Cây Xanh

Du lịch mạo hiểm là gì? các hoạt động du lịch mạo hiểm tại việt nam

{mosimage}du lịch mạo hiểm là một trong những loại hình du lịch đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch, đặc biệt là những khách du lịch ưa khám phá, mạo hiểm, trở về với tự nhiên. Bản chất con người là muốn khám phá những điều mới lạ từ tự nhiên và từ nền văn hoá bản địa, đặc biệt là ở những vùng xa xôi. Do đó, khi đời sống vật chất và tinh thần tương đối đầy đủ, bản chất ấy lại trỗi dậy trong mỗi con người.

Ngày nay, ngày càng nhiều khách du lịch từ nhiều độ tuổi khác nhau, không phân biệt giới tính tham gia vào các chương trình du lịch mạo hiểm. Mấy năm gần đây, để thoả mãn nhu cầu khám phá của mình, nhiều khách đã đặt chân tới tận vùng Nam Cực lạnh giá, một số du khách đã chi hàng triệu đô la Mỹ đi du lịch vũ trụ. Đối tượng khách du lịch mạo hiểm thường có khả năng chi trả cao, đi du lịch dài ngày. Đó là những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả của hoạt động du lịch. Vì vậy, những nước quan tâm phát triển du lịch thường để mắt tới đối tượng khách này và đề ra chiến lược marketing hiệu quả để thu hút họ. Pháp là nước phát triển du lịch nhất thế giới, kể từ năm 1990 trở lại đây đã đứng ra tổ chức thường niên các chương trình du lịch thể thao mạo hiểm mang tên “Raid Gauloises”, thu hút sự tham gia của rất nhiều khách du lịch ưa khám phá, mạo hiểm từ khắp thế giới vì các chương trình du lịch này tạo điều kiện cho họ được đi tới các vùng đất mới, lạ, có cảnh quan thiên nhiên đẹp và bản sắc văn hoá độc đáo để tìm hiểu, khám phá và học hỏi, làm giàu thêm kho tàng kiến thức của họ.

Tiềm năng du lịch mạo hiểm ở Việt Nam

Nước ta có tiềm năng du lịch đa dạng và đang nổi lên là một điểm đến mới, hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Với 3/4 địa hình là đồi núi, với các hệ thống sông ngòi chằng chịt, các dãy núi đá vôi của địa hình karst, nhiều hang động đẹp, nhiều khu rừng nguyên sinh nhiệt đới cũng như các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia rộng lớn, với hơn 3.000 km bờ biển tạo nên những cảnh đẹp vô cùng phong phú, những bức tranh sinh động trải dài từ Bắc đến Nam là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm. Địa hình nước ta rất thích hợp cho việc phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm như đi bộ (trekking), leo núi (hiking),  đua ô tô, mô tô, xe đạp, lặn biển, bè mảng, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù, dù lượn, khinh khí cầu… Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, nguyên sơ và bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc, khu vực miền núi Đông bắc, Tây Bắc, miền Trung Tây Nguyên là những địa chỉ tuyệt vời cho việc tổ chức các tour du lịch mạo hiểm ở Việt Nam. Tuyến đường từ Đà Nẵng lên Kon Tum, từ Đà Lạt về Phan Rang, đèo Prenn, tuyến đường số 4 từ Cao Bằng đến Hà Giang, 2 tuyến đường tại Hà Giang (từ Thị xã Hà Giang lên Đồng Văn và từ Bắc Quang đến Hoàng Su Phì sang Xín Mần), tuyến đường vòng cung Tây Bắc từ Hoà Bình qua Sơn La lên Điện Biên, Lai Châu sang Sa Pa (Lào Cai) và từ thị xã Lào Cai đến Bắc Hà là những tuyến đường có cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục và rất thích hợp cho việc tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm như mô tô, ô tô, xe đạp. Đỉnh Phan Xi Păng, khu vực đỉnh Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang), dãy núi Lang Biang (Đà Lạt), dãy núi Yên Tử (Quảng Ninh), đỉnh Bạch Mã, vách núi hòn Phụ Tử ở Hà Tiên,  là những nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch leo núi. Việt Nam có rất nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ mà ở đó có thể tổ chức loại hình du lịch vượt thác đầy mạo hiểm và hấp dẫn như Thác Đầu Đẳng (Hồ Ba Bể), Thác Dray Sap, Dray Nu, Thác Dam Bri ở Tây Nguyên, Thác Bản Giốc (Cao Bằng) và nhiều thác nước khác ở vùng núi Đông bắc và Tây bắc của Tổ quốc. Với lợi thế bờ biển dài, hàng trăm bãi biển và nhiều hòn đảo đẹp và hấp dẫn như đảo Cát Bà, đảo Cù Lao Chàm, đảo Phú Quốc, Côn Đảo, các đảo trong vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, chúng ta có thể tổ chức nhiều loại hình du lịch mạo hiểm dưới biển và trên đảo như lặn biển, đua thuyền kayak, đua thuyền buồm, lướt ván, dù bay trên biển,… Hệ thống sông, hồ dày đặc cũng là những tiềm năng to lớn cho việc tổ chức các loại hình du lịch mạo hiểm. Các hồ như hồ Ba Bể, hồ Hoà Bình, hồ Thác Bà, hồ Núi Cốc và các con sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lô, sông Hương, sông Cửu Long đều là những địa chỉ thích hợp cho việc tổ chức các tour du lịch mạo hiểm dưới nước.

Xem thêm :  Chơi gì ở công viên thỏ trắng vũng tàu?

Thực trạng khai thác và phát triển du lịch mạo hiểm ở Việt Nam

Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch trong mấy năm qua đã thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí đi khảo sát các tuyến điểm du lịch ở hầu khắp cả nước và đã nhận ra rằng các khu vực và địa điểm nêu trên thực sự có đầy đủ tiềm năng và thế mạnh để hình thành các tour du lịch mạo hiểm đầy hấp dẫn để thu hút khách du lịch đến Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta mới khai thác tài nguyên du lịch tại khu vực đồng bằng, ven biển và một số khu vực miền núi gần các thị trấn, ven đường quốc lộ,… Còn một phần rất lớn tài nguyên du lịch phong phú và quý giá để phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm vẫn chưa được đẩy mạnh khai thác.

Thời gian qua, chưa có nhiều doanh nghiệp lữ hành tham gia vào việc tổ chức các tour du lịch mạo hiểm. Một số doanh nghiệp lữ hành đã chủ động nghiên cứu, tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm cho khách quốc tế như chương trình chinh phục đỉnh Fan Xi Păng, đỉnh Lang Biang, đỉnh Bạch Mã, đèo Prenn, các chương trình lặn biển ở Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo, đi xe đạp địa hình, xe mô tô thể thao ở vùng núi, chèo thuyền kayak trên vịnh hạ Long, đảo Cát Bà,…. Các chương trình này đã thu được những kết quả nhất định cho doanh nghiệp và bước đầu góp phần hình thành và phát triển loại hình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam. Năm 2002, Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức chương trình du lịch thể thao mạo hiểm mang tên “Raid Gauloises” với sự tham gia của trên 800 khách du lịch quốc tế thuộc 17 quốc gia kéo dài 14 ngày tại 9 tỉnh vùng núi Đông Bắc Việt Nam. Với chương trình này, khách du lịch đã tham gia rất nhiều loại hình du lịch mạo hiểm như đi bộ băng rừng, leo núi, vượt thác, đi bè mảng, đi thuyền cao su và thuyền nan trên suối, hồ ở vùng núi, đi xe đạp đổ đèo, đi thuyền kayak trên biển. Chương trình trên đã được các hãng truyền hình thể thao lớn và có uy tín trên thế giới đưa tin và truyền hình trực tiếp, góp phần quảng bá hiệu quả về du lịch Việt Nam nói chung và du lịch mạo hiểm ở Việt Nam nói riêng trên thị trường quốc tế. Bên cạnh những thành công về kinh tế, chương trình du lịch mạo hiểm quy mô lớn này còn có ý nghĩa chính trị không nhỏ. Qua việc thực hiện Chương trình du lịch thể thao mạo hiểm Raid Gauloises, ta đã tranh thủ tuyên truyền và minh chứng với thế giới về đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách, tuyên truyền về công cuộc đổi mới do Đảng và Nhà nước Việt Nam khởi xướng đang làm chuyển biến mọi mặt đời sống xã hội của mọi vùng, miền của đất nước. Hình ảnh, tiềm năng về du lịch Việt Nam qua chuong trỡnh này được giới thiệu một cách rộng rãi, khách quan, đậm nét  và có tính thuyết phục cao ở nước ngoài.  Đây có thể khẳng định là hiệu quả lớn nhất và có ý nghĩa nhất trong việc thực hiện Chương trình du lịch thể thao mạo hiểm ở Việt Nam. Qua việc thực hiện Chương trình Raid Gauloises, nhận thức của nhiều địa phương về yêu cầu phát triển du lịch được nâng lên, tiềm năng du lịch vùng Đông Bắc được đánh thức.

Xem thêm :  Sưu tầm những tips chụp ảnh phong cách hongkong siêu “xịn sò”

Năm 2004 và 2006, Saigontourist cũng đã phối hợp với Câu Lạc bộ thuyền buồm Hồng Kông và hãng Goodman Marine International tổ chức 2 cuộc đua thuyền buồm từ Hồng Kông đến Nha Trang với số lượng thành viên tham gia mỗi cuộc đua là trên 200 khách du lịch từ nhiều quốc tịch khác nhau. Hai cuộc đua này đã được tổ chức đạt kết quả tốt, tạo ấn tượng sâu sắc cho các thành viên tham gia cuộc đua, qua đó đã góp phần quảng bá tích cực hình ảnh du lịch biển của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mặc dù tiềm năng phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm ở nước ta là rất lớn nhưng thời gian qua, việc triển khai các chương trình du lịch mới, mạo hiểm còn gặp nhiều trở ngại.  Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu lớn nào về du lịch mạo hiểm ở Việt Nam được công bố, trong khi đó các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm đã và đang được khai thác nhìn chung còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình du lịch mạo hiểm cho khách thường là tự phát, thiếu định hướng. Hơn nữa, để tổ chức được các tour du lịch mạo hiểm như ô tô, mô tô, đua thuyền, leo núi, lặn biển,…, các doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục cho khách du lịch, phải xin giấy phép ở nhiều bộ ngành chức năng ở trung ương và địa phương nên tạo ra tâm lý e ngại, không dám bán các chương trình du lịch mạo hiểm để thu hút khách. Thực tiễn cho thấy, để hoàn thiện đầy đủ các thủ tục này, doanh nghiệp thường mất một vài tháng, thậm chí hàng năm mới có được đầy đủ giấy phép. Ngay cả khi có giấy phép rồi thì do thủ tục hành chính còn rườm rà nên các doanh nghiệp lữ hành còn gặp nhiều khó khắn trong quá trình triển khai  các hoạt động khảo sát để hoàn tất chương trình du lịch mạo hiểm cho khách. Điều đó thực sự làm nản lòng doanh nghiệp du lịch khi muốn tổ chức các loại hình du lịch mạo hiểm và đã hạn chế lượng khách du lịch mạo hiểm đến Việt Nam cho dù tiềm năng là rất lớn.

Định hướng và giải pháp phát triển du lịch mạo hiểm ở Việt Nam

Để khai thác tối ưu tiềm năng du lịch mạo hiểm ở nước ta, tăng cường thu hút khách du lịch mạo hiểm vào Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cho đất nước, chúng ta cần tập trung nghiên cứu, đầu tư phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm dựa trên những định hướng và giải pháp sau:

1. Tập trung khảo sát, quy hoạch những địa điểm, khu vực thích hợp cho việc tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm, trên cơ sở đó nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng và có cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư, hình thành các tuyến, các khu vực tổ chức du lịch mạo hiểm thường xuyên cho khách du lịch như khu vực núi Phan Xi Păng, khu vực Đồng Văn – Mèo Vạc, Hoàng Su Phì – Xín Mần (Hà Giang), núi Bạch Mã, Tam Đảo, khu vực núi Lang Biang (Đà Lạt),…

Xem thêm :  Thỏ đẻ trứng hay đẻ con ?tìm hiểu về quá trình sinh sản của thỏ

2. Tổ chức cung cấp các dịch vụ tại các địa điểm tổ chức tour du lịch mạo hiểm cho khách du lịch mạo hiểm như dịch vụ ăn uống, lưu trú, mang vác hành lý, cung cấp trang thiết bị để thực hiện tour mạo hiểm như thiết bị leo núi, lặn biển,… đáp ứng tốt và kịp thời nhu cầu của khách du lịch mạo hiểm.

3. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xác định được các đoạn thị trường và đối tượng khách mục tiêu để có chiến lược quảng bá, thu hút khách du lịch phù hợp. Những thị trường khách du lịch mạo hiểm cần nhắm tới là Tây Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương. Tổng cục Du lịch cần tăng cường đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch xúc tiến, quảng bá về du lịch Việt Nam nói chung, du lịch mạo hiểm nói riêng trên thị trường du lịch quốc tế, tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên đề về du lịch mạo hiểm. Tổ chức các đoàn FAMTRIP cho các hãng lữ hành, nhà báo nước ngoài chuyên viết về du lịch mạo hiểm để đến tìm hiểu, làm quen với các sản phẩm du lịch mạo hiểm tại Việt Nam. Cục Xúc tiến Du lịch cần nghiên cứu, phát hành ấn phẩm riêng và phim quảng cáo riêng về loại hình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam.

4. Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành xây dựng, phát triển và chào bán các chương trình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam cho khách du lịch thông qua việc tổ chức các chương trình khảo sát các tuyến điểm du lịch có tiềm năng tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành tăng cường quan hệ với các tổ chức nước ngoài chuyên tổ chức các chương trình du lịch thể thao mạo hiểm trên thế giới để thu hút các cuộc đua du lịch thể thao mạo hiểm có quy mô lớn vào Việt Nam, qua đó quảng bá mạnh mẽ về du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

5. Đổi mới, hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển du lịch phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành phát huy thế mạnh và tiềm năng về du lịch mạo hiểm của nước ta nhằm tăng cường thu hút khách du lịch mạo hiểm vào Việt Nam trong thời gian tới. Đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, bãi bỏ các giấy phép con, giải quyết thủ tục tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm theo hướng một cửa, tức là một cơ quan cấp phép, các ngành, địa phương hữu quan phối hợp hỗ trợ triển khai thực hiện, không được có biểu hiện cản trở doanh nghiệp trong quá trình tổ chức tour du lịch mạo hiểm cho khách tại Việt Nam.

6. Tổ chức đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm vừa có sức khoẻ, có nghiệp vụ, kỹ năng, vừa thông thạo ngoại ngữ, yêu nghề nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng lượng khách này trong thời gian tới.

7. Chú trọng tới việc bảo vệ môi trường, cảnh quan tại các khu vực tổ chức các loại hình du lịch mạo hiểm. Cần có các bản quy định và chỉ dẫn cụ thể cho khách tại địa điểm tổ chức du lịch mạo hiểm. Giữ gìn vệ sinh, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Có biện pháp hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối với khách du lịch trong quá trình tổ chức các tour du lịch mạo hiểm tại những khu vực nguy hiểm.

8. Mọi hoạt động du lịch mạo hiểm tại Việt Nam đều phải đảm bảo định hướng “Phát triển bền vững” vì tương lai của thế hệ mai sau!

 

Th.s Nguyễn Anh Tuấn

Chuyên viên chính Vụ Lữ hành,

Tổng cục Du lịch


Top 10 Điểm Du Lịch Bủn Rủn Chân Tay | Các Địa Danh Du Lịch Nguy Hiểm Nhất Thế Giới [Top tube 122]


New: \

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Cây Xanh

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button