Braxin, nơi mà việc trồng tràn lan giống bạch đàn bản địa chưa biến đổi gen đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội ròng rã nhiều năm. Các mô tế bào thực vật này sau đó được chuyển tới New Zealand để đột biến gen. Tuy chiên chính tại New Zealand chúng đã bị phản đối vì tạo ra các tác động tiêu cực trên diện rộng, khiến cho chúng bị cấm ở nước này. Vì thế sau đó ArborGen phải tìm đường sang lại Hoa Kỳ. Các nhà môi trường tố cáo rằng tại Hoa Kỳ giống cây này đã vượt ra ngoài phạm vi trại thử nghiệm. “Hội những người tiêu dùng chất hữu cơ” phản ứng dữ dội với việc để “xổng” ra môi trường tất cả giống cây trồng biến đổi gen. Họ vạch rõ một số tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội của các giống cây biến đổi gen được trồng với mục đích thương mại, bao gồm cả việc sử dụng tràn lan thuốc diệt cỏ, thuốc diệt sâu hại và làm ô nhiễm các khu rừng bản địa bằng cây biến đổi gen như giảm chất xơ, tăng sức đề kháng của sâu bệnh và do chúng lớn nhanh nên đã gây hại cho các giống bản địa (Burger A., 2009) [v]

Xem thêm :  Công cụ chuyển đổi cm sang feet + inch (ft + in)

2.Các ảnh hưởng đến sức khỏe con người

[vii]

.

GMO còn có thể có những ảnh hưởng tồi tệ lên sức khoẻ của con người cũng như hệ sinh thái, như trường hợp ở Braxin, những đàn ong mật châu Phi được biến đổi gen đã làm tăng khả năng tạo mật nhưng đồng thời đã làm tăng độ độc của nọc. Chúng sinh sản nhanh và lan truyền khắp mọi miền châu Mỹ. Riêng tại bang Texas, trong vòng vài năm loài ong độc này đã đốt chết khoảng hàng ngàn người. Để ngăn chặn sự phát triển của loài ong này, người ta đã bỏ ra hàng chục triệu đô la nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề này [vi]

Một số tác động xấu khác đến sức khỏe con người được tổng hợp như sau [viii]

Nhiều trẻ em ở Mỹ và châu Âu bị dị ứng nguy hiểm khi ăn lạc và nhiều thực phẩm biến đổi gen khác. Một số gen được đưa vào cây trồng tạo ra gen dị ứng. Ví dụ việc chuyển gen từ cây quả hạch Braxin vào đậu tương đã bị cấm vì khả năng tạo ra phản ứng dị ứng từ người ăn đậu tương GM. Do đó đã xuất hiện yêu cầu phải ghi rõ các thực phẩm GM trên bao bì để cảnh báo người dùng.

Ngày càng có nhiều quan ngại về tác động tiêu cực do việc đưa gen lạ vào cây thực phẩm. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Lancet về tác động của khoai tây GM trên hệ tiêu hóa của chuột thí nghiệm. Thí nghiệm cho thấy có những biến đổi rõ rệt ở ruột của nhóm chuột ăn khoai tây GM so với nhóm chuột đối chứng không ăn, liên quan đến gen đưa vào khoai tây GM là loại gen lấy từ lectin của loài hoa giọt tuyết (còn gọi là hoa bạch đầu ông, một loài hoa trắng nhỏ li ti mọc từ củ cây vào cuối thu đầu đông), vốn được coi là độc đối với động vật có vú. Các nhà khoa học tạo ra giống khoai tây mới này nhằm kiểm chứng phương pháp và tin rằng nó không gây hại cho người hay động vật ăn khoai tây. Bộ trưởng Bộ Y tế Scotland phát biểu tại hội nghị về thực phẩm GMO ngày 28/02/2000 ở Edinburgh (Anh) rằng: “công chúng đã có những lo ngại chính đáng về tính an toàn của thực phẩm GMO”. Tình trạng của giống lúa giàu vitamin A là một bằng chứng. (Goldburg, R. 1999) [ix]

Giống lúa chứa hàm lượng vitamin A cao hơn bình thường do Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) tạo ra đang bị các nhà khoa học quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Giống lúa này có tên gọi là lương thực giàu vitamin A, hay lương thực Franken (lấy tên nhà tạo giống Franken) hoặc gống lúa vàng ) được tạo ra bằng phương pháp biến đổi gen. Đặc điểm của loại lúa này chứa hàm lượng beta-caroten rất lớn. Mục đích của các nhà khoa học khi tạo ra giống lúa siêu vitamin A này nhằm giúp hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới tránh được cảnh mù loà do ăn phải lương thực, chủ yếu là gạo, chứa hàm lượng vitamin A rất thấp.

Tuy vậy, những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học tại Viện Cây trồng Zurich ở Thuỵ Sĩ đã chỉ ra rằng: sử dụng công nghệ gen để tạo ra giống lúa siêu vitamin A là một sai lầm. Sự tích luỹ beta-carotene hấp thụ từ gạo sẽ biến đổi một phần thành vitamin A, số beta-caroten còn lại sẽ “đầu độc” cơ thể, gây ra các rối loạn chuyển hoá khiến cho tóc bị rụng, đau bụng kinh niên, nôn tháo, chóng mặt, sưng tấy chỏm thóp trên xương sọ của trẻ em.

Một nghiên cứu khác của giáo sư Ấn Độ Vandana thuộc Viện Nghiên cứu về vấn đề canh nông (KMP) còn chỉ ra rằng: sự bội thực vitamin A do cơ thể nhận quá nhiều nguồn vitamin A nhân tạo sẽ làm rối loạn quá trình trao đổi chất làm cho xương và các khớp nối bị thương tổn gây nên đau đớn, làm cho môi bị khô nứt, gây nên các cơn sốt nhẹ, làm giảm trọng lượng cơ thể và một loạt biến chứng khác.

Giống lúa Franken còn góp phần đẩy nhanh tốc độ huỷ hoại môi trường. Để canh tác giống lúa này, ngoài việc nông dân phải bảo đảm lượng nước tưới tiêu nhiều hơn, họ còn phải sử dụng rất nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học và chính vì thế làm cho nguồn nước nhanh chóng bị cạn kiệt, huỷ hoại các loại côn trùng có ích và động vật bò sát… Đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học thế giới đưa ra những bằng chứng rõ ràng về tác hại của một sản phẩm biến đổi gen [x] Đưa thực phẩm biến đổi gen vào thị trường là một quá trình lâu dài và tốn kém, và rõ ràng các công ty công nghệ sinh học nông nghiệp bao giờ cũng mong muốn thu lợi nhuận. Rất nhiều công nghệ và giống cây trồng GM đã được cấp bằng sáng chế (patent), và vi phạm patent là mối quan ngại hàng đầu của lĩnh vực thương mại nông nghiệp. Nông dân quan ngại rằng việc bảo vệ bản quyền giống cây trồng sẽ làm cho giá cả hạt giống tăng lên khiến cho người nông dân sản xuất nhỏ không thể có được giống cây GM để trồng. Điều này làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn [xi]

Xem thêm :  Cách nướng pizza bằng lò vi sóng

3. Thương mại GMO và quyền của người tiêu dùng

Hiện nay đại bộ phận GMO được tạo ra từ các viện và công ty công nghệ sinh học ở các nước phát triển, nhất là ở Mỹ, nhưng 95% diện tích trồng trọt các giống cây trồng GMO lại ở các nước đang phát triển và tiêu dùng thực phẩm GMO cũng ở đó Các nước đang phát triển có khả năng trở thành thị trường tiêu thụ và qua đó trở thành ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu giống (qua nhập khẩu cả công nghệ) GMO rồi dần trở thành một nền nông nghiệp phụ thuộc. Với sự cố gắng phi thường về tài trợ, tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật của Monsanto- công ty GMO hàng đầu của Mỹ hiện nay, các giống cây trồng GMO đang bành trướng trên thế giới. Thức ăn biến đổi gen vẫn thâm nhập thị trường thế giới với hơn 500 loại, phổ biến

nhất là ngô, bông, đậu tương, khoai tây chiên, xốt cà chua, margarine và dầu ăn. 

Mặc dù vậy, việc sử dụng thức ăn biến đổi gen đã không có sự đồng thuận rộng rãi của giới tiêu thụ trên thế giới. Chống đối thức ăn biến đổi gen mãnh liệt nhất là của giới tiêu thụ ở châu Âu và Nhật Bản, tại đây tất cả các loại thực phẩm biến đổi gen đều bị cấm.. Chống đối dè dặt hơn là của giới tiêu thụ ở châu Úc và châu Phi. Trong 10 năm, từ 1995 đến 2005, diện tích canh tác các loại cây nông nghiệp biến đổi gen được trồng ở Hoa Kỳ, Braxin, Argentina, Canađa, Trung Quốc, Nam Phi… đã tăng vọt: từ 1.680.000 ha lên 88.800.000 ha. Nhưng cũng chính vì có sự hiện diện của giống lúa biến đổi gen mà ngành lúa gạo Hoa Kỳ đã phải trả giá đắt vì đã không xuất khẩu được gạo của mình, mất 1,2 tỷ USD vào năm 2006. Đây chỉ là chuyện cũ vì trước đấy vào năm 1999, ngô của Hoa Kỳ cũng đã bị thị trường châu Âu tẩy chay vì biến đổi gen (Le Tien Dung, 2008) [xii]

Kết luận

Những nghiên cứu liên quan đến GMO phải được tiếp tục với sự hợp tác giữa các nhà công nghệ sinh học, nông học và các nhà môi trường. Rủi ro và lợi nhuận của GMO cần được quan tâm cả về khía cạnh môi trường và sức khoẻ. Việc xử lý vấn đề GMO cũng tương tự như với loài lạ phải được ưu tiên. Vì lẽ đó đánh giá quá cao lợi ich kinh tế của GMO cũng như quá lo sợ về những tác động có hại của GMO là 2 thái cực mang tính cự đoan.

Để tránh sự cực đoan này, ngoài việc tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi sản xuất và trồng thử nghiệm GMO, cần tiến hành ghi nhãn hàng hóa nông sản thực phẩm được sản xuất từ GMO (như ở Mỹ) để ai muốn sử dụng thì mua, ai không muốn sử dụng thì thôi. Rất có thể khi đó không ít người lâu nay vẫn cổ vũ hết lời cho GMO sẽ từ chối loại thực phẩm biến đổi gen này, như đã từng xảy ra tại nhiều nước.

·

       

Tuân thủ các quy định và luật quốc gia hiện hành để tăng cường hợp tác quản lý loài sinh vật lạ và GMO (Luật Đa dạng sinh học).

·

       

Cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan hữu quan.

·

       

Địa điểm nhập sinh vật lạ cần được cụ thể (ví dụ từ vùng sinh -địa lý nào, nhập đến vùng nào).

·

       

Bổ sung các quy định pháp lí không chỉ tập trung vào những lợi ích kinh tế, mà còn về biện pháp bảo vệ đối với hệ sinh thái bản địa và sức khỏe con người và động vật nuôi.

·

       

Tăng cường nhận thức về nguồn gen loài bản địa cũng như hiện trạng, đặc điểm, giá trị loài bản địa. Chia sẻ kết quả nghiên cứu về sinh thái loài bản địa, phương pháp phòng chống loài lạ ở mức độ quốc gia và quốc tế.



[i]

Green Peace International. 2005. Golden Rice: All glitter, no gold. http://www.greenpeace.org/international/en/news/features/failures-of-golden-rice/

[ii]

GMO. http://vi.wikipedia.org/wiki/GMO

[iii]

Le Tien Dung, 2008. Vị trí nào cho GMO trong ngành nông nghiệp Việt Nam. http://www.cynosura.org/index.php?option=com_content&view=article&id=138:gmo-vongnguyen&catid=14:GMO&Itemid=115

[iv]

Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh (2010). Đảm bảo An ninh môi trường cho Phát triển bền vững. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội

[v]

Burger, A., 2009. Plan to Plant GMO Eucalyptus Trees Stirs Up Hornet’s Nest of Protest. http://www.triplepundit.com/2009/07/plan-to-plant-gmo-eucalyptus-trees-stirs-up-hornets-nest-of-protest/

[vi]

Loài ong sát thủ từ châu Phi (2009) http://www.baomoi.com/Loai-ong-sat-thu-tu-chau-Phi/79/3372047.epi

[vii]

S. S. Schneider, T. Deeby, D. C. Gilley and G. DeGrandi-Hoffman, 2004. Seasonal nest usurpation of European colonies by African swarms in Arizona, USA. Insectes Sociaux 51: 356–364.

[viii]

Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh (2010). Tài liệu đã dẫn

[ix]

Goldburg, R. Plant genome science: From the lab to the field to the market, Part II. Testimony to the US House of Representatives Science Committee. Washington. 1999.

[x]

Lúa biến đổi gen gây hại cho người. Báo Lao động, ngày 07/04/2000.

[xi]

Green Peace International. 2005. Tài liệu đã dẫn

[xii]

Le Tien Dung, 2008. Tài liệu đã dẫn

 


Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tổng Hợp
Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tổng Hợp

Related Articles

Back to top button