Tổng Hợp

Chim Việt Nam quý hiếm

Bạn đang xem: Chim Việt Nam quý hiếm Tại Website nhahangcarnaval.com

Chim Việt Nam quý hiếm
Diệp Minh Tâm
Tháng 7-2020

Ghi chú – Notice

Phân hạng bảo tồn chủng loài

Những loài chim quý hiếm

Một số loài chim quý hiếm khác

Những loài chim đặc hữu của Việt Nam

Những điểm quan sát chim trời tại Việt Nam

Top 6 vùng chim đặc hữu ở Việt Nam

Kết luận

Nguồn tham khảo và đọc thêm

Ghi chú – Notice

Vì một số lý do, người tổng hợp cáo lỗi không thể xin phép tác giả các tư liệu và hình ảnh được sử dụng trong bài này. Trang web không có tính thương mại này nhằm cổ vũ ý thức về bảo vệ môi trường, đặc biệt về sự bảo tồn động vật hoang dã. Nếu bạn đọc xem qua bài viết của tôi rồi cảm nhận điều cần thiết phải bảo vệ những chủng loài tuyệt vời này, thì cái tội sử dụng chất liệu mà không xin phép của người tổng hợp hẳn sẽ được dung thứ.

Due to various reasons, the compiler could not seek authors’ permission for the use of their materials and photographs in this treatise. This non-commercial blog of mine seeks to strengthen awareness in environmental protection, particularly in wildlife conservation.  If after going through this text, the readers feel keenly a need to protect these wonderful birds, then I hope my plagiarism would be pardoned.

Theo thức tự cấp độ áp dụng từ mức bắt buộc cao nhất đến mức tham khảo, ta có những hệ thống phân hạng bảo tồn chủng loài như sau.

Nghị định 06/2019/NĐ-CP

Nghị định 06/2019/NĐ-CP về “quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp” nhằm luật hóa việc bảo vệ chủng loài nguy cấp, quý hiếm. Các loài động, thực vật rừng được chia thành các nhóm chính sau:

  • Nhóm I: Những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, vì thế nghiêm cấm mọi hành vi khai thác và sử dụng với mục đích thương mại. Nhóm IA là thực vật, còn Nhóm IB là động vật.
  • Nhóm II: Những loài chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, vì thế cần được bảo vệ, hạn chế khai thác và sử dụng với mục đích thương mại. Nhóm IIA là thực vật, còn Nhóm IIB là động vật.

Công ước về Thương mại Quốc tế loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) là một hiệp ước đa phương nhằm đảm bảo nền thương mại quốc tế liên quan đến động vật và thực vật hoang dã (cá thể sống hay bộ phận của cá thể chết) không đe dọa sự sống còn của các loài này trong thiên nhiên, và nó cũng đưa ra nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ chủng loài.

Các chủng loài được bảo vệ bởi Công ước CITES được phân hạng thành ba cấp độ, liệt kê trong ba phụ lục như sau.

  • Phụ lục I: Những loài nguy cấp nhất. Việc buôn bán những loài này phải tuân theo quy chế nghiêm ngặt và chỉ có thể thực hiện được trong những trường hợp ngoại lệ.
  • Phụ lục II: Những loài hiện chưa nguy cấp nhưng có nguy cơ dẫn đến tình trạng này. Cần tuân theo quy chế nghiêm ngặt nhằm tránh việc sử dụng không phù hợp với sự tồn tại của chúng.
  • Phụ lục III: Những loài mà mỗi nước thành viên quy định theo luật pháp của họ nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế việc khai thác và cần thiết phải có sự hợp tác với các nước thành viên khác để kiểm soát việc buôn bán.

Việc xuất khẩu bất kỹ mẫu vật (sống hay chết) thuộc ba Phụ lục trên phải được cho phép trước, theo những điều kiện từ nghiêm nhặt tối đa đến nghiêm nhặt ít nhất.

Việt Nam tham gia Công ước CITES từ năm 1994.

Phiên bản CITES được tham khảo online: https://checklist.cites.org/#/en.

Phân hạng bảo tồn của IUCN

Nhằm nhận định đặc tính quý hiếm trên toàn cầu của các chủng loài, có thể tham khảo hệ thống phân hạng bảo tồn của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources, viết tắt là IUCN) đối với các chủng loài chưa tuyệt chủng, như sau.

  • Có thể tuyệt chủng (Possibly Extinct – PE): sống sót trong điều kiện nuôi nhốt nhưng có nguy cơ tuyệt chủng trong hoang dã.
  • Rất nguy cấp (Critically Endangered – CR): đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong hoang dã.
  • Nguy cấp (Endangered – EN): đang có nguy cơ tuyệt chủng cao trong hoang dã.
  • Sẽ nguy cấp (Vulnerable – VU): đang có nguy cơ tuyệt chủng khá cao trong hoang dã.
  • Sắp bị đe dọa (Near-Threatened – NT): có nguy cơ tuyệt chủng khá cao trong hoang dã trong tương lai không xa.
  • Ít lo ngại (Least Concern – LC): ít có nguy cơ tuyệt chủng.

CR, EN và VU là ba mức độ nguy cấp khác nhau trong hiện tại.

Và những trường hợp khác:

  • Thiếu dẫn liệu (Data Deficient – DD): chưa đủ thông tin về hiện trạng, có thể chuyển đổi thành cấp khác khi có đủ thông tin này.
  • Không được đánh giá (Not Evaluated – NE): không được nghiên cứu nhiều vì một số lý do.

Phiên bản IUCN được tham khảo online: https://www.iucnredlist.org/.

Phân hạng bảo tồn của Sách Đỏ Việt Nam

Danh mục phân hạng bảo tồn của Sách Đỏ Việt Nam 2007 – để tham khảo theo ý nghĩa khoa học – tương tự như xếp hạng của IUCN.

Những loài chim quý hiếm

bồ câu nâu – pale-capped pigeon (Columba punicea)

Thuộc Họ Bồ câu (Columbidae) bao gồm khoảng 344 loài chim cận chim sẻ, Việt Nam có 22 loài. Tên gọi phổ biến của các loài trong họ này là bồ câu, cu, cưu, gầm ghì. Đây là những loài chim mập mạp có cổ ngắn và mỏ dài mảnh khảnh. Chúng chủ yếu ăn hạt, trái cây và thực vật. Thân chim hình thoi làm giảm sức cản không khí khi bay. Nhóm chim bồ câu xây những cái tổ tương đối mỏng manh, thường sử dụng nhánh cây nhỏ và các mảnh vụn khác, có thể được đặt trên những cành cây, trên các gờ hoặc trên mặt đất, tùy theo loài. Chim bồ câu không lông thường có thể bay được khi chúng được 5 tuần tuổi. Không giống như đa số các loài chim, cả hai giới của chim bồ câu đều sản xuất “sữa bầu dìu” để nuôi con non, được tiết ra bằng cách làm bong các tế bào chứa đầy chất lỏng từ lớp lót của bầu dìu.

Bồ câu nâu có kích thước 36-41 cm. Trống: màu lông ở đỉnh đầu và xung quanh mắt trắng bạc, thân có màu từ nâu hạt dẻ đến màu rượu vang đỏ. Mái: chủ yếu màu xám. Chim non: màu nâu hung nhạt như màu lông ở cổ con trống. Da gốc mỏ và vòng quanh mắt màu đỏ.

Sinh cảnh: đa dạng, từ bình nguyên tới độ cao 1600 m (hay cao hơn như đã gặp ở núi Bi Đúp và Lâm Đồng). Chủ yếu gặp ở nơi trống trải rừng thường xanh nguyên sinh hay thứ sinh, rừng cây họ dầu, tre nứa và cả vùng trồng trọt. Ngoài mùa sinh sản chỉ gặp ở rừng ngập mặn hoặc loại rừng khác trên các hòn đảo biệt lập (năm 1995 gặp trên Đảo Hòn Mun thuộc Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Quảng Ninh).

Thức ăn chủ yếu là các loại quả và hạt.

Làm tổ làm trên cây nhỏ, bụi rậm cao hay tre, cách xa mặt đất khoảng 6 m, đẻ 1 trứng màu trắng.

Phân bố trước đây rộng ở Đông Bắc và Trung Bộ, sau này thu hẹp chỉ còn ở Cao nguyên Đà Lạt và Cát Tiên.

Nguồn gen hiếm, đang bị suy giảm. Là loài chim cảnh đẹp.

Phân hạng bảo tồn: Sách Đỏ Việt Nam hạng EN, CITES không phân hạng, IUCN hạng VU.

bồ câu Nicoba – Nicobar pigeon (Caloenas nicobarica)

Thuộc Họ Bồ câu (Columbidae).

Bồ câu Nicoba xuất xứ từ Quần đảo Nicobar trên Ấn Độ Dương.

Đây là loài bồ câu lớn, dài 40 cm. Trống: Bộ lông đặc sắc dễ nhận biết: một vòng lông nhọn, dài ngắn khác nhau xung quanh cổ. Bộ lông thân màu tối, có ánh thép sáng, lục và màu đồng hoặc vàng-cam tương phản hơi ánh xanh. Đuôi có vài lông trên đuôi dài nhất và lông dưới đuôi trắng. Lông mặt bụng và dưới cánh xanh lục ánh thép có phớt xanh. Mái: hơi nhỏ hơn chim trống. Đầu, cổ, ngực hơi xám hơn và ít ánh xanh thẫm. Các lông nhọn ở cổ ngắn hơn ở chim đực. Mắt nâu, mỏ xám nhạt hay đen xám, chân đỏ tím đậm.

Bồ câu Nicoba thường đi lẻ, đôi hay đàn nhỏ. Kiếm ăn ở trên mặt đất, thỉnh thoảng vào buổi trưa bay lên cây nghỉ.

Làm tổ tập đoàn trên cùng một loại cây có tán rộng. Tổ làm đơn giản, cách xa mặt đất 3-10m. Đẻ 1 trứng. Tuổi thành thục sinh dục của bồ câu Nicoba thường khoảng 1-1,3 năm.

Ở Việt Nam, bồ câu Nicoba chỉ được tìm thấy di cư đến Vườn Quốc gia Côn Đảo vào khoảng tháng 4–8 hàng năm, nhưng hiện nay rất hiếm.

Bồ câu Nicoba là loài đặc sản quý do có giá trị khoa học, làm cảnh, thương mại; lại rất hiếm, có khu vực phân bố hẹp.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES Phụ lục I, IUCN hạng NT.

Xem thêm: Grašytė (2017).

bồng chanh lưng hung – rufous-backed kingfisher (Ceyx rufidorsa)

Ghi chú: có nguồn kể cả avibase.bsc-eoc.org ghi đây là hai loài riêng biệt, nhưng có tác giả kể cả IUCN cho rằng đây là cùng một loài. Trên thực tế khó phân biệt hai loài dựa theo màu lông.

Các loài chim bói cá có kích thước nhỏ và màu sắc rực rỡ thuộc Họ Bói cá (Cerylidae), Họ Bồng chanh, Bói cá sông (Alcedinidae), và Họ Sả (Halcyonidae). Nhóm này có khoảng 90 loài chim mang đặc điểm chung như đầu to, màu sắc đa dạng, mỏ nhọn và dài, chân ngắn và lùn. Phần lớn các loài có bộ lông sáng, có sự khác biệt nhỏ giữa hai giới (dị hình lưỡng tính). Thức ăn của chúng gồm cá, thường được bắt bằng cách lao đầu xuống mặt nước. Chúng cũng bắt ếch nhái, cắc ké, kỳ nhông, thậm chí cua nhỏ… làm thức ăn.

Bồng chanh đỏ thuộc Họ Bồng chanh, Bói cá sông (Alcedinidae), có 93 loài trên thế giới, trong đó tại Việt Nam có 12 loài mang các tên bói cá, bồng chanh và sả. Sự phân loại của họ này hiện nay vẫn chưa rõ ràng.

Định cư ở Trung Bộ và Nam Bộ: Cúc Phương, Phong Nha–Kẻ Bàng, Cát Tiên, Mã Đà, biên giới Việt Nam-Campuchia Tỉnh Bình Phước, Tràm Chim…

Sinh cảnh: sống lẩn khuất ở tầng thấp của rừng già dọc theo các dòng suối nhỏ.

Mỗi lứa để 4-5 trứng, chim mái và chim trống thay nhau ấp. Thức ăn của chim non là kỳ nhông, ốc, ếch, dế,​​ chuồn chuồn…

Có giá trị về nguồn gien ngoài giá trị thẩm mỹ.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

bồng chanh rừng – Blyth’s kingfisher, great blue kingfisher (Alcedo hercules, Alcedo grandis)

Thuộc Họ Bói cá sông (Alcedinidae).

Loài lớn nhất trong Chi Alcedo: 23 cm. Phần trên màu lam hoặc lam phớt lục theo sắc độ từ vừa đến lam sậm với nhiều điểm nhỏ màu lam sáng bóng trên đỉnh đầu và cánh; ngực và bụng hung nâu; một dải màu xanh sáng chạy giữa sống lưng tới hông. Mỏ đen. Chân đỏ tươi. Chim mái: phần trên sậm hơn đến gần như xám sậm.

Phân biệt với bồng chanh tai xanh – blue-eared kingfisher (Alcedo meninting, IUCN hạng LC) và bồng chanh – common kingfisher (Alcedo atthis, IUCN hạng LC) qua kích thước lớn hơn, mỏ đen và dày, và lông mày màu sậm.

Sinh cảnh: rừng thường xanh dọc các sông, suối. Gặp đến độ cao khoảng 1200 mét. Đẻ 4-6 trứng.

Định cư ở Bạch Mã, Cao nguyên Đà Lạt. Không phổ biến.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

cắt lưng xám – merlin (Falco columbarius)

Thuộc Họ Cắt (Falconidae), gồm khoảng 66 loài chim săn mồi ban ngày, trong đó tại Việt Nam có 10 loài. Cỡ từ nhỏ (35 g) tới trung bình (1,7 kg). Có mỏ hình móc cong rất khỏe, móng vuốt cong sắc nhọn, và thị lực tuyệt hảo. Bộ lông nói chung bao gồm các màu nâu, trắng, nâu hạt dẻ, đen và xám, thường với vạch phân chia các kiểu màu. Có ít khác biệt về màu lông giữa chim trống và chim mái.

Săn mồi đơn độc, các đôi bảo vệ lãnh thổ mặc dù có thể hợp thành đàn khi vào mùa di cư. Có tốc độ lao xuống nhanh từ không trung để bắt mồi, nên người Việt có thành ngữ “nhanh như cắt”. Khác với các loài chim săn mồi khác ở chỗ giết con mồi bằng mỏ chứ không phải bằng móng vuốt ở chân; có “răng” ở một bên mỏ phục vụ cho mục đích này.

Nói chung cắt là chim của những vùng thoáng đãng; ngay cả các loài thiên về sống trong rừng vẫn ưa thích những cánh rừng đứt quãng hay bìa rừng.

Chúng là đối tượng cho giới nuôi chim săn mồi, nên bị lùng bắt mạnh, đã hiếm càng thêm hiếm.

Cắt lưng xám là loài cắt nhỏ: 23–28 cm. Trống: Có dải vằn ngang rộng màu đen ở gần phía cuối đuôi, vòng lông ở phía sau cổ màu hung nâu nhạt. Mái và chim non: Giống loài cắt lớn thu nhỏ; có màu nâu sẫm hơn nhiều; phía bụng có vạch và đuôi có vằn đậm.

Thức ăn: tắc kè, kỳ nhông, côn trùng bắt từ mặt đất hoặc trên cây; không bắt côn trùng trên không.

Làm tổ trong hốc cây. Đẻ 2 trứng. Con mái ấp trứng ban ngày.

Hiện trạng: Loài di cư. Hiếm; chỉ mới gặp ở Huế một lần.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB, CITES Phụ lục II, IUCN hạng LC.

cắt nhỏ họng trắng, cắt nhỏ hông trắng – white-rumped pygmy falcon (Polihierax insignis)

Thuộc Họ Cắt (Falconidae), đây là loài duy nhất trong Chi Polihierax, có quan hệ họ hàng gần với các loài Falco.

Có kích thước nhỏ trong nhóm cắt (khoảng 25 cm). Trống: có trán và đầu màu xám nhạt, mặt màu cam nổi bật, thân trên màu xám đậm và thân dưới màu trắng. Mái: giống chim trống nhưng có trán và đầu màu hung đậm.

Phân bố hẹp ở Việt Nam. Được tìm thấy ở Yok Đôn, Cát Tiên, nhưng hiếm.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB, CITES Phụ lục II, IUCN hạng NT.

chân bơi, chân bơi Châu Á – masked finfoot (Heliopais personatus)

Thuộc chi đơn loài Heliopais, họ Chân bơi (Heliornithidae). Nói chung, 3 loài chân bơi trong họ có tính nhút nhát và vì thế nhiều khía cạnh trong sinh học của chúng hiện vẫn chưa rõ.

Các loài chân bơi trông tương tự như gà nước; nhưng có cổ dài, cơ thể thon mảnh, đuôi rộng và mỏ nhọn, sắc. Chúng có một khoảng rộng đa dạng các tiếng kêu, nhưng ít khi kêu. Các chân và bàn chân của chúng tươi màu. Không giống như chim lặn, chúng có khả năng đi lại tốt và thậm chí di chuyển nhanh trên cạn.

Côn trùng thuộc nhiều loại khác nhau là thức ăn phổ biến nhất, ngoài ra còn có động vật thân mềm, động vật giáp xác, nhện, ếch, nhái, cá cũng như một số loại lá và hạt.. Không giống như chim lặn, chúng không lặn xuống để kiếm ăn, mà thay vì thế mổ để nhặt con mồi ra khỏi mặt nước hoặc lục lọi trên bờ.

Tổ của các loài chân bơi bao gồm các loại que và sợi lau sậy sắp xếp xộc xệch, treo lơ lửng trong thảm cỏ phía trên mặt nước.

Loài chân bơi có kích thước 53cm. Trống: Mỏ vàng. Trán, lông mày, mặt họng và trước cổ màu đen với dải hẹp màu trắng từ sau mắt xuống cổ dưới; gáy và sau cổ màu xám. Phần còn lại phía dọc trên cơ thể màu nâu phớt vàng lục. Phần dưới cơ thể màu trắng, sườn nâu nhạt. Mái giống chim trống nhưng giữa họng và trước cổ trắng viền đen. Chim non: Giống chim mái nhưng đỉnh đầu không đen, họng đen; dải sau mắt xuống cổ dưới vằn trắng. Chân chim đực và cái màu xanh lục.

Phân bố hẹp ở Việt Nam, hiện nay chỉ có ở Sông Kôn thuộc Khu bảo tồn Kon Cha Răng, Gia Lai; và Vườn Quốc gia Yok Đôn, Đak Lak.

Hiện trạng: Có thể định cư và làm tổ ở các vùng phân bố trên; rất hiếm.

Sinh cảnh sống: Sông, suối ở vùng rừng, nơi có dòng chảy chậm.

Người ta gần như không biết gì về tập tính sinh sản của chân bơi.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB, CITES không phân hạng, IUCN hạng EN.

chèo bẻo cộ đuôi chẻ – greater racket-tailed drongo (Dicrurus paradiseus)

Thuộc Họ Chèo bẻo (Dicruridae), gồm 29 loài có bộ lông đen hoặc xám sậm, chân ngắn, khi đậu có thân thẳng đứng. Đuôi chẻ, vài loài có đuôi dài thướt tha. Ăn côn trùng bắt trên không trung khi bay hoặc bắt trên mặt đất.

30–65 cm, tùy thuộc vào chiều dài của đuôi có thể bằng 2/3 hoặc dài hơn thân. Điểm đặc sắc của chèo bẻo cộ đuôi chẻ: hai lông ngoài cùng rất lớn kéo dài thành hai khúc và được nối với nhau bằng xương lông, phía cuối tạo thành mảng hình bầu dục. Toàn bộ lông đen có ánh xanh biếc trừ phiến trong của lông cánh, họng và bụng. Các lông ở trán dài, cong phồng lên thành mào trán. Mắt đỏ, mỏ và chân đen. Chim non: Nhìn chung màu đen nâu, ít ánh xanh, vệt trắng các lông dưới cánh rộng hơn.

Ghi chú: dễ bị nhầm lẫn với loài chèo bẻo cộ đuôi bằng – lesser racket-tailed drongo (Dicrurus remife). Loài này có các lông đuôi ngắn ngang bằng nhau, và đầu không có bờm.

Thường kiếm ăn trong tán cây, đậu trên những cành cây cao.

Hung dữ, đôi khi đuổi những con chim lớn hơn, đặc biệt là khi làm tổ.

Phân bố từ Bắc Bộ đến Trung Bộ: Cúc Phương, Phong Nha – Ke Bang, Cát Tiên, Bạch Mã, Yok Đôn, Núi Dinh (Bà Rịa–Vũng Tàu) , Tràm Chim…

Bắt chước giỏi tiếng kêu của những loài chim khác.

Đây là loài chim quý vì có giá trị thẩm mỹ cao, và may mắn cho người thích ngắm chim vì chúng không quá hiếm nên ta có cơ hội thưởng thức kiệt tác này của tạo hóa!

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

chích chòe nước đốm trắng – spotted forktail (Enicurus maculatus)

Thuộc Họ Đớp ruồi (Muscicapidae), là một họ lớn: có 274 loài trên thế giới, Việt Nam có 58 loài, gồm các loại chim nhỏ sống trên cây, ăn sâu bọ, làm tổ trong các hốc cây: các nhóm chích chòe, đớp ruồi, đuôi đỏ, oanh, sẻ bụi…

Chích chòe nước đốm trắng dài 28 cm. Chỉ hai màu đen trắng nhưng bộ lông tuyệt đẹp nhờ những đốm trắng ở lưng và những vạch trắng hình chữ V trên đuôi.

Sinh cảnh: dọc theo suối đá ở vùng rừng núi, nơi có độ cao khoảng 900-2.500 mét.

Định cư ở Bạch Mã, Cao nguyên Kon Tum, Cao nguyên Đà Lạt.

Loài chim có giá trị thẩm mỹ và phân bố không phổ biến nên trở thành quý hiếm.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

chích đớp ruồi mặt đen – black-faced warbler (Abroscopus schisticeps)

Thuộc Họ Chích bụi (Cettiidae), gồm các loài chim nhỏ biết hót, có đuôi khá dài, ăn côn trùng, sống trong lùm bụi.

Chích đớp ruồi mặt đen có kích thước nhỏ: chỉ 10 cm. Chim nổi bật với mảng lông vàng lớn ở lông mày và cổ; mặt đen; đỉnh đầu, gáy và phần ngang ngực trên màu xám nhạt; ngực dưới và bụng màu trắng; lông bao đuôi dưới hơi vàng. Trống và mái giống nhau.

Định cư ở Sa Pa, Núi Fansipan.

Loài chim có giá trị thẩm mỹ và phân bố không phổ biến nên trở thành quý.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

chìa vôi Mekong – Mekong wagtail (Motacilla samveasnae)

Thuộc Họ Chìa vôi (Motacillidae), gồm khoảng 60 loài chim nhỏ với đuôi từ trung bình tới dài. Chúng bao gồm các loài chìa vôi, chim manh và chim vuốt dài (ở châu Phi). Các loài chim này có thân hình mảnh dẻ, kiếm thức ăn là sâu bọ trên mặt đất ở các vùng nông thôn. Chúng làm tổ trên mặt đất, đẻ tới 6 trứng vỏ lốm đốm.

17 cm. Chìa vôi Mekong được mô tả cho khoa học lần đầu tiên năm 2001. Tên khoa học được đặt theo tên nhà điểu học người Campuchia Sam Veasna.

Đến tháng 7/2020, không tìm thấy tài liệu Việt ngữ mô tả đặc tính sinh học của chìa vôi Mekong ở Việt Nam.

Định cư với phân bố hẹp: Yok Đôn.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

choắt lớn mỏ vàng – Nordmann’s greenshank, spotted greenshank (Tringa guttifer)

Thuộc Họ Rẽ (Scolopacidae), là một họ lớn, bao gồm các loài chim lội. Tên gọi phổ biến bằng tiếng Việt của các loài trong họ này là “rẽ” (rẽ giun, rẽ gà), “nhát” (tên gọi khác của các loài trong chi Scolopax và Numenius), “choắt” (các chi Actitis, Heteroscelus, Limosa, Numenius, Tringa và Xenus). Phần lớn các loài ăn động vật không xương sống nhỏ kiếm được trong bùn hay đất. Chiều dài khác nhau của mỏ cho phép các loài khác nhau có thể cùng sinh sống trong một môi trường sống, cụ thể là ven biển, mà không có sự cạnh tranh trực tiếp về thức ăn.

Khác với tên gọi, nhiều ảnh cho thấy choắt lớn mỏ vàng có mỏ không vàng và chân màu vàng tươi chứ không phải xanh lục.

32 cm. Chân ngắn, màu vàng, đoạn chân phía trên đầu gối rất ngắn dễ nhận thấy. Mỏ hai màu, rộng bản và dày, rất dễ nhận biết. Giữa các ngón chân có màng màu vàng. Khi bay hai chân không duỗi vượt quá đuôi. Trong mùa sinh sản phía dưới cơ thể có vết lốm đốm to đậm và phía trên đen hơn, với những vết khía màu trắng hình chữ V trên lông tam cấp, tạo nên ánh kim lấp lánh. Ngoài mùa sinh sản, đầu và cổ nhợt nhạt. Thường rất lặng lẽ.

Di cư đến trú đông ở Cần Giờ, Gò Công.

Sinh cảnh: bãi ngập triều ven biển.

Hiện rất hiếm ở Việt Nam cũng như toàn cầu.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES Phụ lục I, Sách Đỏ Việt Nam hạng EN; IUCN hạng EN.

choắt mỏ cong hông nâu – Far Eastern curlew (Numenius madagascariensis)

Thuộc Họ Rẽ (Scolopacidae).

61 cm. Giống choắt mỏ cong lớn (Numenius arquata) nhưng khi bay toàn bộ phần trên cơ thể có màu nâu (không có màu trắng ở phía lưng, trên đuôi và đường viền cánh). Quan sát khi chim đậu thấy có màu sẫm hơn và nâu hơn so với choắt mỏ cong lớn và phía lưng hoàn toàn màu nâu sẫm. Tiếng kêu: Giống như tiếng choắt mỏ cong lớn nhưng ít du dương hơn.

Sinh cảnh: đất ngập nước, đầm lầy gần bờ biển và bãi bồi ngập triều. Kiếm ăn cùng với các đàn của loài choắt khác.

Di cư đến Xuân Thủy, Cần Giờ, Gò Công. Hiếm gặp.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

choắt mỏ cong lớn – Eurasian curlew (Numenius arquata)

Thuộc Họ Rẽ (Scolopacidae).

60 cm. Mỏ dài cong xuống. Màu lông không thay đổi trong năm. Khi bay để lộ đường viền cánh và phần lưng trên đuôi màu trắng. Bay khỏe, cánh vỗ nhịp nhàng. Cả đàn bay cao theo đội hình.

Di cư đến Xuân Thủy, Cần Giờ, Gò Công. Gặp tương đối phổ biến. Thường đi theo đàn.

Sinh cảnh: đầm lầy, đất ngập nước ở đất liền gần bờ biển, bãi bồi ngập triều ở vùng cửa sông ven biển.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

cò đen, cò bạch – Pacific reef-heron (Egretta sacra)

Thuộc Họ Diệc (Ardeidae), gồm một số loài chim lội nước. Các tên gọi phổ biến của chúng trong tiếng Việt là vạc, diệc, hay cò. Các loài của họ này chủ yếu sống tại những vùng đất ẩm ướt, tìm kiếm các loài cá, ếch, nhái và các loài động vật thủy sinh khác làm thức ăn. Một số, như cò ma (Bubulcus ibis) và diệc đầu đen (Ardea melanocephala) cũng bắt cả các loài côn trùng lớn, và ít bị phụ thuộc vào môi trường nước hơn. Một số thành viên trong họ này làm tổ thành đàn trên cây, các loài khác lại sử dụng các đám lau sậy vào mục đích này.

Tháng 2/2005, một nhà khoa học người Canada là Tiến sĩ Louis Lefebvre thông báo đã tạo ra phương pháp đo chỉ số IQ của các loài động vật biết bay, dựa theo khả năng sáng tạo của chúng trong các môi trường kiếm ăn. Các loài diệc được đặt trong số các loài chim thông minh nhất, dựa trên kiểu tính toán này, phản ánh sự đa dạng, mềm dẻo và tính thích nghi cao của chúng trong việc tìm kiếm thức ăn.

Cò đen có kích thước 58 cm. Hai tên điểu học tiếng Việt có hai nghĩa trái ngược bởi vì loài này có hai hình thái. Hình thái sậm: bộ lông màu đồng nhất xám sậm hoặc nâu sậm, nhưng dưới ánh sáng kém có thể thấy rất tối, mỏ xám. Hình thái trắng: bộ lông trắng mượt, dễ nhầm với cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes) ngoài mùa sinh sản; mỏ vàng nhạt, chóp mỏ tối màu; chân màu vàng-lục nhạt. Khi kiếm ăn, cò trắng Trung Quốc năng động, chạy trong khi kiếm mồi, cánh giang rộng, ngược lại cò đen thường chậm chạp và rón rén săn mồi.

Trong mùa sinh sản: Có mào với chùm lông ngắn ở sau gáy và mỏ màu vàng đến màu da cam.

Phần lớn sống đơn độc, nhưng có thể gặp đàn nhỏ vào mùa đông.

Sinh cảnh sống: Vùng bờ biển có đá và đảo nhỏ, thường rón rén bắt mồi. Gặp ở Cát Bà.

Loài di cư hiếm thấy, xuất hiện ở ven biển Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, trong mùa di cư năm 2019.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

cò lạo xám – milky stork (Mycteria cinerea)

Thuộc Họ Hạc (Ciconiidae), gồm những loài chim lội nước lớn có cổ cao, chân dài như cò lạo, già đẫy, giang sen, hạc…

96 cm. Chim trưởng thành: Toàn bộ mặt lưng trắng không có màu hồng, mỏ nhọn hơn cong, mỏ vàng nhạt, chóp mỏ trắng; chân màu xám. Mùa sinh sản có mỏ màu vàng sáng; da mặt đỏ; chân đỏ sẫm. Cánh con và lông bao cánh sơ cấp đen; lông đuôi đen hơi phớt lục. Chim non: Đầu, cổ màu nâu xám, lưng nâu xám, lông bao đuôi và hông trắng, ngực xám nhạt, bụng trắng.

Phân bố: Nam Bộ. Trước đây định cư ở đồng bằng Sông Cửu Long như vùng Vồ Dơi thuộc tỉnh Cà Mau, tuy nhiên đã nhiều năm không còn thấy loài này ở Việt Nam.

Sinh cảnh: Hồ nước, vùng sình lầy, vùng ven biển và rừng ngập mặn.

Phân hạng bảo tồn: CITES Phụ lục I, IUCN hạng VU.

cò quắm cánh xanh – white-shouldered ibis (Pseudibis davisoni)

Thuộc Họ Cò quắm (Threskiornithidae), bao gồm khoảng 35 loài chim lớn sống trên đất liền và lội nước, được chia ra làm 2 phân họ: Threskionithinae (cò quắm) và Plateinae (cò thìa).

Các thành viên trong họ có cánh dài, rộng, với 11 lông cánh sơ cấp và khoảng 20 lông thứ cấp. Chúng là các loài chim bay khỏe một cách đáng ngạc nhiên, khi xét tới kích thước và khối lượng, có thể bay vút lên rất nhanh. Cơ thể chúng nói chung thuôn dài, cổ thuôn dài và chân dài. Mỏ cũng dài, cong về phía dưới ở các loài cò quăm, thẳng và bẹt đặc trưng ở cò thìa. Chúng là các loài chim lớn, dài từ 45 cm tới 100 cm.

Được tìm thấy gần khu vực có nước ngọt hay lợ, tĩnh tại hay chảy chậm. Tất cả đều là các loài kiếm ăn ban ngày, chúng miệt mài kiếm ăn cả ngày với thức ăn là nhiều chủng loại động vật không xương sống cũng như động vật có xương sống nhỏ: cò quăm thăm dò trong đất mềm và bùn, cò thìa thì bằng cách vung vẩy mỏ từ bên này sang bên kia trong các vùng nước nông. Ban đêm, chúng đậu trên cây gần mặt nước. Chúng sống thành bầy, kể cả khi đi kiếm ăn lẫn khi đậu nghỉ trên cây hay khi bay, thường thành từng đàn.

Làm tổ thành bầy thấy ở cò quắm, trong khi cò thìa thường tạo thành các nhóm nhỏ hay đơn lẻ, gần như luôn luôn trên cây, sát với mặt nước, nhưng đôi khi trên các đảo hay đảo nhỏ trong vùng đầm lầy. Nói chung, chim mái sẽ xây một tổ với kết cấu lớn từ lau sậy và que củi do chim trống tha về. Mỗi lứa đẻ khoảng 2 tới 5 trứng; chim non nở không cùng một lúc. Cả chim trống lẫn chim mái đều thay phiên nhau ấp trứng, và sau khi chim con chào đời thì chúng nuôi con bằng cách mớm mồi. Khoảng 2-3 tuần sau khi nở thì chim non không cần chăm sóc liên tục và có thể rời tổ, thường tụ tập lại với nhau nhưng trở về để được bố mẹ cho ăn.

Cò quắm cánh xanh có thân dài 75-85 cm. Nhìn chung toàn thân có màu tối, chỉ khi ra ánh nắng mới thấy ánh xanh lam. Đầu đen trụi lông, có vòng lông trắng sau gáy, cánh xanh lam có vệt trắng trước cánh và nằm ở phía trong, nhìn rõ hơn từ phía trên khi bay. Chân hồng, mỏ dài và cong xuống dưới.

Sinh cảnh: gần ao, hồ, đầm lầy và sông có nước chảy chậm trong các khu rừng đất thấp trống trải, vùng đồng cỏ, rừng cây thưa.

Cò quắm cánh xanh là một trong những loài chim quý hiếm nhất thế giới. Loài chim này đã biến mất hoàn toàn khỏi những vườn chim ở miền Nam trong các năm gần đây. Hiện số lượng loài này ở Việt Nam còn rất hiếm. Thỉnh thoảng mới có ghi nhận một vài cá thể mỗi lần: ở Cát Tiên năm 1997; vùng đồng cỏ Hòn Chông, Huyện Kiên Lương, Kiên Giang năm 1999; Yok Đôn năm 2003; Đồng Hà Tiên 2004.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES không phân hạng [đáng lẽ nên phân hạng], IUCN hạng CR.

cò quắm lớn – giant ibis (Thaumatibis gigantea)

Thuộc Họ Cò quắm (Threskiornithidae).

Cò quắm lớn là loài cò quắm lớn nhất: dài 102–106 cm, nặng khoảng 4,2 kg. Nói chung có bộ lông xám-nâu tối màu với phần đầu xám và cổ gần đầu trụi lông. Có những vạch đen nằm ở sau đầu và vai. Mỏ màu vàng-nâu, chân màu cam, mắt màu đỏ đậm. Con non có bộ lông đen ngắn, mỏ ngắn hơn và mắt nâu.

Trước đây còn sinh sản ở miền đông-nam Thái Lan, trung và bắc Campuchia, nam Lào và Nam Bộ, từng khá phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long cho tới tận thập niên 1920, rồi biến mất. Gần đây được tái phát hiện tại Yok Đôn.

Sinh cảnh: đầm lầy, bên bờ ao hồ, sông, đồng bằng rộng, có lúc hiếm hoi vào ruộng lúa.

Cò quắm lớn là quốc điểu của Campuchia.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES không phân hạng, IUCN hạng CE.

cò thìa, cò mỏ thìa – black-faced spoonbill (Platalea minor)

Thuộc Họ Cò quắm (Threskiornithidae).

76 cm. Da mặt đen, đỉnh đầu có bờm lông tạo thành mào ngắn. Trong thời kỳ sinh sản: Mào và ngực màu vàng. Chim non: Đầu mút lông cánh đen. Mỏ màu nâu hồng nhạt và da mặt đen nhạt.

Hiếm. Các vùng ngập triều ở cửa sông Hồng (Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Thủy, cửa sông Thái Bình và vùng bờ biển Nghĩa Hưng) là một trong những vùng trú đông quan trọng của cò thìa ở Việt Nam và Châu Á. Ngoài ra loài này còn di cư về phía nam trong đó đã nhìn thấy ở Ninh Thuận, Bến Tre, Tiền Giang và VQG Tràm Chim nhưng số lượng mỗi nơi chỉ 2-4 cá thể.

Sinh cảnh: Bãi bồi ngập triều ven biển và cửa sông.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng EN.

cốc đế – great cormorant (Phalacrocorax carbo)

Thuộc Họ Cốc (Phalacrocoracidae), gồm khoảng 40 loài khá thuần nhất về hình thái học, thức ăn và hành vi.

86 cm, có một sự khác biệt lớn về kích thước trong các phạm vi phân bố trên thế giới nên chiều dài có thể dao động trong khoảng 70–102 cm. Loài chim nước lớn, bộ lông màu đen có ánh xanh lục pha tím đỏ ở phần đầu, cổ, mặt trên thân và đuôi. Họng và vùng tai luôn có màu trắng; da mặt màu vàng nhẵn nhụi. Mỏ dài, thuôn tròn, đầu chóp hơi phình to, chóp mỏ quặp. Móng cong sắc, chân ngắn nằm xa về phía sau thân, giữa các ngón có màng bơi. Đuôi khá dài. Cánh to rộng, sải cánh dài. Trong mùa sinh sản: Phần lớn chim trưởng thành có lông trắng ánh bạc trên đầu, cổ và nhiều đốm trắng ở hai bên sườn (thường không có trong mùa đông). Bề mặt cánh bóng và vai ánh màu đồng. Chim non: Màu nâu xám xịt, phần dưới cơ thể màu trắng thay đổi khác nhau và bộ lông có màu nâu vào mùa đông thứ hai.

_coc de

Bay nặng nề, thân và cổ duỗi thẳng; thông thường bay thành hàng hay từng cụm. Bơi chìm dưới nước, mỏ nghiêng về phía trước; thường xuyên gặp lặn hay đậu trên mỏm đá hoặc trên cây với đôi cánh giang ra để tắm nắng. Sống thành đàn.

Cư dân ở Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản sống gần sông, hồ, thường thuần dưỡng cốc đế bắt cá cho chủ. Chim được được huấn luyện để lặn xuống nước bắt cá và ngậm trong miệng. Để tránh chim nuốt mất cá và điều khiển chúng dễ dàng hơn, ngư dân buộc dây thừng rồi thắt nút gần cổ chim. Khi chim mò cá ngậm đầy trong mồm, chúng được kéo lên gỡ cá khỏi cổ họng và lại tiếp tục thả xuống nước để bắt. Cách thức bắt cá này đã theo truyền thống từ khoảng 1.300 năm nay, hiện đang dần mai một, chỉ còn một số ít địa điểm trình diễn cho du khách.

chim-coc

Hiện nay chỉ gặp ở vùng Tây Nam Bộ. Vùng phân bố trước đây: Đông-Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Loài định cư làm tổ, không phổ biến.

Sinh cảnh: Vùng đầm lầy, sông, hồ, bờ biển, các vườn chim đồng bằng sông Cửu Long.

Phân hạng bảo tồn: Sách Đỏ Việt Nam hạng EN, CITES không phân hạng, IUCN hạng VU.

cu xanh đuôi đen – ashy-headed green pigeon (Treron phayrei)

Thuộc Họ Bồ câu (Columbidae).

27 cm. Được tìm thấy ở Cát Tiên, Tân Phú nhưng hiện trạng không rõ.

Đến tháng 7/2020, không tìm thấy tài liệu Việt ngữ mô tả đặc tính sinh học của cu xanh đuôi đen ở Việt Nam.

Loài chim này vừa quý do giá trị thẩm mỹ và nguồn gien, vừa hiếm ở Việt Nam.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

cu xanh mỏ quặp – thick-billed green pigeon (Treron curvirostra)

Thuộc Họ Bồ câu (Columbidae).

Nhỏ hơn các loài chim xanh khác: dài chỉ 23 cm. Có mô tả khá thú vị: con chim này có đến 9 màu: lam pha xám (trán), xanh đọt chuối (viền mắt), ô-liu (ngực), nâu rượu chát (lưng), vàng (cánh), xám (bụng), trắng (dưới đuôi), đen (đuôi), đỏ (chân).

Sinh cảnh: rừng nhiệt đới và bán nhiệt đới ẩm ở độ cao thấp, rừng ngập mặn.

Phân bố khá rộng rãi: Tam Đảo, Cúc Phương, Phong Nha–Kẻ Bàng, Bạch Mã, Cao nguyên Đà Lạt, Cao nguyên Kon Tum, Yok Don, Cát Tiên… Đang suy giảm.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

cu xanh Pompadour – Pompadour green-pigeon, Sri Lanka green-pigeon (Treron pompadora)

Thuộc Họ Bồ câu (Columbidae).

Sự phân loại loài cu này còn phức tạp, bởi vì quần thể ở các vùng phân bố trên toàn cầu tách biệt với nhau và một số có bộ lông đặc trưng, khiến cho nhiều tác giả phân ra làm khoảng 6 loài khác nhau.

25–28 cm. Đến tháng 7/2020, không tìm thấy tài liệu Việt ngữ mô tả đặc tính sinh học của cu xanh Pompadour ở Việt Nam. Exotic Birding (no date) chỉ ghi loài này hiện diện ở VQG Cát Tiên nhưng hiện trạng không rõ.

Cu xanh Pompadour vừa quý do giá trị thẩm mỹ và nguồn gien, vừa hiếm ở Việt Nam.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

cú lửa – short-eared owl (Asio flammeus)

Thuộc Họ Cú mèo (Strigidae), là một trong hai họ Bộ Cú (Strigiformes), họ kia là Họ Cú lợn (Tytonidae). Họ Cú mèo gồm khoảng 189 loài trong 24 chi.

Cú lửa có thân dài 38 cm. Chùm lông tai rất ngắn, thường khó thấy khi quan sát ở thiên nhiên. Lông bao cánh có nhiều mảng màu tối. Mắt màu vàng chanh, kích thước nhỏ so với loài cú mèo. Đậu ở tư thế nằm ngang nhiều hơn so với các loài cú mèo. Cánh dài, đầu tròn, đuôi ngắn. Săn mồi ở tầm thấp trên mặt đất bằng cách bay lộn. Nhìn trong bóng tối giống một con bướm đêm khổng lồ. Phần lớn hoạt động vào ban đêm nhưng có thể gặp cả ban ngày. Thường bay vụt lên từ mặt đất. Thích vùng quang đãng.

Xem Thêm:  Top 30 Famous Vietnamese Foods That Will Blow You Away

Phân bố: Vùng Đông Bắc và Trung Trung Bộ.

Hiện trạng: Loài di cư. Không phổ biến.

Sinh cảnh sống: Thảm cỏ, cây bụi, đầm lầy. Thường ẩn nấp trong bụi cỏ rậm. Gặp tới độ cao khoảng 1.800 mét.

Có ích vì việc bắt chuột làm thức ăn.

Tiếng kêu: To, chói tai khi bay, một loạt 10-14 âm ‘hu’ đi liền nhau nhanh, về mùa đông thường im lặng.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB (cho tất cả các loài trong Bộ Cú), CITES Phụ lục II, IUCN hạng LC.

diều bụng trắng – pallid harrier (Circus macrourus)

Thuộc Họ Ưng (Accipitridae). Đây là họ lớn nhất trong Bộ Ưng (Accipitriformes), bao gồm khoảng 253 loài chim săn mồi ban ngày, có kích thước từ nhỏ tới lớn với mỏ cong và khỏe, với hình thái thay đổi tùy theo kiểu thức ăn. Chúng ăn nhiều loại thức ăn động vật, từ côn trùng tới các loài thú có kích thước trung bình, nhiều loài ăn xác chết và chỉ một ít loài ăn hoa quả. Nhiều loài chim ăn thịt được nhiều người biết đến như diều hâu, đại bàng, diều mướp, ó, ưng và kền kền Cựu thế giới đều thuộc về họ này.

Diều bụng trắng dài 40–48 cm; sải cánh dài 95–120 cm. Trống: cân nặng 315 g, mặt trên xám, mặt dưới trắng. Mái: cân nặng 445 g, mặt trên nâu, mặt dưới nâu có sọc.

Săn động vật có vú nhỏ, thằn lằn và chim. Làm tổ trên mặt đất. Mỗi lứa đẻ 4-6 trứng màu trắng ngà.

Phân bố hẹp: định cư ở đồng bằng Sông Hồng, di cư đến bắc Bắc Bộ.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB; CITES Phụ lục II, IUCN hạng NT.

diều cá bé – lesser fish-eagle (Icthyophaga humilis)

Thuộc Họ Ưng (Accipitridae). Chi Đại bàng biển (Haliaeetus) gồm các loài chim săn mồi đa dạng về kich thước, từ 2,0–2,7 kg tới 9 kg.

51–68 cm. Bộ lông từ nâu đến xám; đầu và cổ xám nhạt; ngực nâu; bụng trắng.

Sinh cảnh: sườn đồi có sông suối nước chảy mạnh, hoặc hồ và đất ngập ở độ cao thấp.

Ăn chủ yếu cá và thú nhỏ.

Đến tháng 7/2020, không tìm thấy tài liệu Việt ngữ mô tả đặc tính sinh học của diều cá bé ở Việt Nam.

Được tìm thấy ở Yok Đôn, Cát Tiên.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB; CITES Phụ lục II, Sách Đỏ Việt Nam hạng VU; IUCN hạng NT.

diều cá đầu xám, diều cá lớn – grey-headed fish-eagle (Icthyophaga ichthyaetus)

Thuộc Họ Ưng (Accipitridae).

Trông giống diều cá bé nhưng kích thước lớn: 61–75 cm. Cổ dài, đầu màu xám, đùi và lông bao đuôi dưới trắng, đuôi tròn trắng, dải ngang mút đuôi màu đen. Phần trên lưng và lông bao cánh màu nâu xám, ngực hung nâu. Khi chim bay nhìn thấy cánh rộng, tròn, gốc đuôi trắng tương phản với màu tối xám của cánh. Chim non: đầu, cổ, ngực và phần bụng trên màu nâu có nhiều vệt dọc màu nâu, đuôi có hai dải ngang nâu và trắng.

Sinh cảnh: các vùng hồ, đầm lầy, sông lớn; độ cao tới 1.500 m.

Thường bay lượn và giữ cánh thăng bằng trên không trung. Sinh sản tháng 11-3, làm tổ trên cây cao và to, tổ có dạng hình cái cốc sâu và lớn, cách mặt đất 7,5-30 m, đẻ 2-4 trứng màu trắng.

Được tìm thấy ở Bạch Mã, Yok Đôn, Cao nguyên Đà Lạt, Cát Tiên, Tràm Chim.

Có giá trị khoa học. Loài bị nguy cấp do vùng phân bố đang suy giảm, quần thể nhỏ.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB, CITES Phụ lục II, Sách Đỏ Việt Nam hạng VU; IUCN hạng NT.

dù dì Nepal – spot-bellied eagle-owl (Bubo nipalensis)

Thuộc Họ Cú mèo (Strigidae), Bộ Cú (Strigiformes).

61 cm. Loài có bộ dạng dễ thương. Bộ lông đặc sắc: mặt bụng màu trắng nhạt có những đốm đen hình trái tim. Tai có đốm nâu tối rất rõ. Mỏ vàng nhạt.

Sinh cảnh: rừng thường xanh và bán thường xanh cây lá rộng, và cây họ dầu thưa thớt, một số nơi có tre vầu mọc xen kẽ. Có thể gặp lên đến độ cao 1200 m.

Xem thêm :  Tổng hợp 50 tips viết tiêu đề content hay

Tương tự như các loài cú khác, chúng đi kiếm săn mồi về đêm, chủ yếu săn chuột. Dễ dàng quan sát vào ban ngày khi chim ngồi yên dưới tán rừng hay khi chúng phát ra tiếng kêu to vào lúc đi kiếm ăn.

Làm tổ ở hốc cây, có thể sử dụng tổ cũ của loài chim ăn thịt khác. Đẻ 1 trứng.

Trước đây định cư phân bố khá rộng, tìm thấy đi lẻ hay đôi ở một số nơi như Vườn Quốc gia Cát Tiên, Yok Đôn, Đắk Lắk, Cúc Phương, nhưng rất hiếm. Từ xưa đã thu mẫu ở vùng Tây-Bắc, nhưng các cuộc điều tra ở vùng này trong thập kỷ 90 chưa phát hiện trở lại. Năm 2011 phát hiện ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu thuộc hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB (cho tất cả các loài trong Bộ Cú), CITES Phụ lục II, Sách Đỏ Việt Nam hạng CR; IUCN hạng LC.

Thuộc Họ Ưng (Accipitridae).

72–84 cm. Mái lớn hơn trống. Bộ lông màu nâu sáng, mặt và cổ màu trắng, cánh bên dưới màu tối. Đuôi có màu đen với dải trắng rộng đặc trưng. Dưới cánh có một dải màu trắng. Con chưa trưởng thành có bộ lông tối hơn, không có dải trên đuôi.

Ăn chủ yếu cá nước ngọt lớn, cũng ăn chim lội nước. Lập kỳ lục trong việc nâng một con ngỗng nặng hơn chính nó khỏi mặt nước, hoặc bắt một con cá nặng gấp đôi chính nó.

Đại bàng biển đuôi trắng hiếm ở Việt Nam, chỉ mới gặp loài này ở Nam Bộ.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB; CITES Phụ lục II, IUCN hạng VU.

đại bàng đầu nâu – imperial eagle (Aquila heliaca)

Thuộc Họ Ưng (Accipitridae).

79-84 cm. Chim mái khoảng 25% lớn hơn chim trống. Là loài đại bàng có kích thước lớn, đôi cánh dài, đầu dô, đuôi khá dài.

Chim trưởng thành: màu tối với gáy và đỉnh đầu màu xám bạc; đuôi màu sáng bạc, mút đuôi có màu tối (phía trên) và đặc điểm nhận biết là những “vằn ngang” màu trắng ở hai bên đuôi (khó nhìn thấy). Chim non: màu cát nâu nhạt với lông cánh và đuôi có màu tối tương phản, một đám sọc màu tối nổi ngang ở ngực, đường viền cánh màu trắng; phần lưng dưới và phần lưng trên đuôi có một mảng to màu kem. Chim sắp trưởng thành: Dần dần có bộ lông của chim trưởng thành trong vòng hơn 6 năm, trong 3 năm đầu vẫn giữ hình dáng của chim non và sau đó bộ lông trông ố bẩn.

Sinh cảnh: Những chỗ trống trải ở rừng. Thường bay vút lên và lượn với đôi cánh bằng hoặc hơi nâng lên. Hay đậu lâu ở nơi cao.

Thường thích làm tổ trên một cây không được các cây khác bao quanh, sao cho tổ có thể được nhìn thấy từ một khoảng cách đáng kể, và để những con cư trú có thể quan sát xung quanh mà không bị cản trở. Cành cây được dùng để làm tổ, được lót bằng cỏ và lông vũ. Mỗi lứa đẻ 2-3 trứng. Thông thường chỉ có một con sống sót để rời tổ; những con khác chết trước khi đủ lông đủ cánh.

Chủ yếu ăn thịt các loài chim và động vật có vú.

Loài di cư, gặp không thường xuyên ở Cúc Phương.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES Phụ lục I, IUCN hạng VU.

đại bàng đen – greater spotted eagle (Aquila clanga)

Thuộc Họ Ưng (Accipitridae), Bộ Ưng (Accipitriformes).

66-74 cm; sải cánh rộng 155-180 cm. Là loài đại bàng có thân hình khỏe, cổ ngắn và đuôi rất ngắn. Sải cánh dài. Có mảng lông hình chữ U màu trắng ở bao trên đuôi (càng rõ hơn ở chim non). Chim trưởng thành: Toàn thân thường có màu đen, đôi khi từ nâu đen đến xám tro. Chim non: Có nhiều đốm và vằn trắng dễ nhận thấy ở mặt trên của cánh (do đó tên tiếng Anh có nghĩa đại bàng đốm), càng lớn lên vằn trắng càng ít đi cho tới 5 tuổi.

Tiếng kêu ẳng chói tai khi lao từ trên cao xuống.

Di cư đến Sa Pa, Fansipan Mt, Cúc Phương, Tràm Chim. Hiếm.

Sinh cảnh: Vùng đầm lầy, sông và hồ nước. Thường sống ở trên mặt đất.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB, CITES Phụ lục II, Sách Đỏ Việt Nam hạng EN; IUCN hạng VU.

đầu rìu – Eurasian hoopoe, common hoopoe (Upupa epops)

Thuộc Họ Đầu rìu (Upupidae) trong Bộ Hồng hoàng (Bucerotiformes).

33 cm. Dễ nhận biết nhờ mào lông dài, thường được xếp phẳng dẹt, khi xòe lên (vì bị kích động, sợ hãi…) có hình nan quạt trông lạ mắt. Bộ lông màu hồng nhạt, có nhiều vằn trắng và đen trên cánh, mặt trên đuôi đen có một vằn trắng. Tên tiếng Anh được đặt theo tiếng kêu ‘hu pu pu’.

Sinh cảnh: Thảm cây bụi, cây gỗ thưa, nơi quang đãng, khô ráo. Thích sống ở các bãi cỏ và đồng trống ở vùng đồi núi. Thường xục xạo trong đám lá rụng, trong bộng cây, thân cây mục, thậm chí bãi phân trâu bò… tìm ăn côn trùng nhỏ và ấu trùng côn trùng. Có thể gặp đến độ cao khoảng 1500 mét.

Trống mái chung thủy với nhau trọn đời. Tổ trong hốc cây. Đẻ 5-7 trứng. Cả chim bố mẹ đều chăm sóc con non.

Định cư phổ biến ở nhiều nơi: Sa Pa, Núi Fansipan, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Đôn, Cao nguyên Đà Lạt, Cát Tiên, Tân Phú.

May mắn cho người yêu chim chóc, đầu rìu còn khá phổ biến ở Việt Nam và toàn cầu. Tuy vậy, giới nuôi chim đã tìm cách nuôi đầu rìu làm chim cảnh, khiến cho số lượng ngoài hoang dã đang suy giảm.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

đớp ruồi cằm đen – Fujian niltava (Niltava davidi)

Thuộc Họ Đớp ruồi (Muscicapidae). Khoảng 30 loài mang tên điểu học bắt đầu bằng “đớp ruồi” (thuộc các chi Muscicapa, Ficedula). Nhiều loài trong số này, như tên gọi chung của họ hàm ý, săn bắt con mồi khi đang bay.

Đớp ruồi cằm đen dài 18 cm. Trống: Phía lưng màu xanh da trời sáng và có nhiều mảng óng ánh. Họng đen và phía bụng màu da cam. Mái: Phía lưng màu nâu nhạt, đuôi nâu đỏ. Đặc điểm nổi bật là có hình lưỡi liềm ngang họng và mảng xanh da trời trên vai (đôi khi không có).

Sinh cảnh sống: Tầng cây bụi dưới tán rừng. Sinh sản trên vùng núi nhưng mùa đông chuyển xuống đai thấp.

Đây là loài chim quý do bộ lông đẹp và hiếm vì chỉ định cư ở vùng Tây Bắc (Sa Pa, Tam Đảo, Núi Fansipan).

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

đuôi cụt bụng đỏ – fairy pitta (Pitta nympha)

Thuộc Họ Đuôi cụt (Pittidae) trong Bộ Sẻ. Tất cả các loài chim trong Họ Đuôi cụt tương tự như nhau về hình dáng và hành vi, thường có màu sặc sỡ. Tuy nhiên, số chi trong họ này vẫn còn là vấn đề tranh cãi, hoặc tất cả cùng một chi Pitta hoặc là có 3 chi: Erythropitta (6 loài), Hydrornis (13 loài), và Pitta (14 loài).

Đuôi cụt bụng đỏ được một số người gọi bằng tên chim quyên hoặc bảy màu.

Đây là một trong số ít loài chim thuộc nhóm đuôi cụt di cư, xuất hiện ở ven Sông Hồng vào năm 2016.

6–20 cm. Cỡ trung bình, khoảng bằng chim sáo. Chân khá dài với các ngón chân khỏe, nhưng đuôi lại rất ngắn trông như cụt đuôi.

Màu lông sặc sỡ, trống và mái giống nhau. Trán, đỉnh đầu nâu đen, dọc ở giữa có dải đen rộng kéo dài đến gáy. Hai bên đầu, má, tai, hai bên cổ và sau gáy đen, lưng trên và vai lục thẫm. Lưng dưới và hông xanh da trời hơi có ánh tím. Đuôi đen, mút đuôi viền xanh thẫm. Lông bao cánh xanh ánh tím ở phần mút, lục ở phần giữa và nâu đen phần gốc. Cằm và họng trắng đục. Ngực, bụng, sườn và đùi hung nâu nhạt hoặc xám nhạt; giữa bụng và dưới đuôi đỏ. Mắt nâu thẫm. Mỏ đen. Chân hồng xám.

Sinh cảnh: bãi cỏ có nhiều lùm cây. Kiếm ăn ở mặt đất, trên đám lá khô hay những chỗ ẩm ướt, thường đậu trên những cành cây thấp. Thức ăn là những loài sâu bọ và động vật không xương sống như sên, ốc. Tổ tròn như quả bóng, xây bằng cây cối ngay trên mặt đất, trong kẽ đá hay trong đám rễ cây.

Thường nghe tiếng kêu hơn là thấy vì chim nhút nhát.

Hiếm, gặp ở Tam Đảo; số lượng đang suy giảm nhanh chóng.

Phân hạng bảo tồn: Sách Đỏ Việt Nam hạng VU, CITES Phụ lục II, IUCN hạng VU.

đuôi cụt bụng vằn – bar-bellied pitta (Hydrornis elliotiii, Pitta elliotii)

Thuộc Họ Đuôi cụt (Pittidae). Loài đặc hữu của vùng Đông Dương.

19,5–21 cm. Trống: trán, đỉnh đầu và gáy xanh lục. Một dải đen rộng từ trước mắt qua mắt ra sau gáy màu đen. Phía lưng có màu xanh tương tự. Mặt bụng có vằn ngang, trừ một dải chạy dọc chính giữa xanh tím đậm. Mỏ đen. Mái: Mặt bụng vàng hơn. Đỉnh đầu và gáy hung nâu. Chim non: Gần giống chim cái, nhiều màu nâu và có đốm.

Phân bố: Khắp các vùng trong cả nước (trừ vùng đồng bằng Sông Hồng và Tây Nam Bộ). Tương đối phổ biến ở một số vùng phân bố.

Sinh cảnh sống: Các loại rừng và tre nứa. Có thể gặp đến độ cao khoảng 800 mét, nhưng chủ yếu gặp ở đai thấp, như vùng rừng Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh. Sinh sản khoảng tháng 4-7, thường gặp làm tổ ở bụi mây, cây lá nón. Đẻ 3-4 trứng.

Loài quý do nguồn gen và giá trị thẩm mỹ, nhưng chưa đến mức hiếm.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

đuôi cụt đầu đỏ  – blue pitta (Hydrornis cyaneus, Pitta cyanea)

Thuộc Họ Đuôi cụt (Pittidae). Tuy tên điểu học tiếng Anh chỉ lưng màu lam, có phân loài với lưng màu ô-liu.

22–24 cm. Giữa đỉnh đầu có dải đen từ trán xuống gáy và dải đen thứ 2 từ trước mắt chạy qua mắt đến gáy. Các lông ở gáy kéo dài thành mào có màu đỏ hơi phớt vàng. Hai bên cổ có vệt đen rộng, tiếp theo là dải trắng ngang qua phần trên ngực và hai bên cổ. Nhìn chung mặt trên xanh tươi, mặt dưới xám lẫn hung nhạt, có vằn ngang đen. Chim cái có màu xỉn hơn. Mắt nâu thẫm. Mỏ đen. Chân hồng xám.

Sinh cảnh: rừng ẩm rậm và vùng cây bụi thứ sinh thuộc khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Đã tìm thấy ở Gia Lai (Buôn Lưới) và Lâm Đồng (Di Linh, Lạc Dương)

Trang web vncreatures.net cập nhật tháng 7/2016 cho biết không có số liệu sinh học.

Loài quý do giá trị thẩm mỹ.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

đuôi cụt sọc Malaya – Malayan banded pitta (Hydrornis irena, Pitta irena)

Thuộc Họ Đuôi cụt (Pittidae).

Do những khác biệt về màu lông và tiếng kêu, loài Pitta guajana được chia ra các loài P. guajana, P. irena và P. schwaneri.

20–23 cm. Nhiều màu sắc và khá đa dạng: đầu đen với vệt vàng/cam phía trên mắt, gáy đỏ cam, cổ họng vàng chanh/trắng, ngực màu cam và lam đậm (nhiều màu cam hơn ở hai bên và nhiều màu lam hơn ở giữa), bụng màu lam; ngực và bụng có nhiều sọc ngang màu đen; lưng nâu và đuôi màu lam.

Sinh cảnh: rừng thường xanh ở độ cao thấp kể cả rừng ngập nước, không thích hợp lắm với rừng thứ sinh.

Loài chim di cư đến Việt Nam.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

gà gô mào – crested partridge (Rollulus rouloul)

Thuộc Họ Trĩ (Phasianidae), gồm 156 loài trên thế giới, Việt Nam có 24 loài gồm chim công, các nhóm chim cút, gà so, gà lôi, gà tiền, trĩ. Một số loài tuy được gọi là “gà” – chẳng hạn như gà lôi, gà tía, gà tiền – nhưng về phân loại, chúng thuộc về nhóm trĩ (pheasant). Tất cả các loài trong nhóm trĩ được xem quý hiếm do giá trị thẩm mỹ và nguồn gen, đặc biệt là những phân loài đặc hữu của Việt Nam.

Gà gô mào dài 25–26 cm. Thân hình mập mạp, gần như tròn, đuôi ngắn. Trống: mào cao, màu rượu vang đỏ, bộ lông thiên về màu lam (có khi đen) với ánh xanh lam. Mái: không có mào, bộ lông thiên về màu lục với ánh xanh ngọc thạch.

Không tìm thấy tài liệu về phân bố ở Việt Nam, tuy Exotic Birding (no date) liệt kê gà gô mào trong danh mục chim Việt Nam.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

gà lôi hông tía – Siamese fireback, Diard’s fireback (Lophura diardi)

Tên khoa học của loài này vinh danh nhà sinh học Pierre-Médard Diard (1794–1863), người thực hiện những chuyến khảo sát ở Đông Nam Á và thu mẫu vật nhiều chủng loài hoang dã.

Gà lôi hông tía thuộc Họ Trĩ (Phasianidae).

61–81 cm. Chân và da mặt có màu đỏ. Trống: đầu và họng đen; trên đầu có mào lông dài màu lam ánh thép; phần dưới lưng màu vàng kim; hông và lông bao đuôi màu hạt dẻ; đuôi dài. cong hình lưỡi liềm, có màu lam ánh thép; cổ và ngực màu xám; bụng màu đen. Mái: đầu, họng và cổ nâu xám; lưng trên và phần dưới cơ thể nâu hung; bụng trắng nhạt; phần còn lại có vằn rộng màu đen và trắng phớt nâu.

Được Thái Lan tôn vinh là chim quốc gia (quốc điểu).

Định cư ở cao độ thấp trong rừng nguyên sinh, thứ sinh, nương rẫy, cây bụi, nhất là rừng cây Họ Dầu, hay ra kiếm ăn dọc các đường mòn trong rừng.

Thức ăn của gà lôi hông tía là các loại hạt, quả mềm, mầm chồi non; ngoài ra ăn thêm côn trùng, giun đất.

Sống thành đôi hay đàn 3-5 con, có thể nhiều hơn. Giống như các loài trĩ khác, ban ngày kiếm ăn ở mặt đất, ban đêm bay lên cây đậu ngủ. Trong cùng sinh cảnh cũng hay gặp gà lôi hông tía kiếm ăn cùng với gà tiền mặt đỏ, gà tiền mặt vàng, gà so ngực gụ, gà rừng.

Làm tổ đơn giản trên mặt đất gồm cọng cỏ, lá cây… Chim bắt đầu sinh sản vào năm thứ ba. Mỗi lứa đẻ 3-8 trứng hình bầu dục, màu hung nhạt hay vàng nhạt.

Phân bố rộng: từ cao nguyên Trung Bộ xuống đến bình nguyên Trung Bộ và Đông Nam Bộ có độ cao đến 800 m. Trong vùng phân bố, rừng bị khai thác mạnh, nơi cư trú bị thu hẹp nhanh, bị săn bắt bừa bãi.

Gà lôi hông tía là quốc điểu của Thái Lan. Đây là loài chim quý ở giá trị thẩm mỹ và nguồn gien, số lượng trong hoang dã ngày càng bị giảm sút nên hiếm dần

Phân hạng bảo tồn: Sách Đỏ Việt Nam hạng VU, CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

Xem thêm: T2Q Review TV (2019a), T2Q Review TV (2019b).

gà lôi lam mào trắng – Edwards’s pheasant (Lophura edwardsi)

Thuộc Họ Trĩ (Phasianidae).

Năm 1922, Khâm sứ Trung Kỳ mời nhà thám hiểm đồng thời là nhà điểu học người Pháp Delacour thực hiện cuộc khảo sát toàn diện đầu tiên về các loài chim của Đông Dương. Delacour đã thực hiện bảy chuyến thám hiểm đến những nơi xa xôi nhất của Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong các khu rừng của Thừa Thiên và Quảng Trị, ông đã thu thập 64 mẫu gà lôi lam mào trắng. Sinh cảnh cực nam của nó là vùng đèo Hải Vân và chân núi thuộc dãy Bạch Mã. “Đó là một sinh vật nhút nhát, bí mật, hiếm khi xuất hiện trong môi trường sống ưa thích của nó là những sườn núi ẩm ướt, phủ đầy bụi cây và dây leo”. Delacour mô tả trong bản công bố của ông về loài chim gà lôi lam mào trắng. (Minh Tự, 2020)

Loài chim này được đặt tên khoa học theo tên nhà động vật học người Pháp Alphonse Milne-Edwards (1835–1900), có thời làm giám đốc Viện Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Thiên nhiên của Pháp, chuyên nghiên cứu điểu học.

58-67 cm. Chân đỏ, mặt đỏ; mỏ màu xanh vàng nhạt. Trống: lam thẫm lấp lánh với mào ngắn màu trắng, giống gà lôi lam mào đen, chỉ khác ở chỗ mào lông trắng trên đỉnh đầu. Mái: Mào ngắn; bộ lông màu hung nâu với nhiều vạch hẹp hung nâu ở phía lưng và nhạt hơn ở phía bụng. Các lông đuôi giữa và lông cánh thứ cấp nổi rõ vân lăn tăn màu nâu sẫm và đen; lông đuôi ngoài cùng màu đen.

Năm 1975, Võ Quý thông báo một loài mới và đặt tên là gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis), có điểm khác biệt với gà lôi lam mào trắng là các lông bay ở đuôi màu trắng với số lượng biến thiên. Về sau, các chuyên gia khác tìm ra rằng sự khác biệt này là do giao phối cận huyết của một quần thể bị hạn chế và phân mảnh tại khu vực đó, và cũng đã được nhận thấy ở các con lai nuôi nhốt. Từ năm 1990, một số nhà nghiên cứu quốc tế bác bỏ Lophura hatinhensis là loài riêng rẽ (Henacte et al., 2012). (Tuy vậy, nhiều trang mạng ở Việt Nam cho đến năm 2020 và thậm chí Sách Đỏ Việt Nam 2007 vẫn chưa cập nhật thông tin này.) Hiện giờ, gà lôi lam đuôi trắng chỉ được công nhận là phân loài Lophura edwardsi hatinhensis.

Cả loài chính gà lôi lam mào trắng và phân loài gà lôi lam đuôi trắng đều là đặc hữu ở 3 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên–Huế, chủ yếu xuất hiện trong và quanh Khu BTTN Kẻ Gỗ. Tổng diện tích nơi sinh sống rất nhỏ, chỉ khoảng 2.900 km2 và bị phân mảnh trầm trọng, thế nên một đàn bị cô lập khỏi những đàn khác.

Gà lôi lam mào trắng sống thành đôi hoặc đàn nhỏ 3-5 con trong rừng nguyên sinh hoặc thứ sinh có độ cao 200-600 m phía đông dãy Trường Sơn. Mỗi lứa đẻ 4-7 trứng, vỏ màu hồng nhạt và vàng kem có chấm trắng nhỏ.

Thức ăn chính là côn trùng, giun đất, hạt và quả mềm.

Loài chính gà lôi lam mào trắng được mô tả lần đầu tiên năm 1896, được các nhà điểu học người Pháp ghi chép trong những năm 1920–1930, rồi biến mất hơn 60 năm. Sau đó, rất hiếm khi được tìm gặp lại:

  • Năm 1998, 2 cá thể bị giăng bẫy ở xã Phong Mỹ, và một cá thể được phát hiện ở Vườn Quốc gia Bạch Mã.
  • Năm 1990, một cá thể trống được thu giữ phía nam rừng Kẻ Gỗ giáp Tuyên Hóa, Quảng Bình.
  • Năm 1997, bắt được một chim trống.
  • Năm 2009, một cá thể trống được thu giữ ở vùng rừng đặc dụng Bắc Hải Vân.
  • Năm 2015, bốn cá thể được gửi đến Vườn thú Hà Nội để nhân giống với hậu duệ của con trống năm 1997 nói trên.

Cả loài chính gà lôi lam mào trắng và phân loài gà lôi lam đuôi trắng hiện nay đều rất hiếm gặp. Vì thế, ảnh của chúng thường là ảnh của cá thể nuôi nhốt.

Có tin vui là vào thập kỷ 1920, người Pháp mang về Pháp ít nhất 14 cá thể gà lôi lam mào trắng, từ đó nhân giống được trên 1000 cá thể hiện nay khắp thế giới kể cả ở Vườn thú Hà Nội (Davies, 2017). Tuy vậy, một số cá thể giao phối với gà lôi trắng (Lophura nycthemera) nên cho hậu duệ không thuần chủng. Còn số lượng phân loài gà lôi lam đuôi trắng được nuôi nhốt trong Vườn thú Hà Nội cũng gia tăng đáng kể.

IUCN cho rằng những quần thể gà lôi lam mào trắng ngoài hoang dã – nếu còn – là rất nhỏ và đang suy giảm. Lý do chủ yếu là vùng phân bố hạn hẹp lại bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, sau đó áp lực dân số đấy nhanh nạn phá rừng, lại thêm nạn săn bắt ráo riết.

Gà lôi lam mào trắng là một trong những loài chim hiếm nhất và bị nguy cấp nhất thế giới. Thậm chí có tác giả cho rằng loài này có lẽ đã tuyệt chủng ngoài hoang dã do có số lượng rất hiếm, lại là đặc hữu.

Việc thả cá thể nhân giống ra ngoài hoang dã gặp trở ngại bởi vì chúng không được cha mẹ dẫn dắt từ nhỏ trong điều kiện thiên nhiên nên thiếu bản năng tự vệ và trốn lánh thú săn mồi. Tuy vậy, việc nhân giống với mục đích thả ra ngoài hoang dã (chủ yếu ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn nhằm hạn chế nạn săn bắt) vẫn đang được tiếp tục cho dù chi phí cao (Collar, 2020).

Phân loại bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES Phụ lục I, Sách Đỏ Việt Nam hạng EN, IUCN IUCN hạng CR.

gà lôi tía – Temminck’s tragopan (Tragopan temminckii)

Thuộc Họ Trĩ (Phasianidae).

64 cm. Trống: điểm nổi bậc là yếm rất rộng và dài, màu xanh da trời với những vệt rộng màu đỏ nằm ngang. Nhìn chung bộ lông có nhiều màu đẹp đặc sắc: đỏ lửa, đỏ nâu và nâu lẫn đen với nhiều chấm trắng lớn nhỏ. Hầu hết ở giữa các lông đều có các vệt xám xanh da trời rộng. Mắt nâu, mỏ đen, da quanh mắt xanh da trời. Chân hồng. Mái: không có yếm, nói chung màu nâu với những vệt đen hung và trắng, bụng màu nhạt với những vệt nâu sậm. Da quanh mắt có màu hơi xanh lam. Trống non 1 năm tuổi giống chim mái nhưng kích thước hơi lớn hơn. Trong môi trường nuôi dưỡng, gà trưởng thành vào năm thứ 2.

Trong ảnh dưới đây, bên trái là chim mái (không có yếm) và bên phải là chim trống (có yếm rộng và dài).

Điều khác biệt với các loài chim khác trong Họ Trĩ là loài gà lôi tía làm tổ trên cành cây. Mỗi lứa đẻ 3-5 trứng cỡ nhỏ, hình bầu dục, màu hung nhạt trơn hoặc có đốm chấm nâu. Thức ăn là quả, hạt, côn trùng, giun đất.

Gà lôi tía sống định cư theo đàn nhỏ 3-5 con ở sâu trong rừng thường xanh rậm độ ẩm cao nguyên, thứ sinh từ độ cao 900 đến trên 2700 m, thỉnh thoảng lên đến độ cao 3.000 m. Ban ngày kiếm ăn ở mặt đất, ban đêm bay lên các bụi cây thấp đậu ngủ.

Năm 2008, đồng bào Vân Kiều ở Bản Cựp, Xã Húc Nghì, Huyện Đak Rông, Quảng Trị, nhặt được 3 quả trứng trong rừng, mang về nhà ấp nở ra gà lôi trống. Chúng giao phối với gà mái nuôi trong bản cho ra con lai có thịt thơm và ngon hơn nhiều so với gà nuôi thuần chủng.

Loài đặc hữu ở Việt Nam, chỉ gặp ở Lào Cai (gần Sa Pa, trên độ cao 2000 m), Yên Bái (Mù Cang Chải) ở độ cao 1600 m.

Phân loại bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES không phân hạng, Sách Đỏ Việt Nam hạng CR, IUCN hạng LC.

Xem thêm: Sách đỏ Việt Nam (2020).

gà lôi trắng – silver pheasant (Lophura nycthemera)

Thuộc Họ Trĩ (Phasianidae).

125 cm kể cả đuôi. Con non: trống và mái đều màu nâu với những dải lông màu đen. Mái giữ nguyên màu lông này, thay đổi không đáng kể suốt đời, đôi khi chuyển sang màu ô-liu. Trống đến tuổi thành niên bắt đầu thay lông để chuyển sang trắng ở trên lưng và đen ở phía bụng, vì thế giai đoạn trung chuyển có lông màu trắng pha nâu chocolat. Thông thường phải mất gần 2 năm tuổi, gà lôi trống mới trưởng thành hoàn toàn. Lúc đó mào có màu đen dài, cằm và họng đen, bụng hơi xanh đen (trắng đối với phân loài ở Việt Nam), phần còn lại của cơ thể màu trắng. Đuôi gà trống khá dài: 40–80 cm. Mặt có màu đỏ nhung với 2 dải mào phủ kìn. Chân có màu đỏ tía.

Phân loài gà lôi Trung Bộ hoặc gà lôi vằn – Annamese silver pheasant (Lophura nycthemera annamensis) có một đặc điểm dễ thấy là một dải rộng màu trắng chạy dọc theo hai bên cổ xuống đến hai bên sườn. Đây là phân loài đặc hữu ở Nam Trung Bộ, Cao nguyên Lâm Viên, phía Bắc Pleiku và Đông-Bắc Nam Bộ. Tuy vùng phân bố rộng như thế nhưng phân loài này lại khá hiếm vì đang bị đe dọa, nên cũng được phân loại vào nhóm IB.

Sinh cảnh: Tầng thảm tươi của các loại rừng miền núi từ độ cao 200 trở lên; đã gặp ở độ cao 1200-1800 m.

Tùy từng phân loài, sống thành đôi hoặc đàn nhỏ 3-5 cá thể; đôi khi nhiều hơn. Ban ngày kiếm ăn trên mặt đất; ban đêm đậu ngủ trên cành cây thấp.

Làm tổ đơn giản trên mặt đất, thường là một đám lá khô hay hõm đất nông. Đẻ 4-10 trứng; vỏ màu trắng ngà. Cũng như các loài gà lôi khác: Thức ăn chính là các loài hạt, quả mềm, củ và côn trùng trên mặt đất. Chim non mới nở thường ăn động vật, khi lớn đổi qua thực vật.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

Xem thêm: Sách đỏ Việt Nam (2020).

gà nước họng trắng – slaty-legged crake (Rallina eurizonoides)

25 cm. Phần trên cơ thể có màu nâu đất chuyển dần sang màu hung nâu ở đầu, cổ và ngực. Phía bụng có vằn đen trắng dày. Khi không bay thì ở cánh không nhìn thấy có hoặc chỉ nhìn thấy ít màu trắng. Giò và mỏ màu xám chì. Màu hung nâu tối ở chim non được thay bằng màu nâu ôliu. Thỉnh thoảng bay vào các bụi cây.

Phân bố: Đông-Bắc (bay qua) và Đông Nam Bộ (không rõ tính chất cư trú) ở độ cao tới khoảng 1.800 mét; từng gặp ở Bạch Mã. Không phổ biến.

Sinh cảnh: gần nguồn nước trong các vùng rừng và các vùng cây bụi thứ sinh. Tổ làm trên mặt đất giữa các đám cỏ dại, đẻ 4-8 trứng.

Đây là loài gà nước đẹp và hiếm, cần bảo tồn và tránh nhầm lẫn với gà nước họng nâu – red-legged crake (Rallina fasciata) có màu lông rất giống ngoại trừ giò màu đỏ, và có số lượng nhiều hơn.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

gà so, gà so núi, gà trúc ngực xám  – mountain bamboo partridge (Bambusicola fytchii)

Thuộc Họ Trĩ (Phasianidae).

32–37 cm. Đến tháng 7/2020, không tìm thấy tài liệu Việt ngữ mô tả đặc tính sinh học của gà so ở Việt Nam.

Phân bố hẹp: định cư ở vùng Tây-Bắc (Sa Pa, Núi Fansipan).

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

gà so cổ hung – orange-necked partridge (Arborophila davidi)

Thuộc Họ Trĩ (Phasianidae).

27 cm. Chim trưởng thành có trán, đỉnh đầu và gáy màu xám nâu lấm tấm đen. Một dải từ trên mắt có màu trắng nhạt chuyển dần thành màu hung kéo dài đến 2 bên cổ. Tiếp theo là dải đen tuyền sau tai kéo xuống hai bên cổ và nối với yếm ngực cũng có màu đen. Phía trước mắt có các màu đen, nâu và hung vàng nhạt xen kẽ. Ngực màu nâu, thỉnh thoảng có vệt đen. Bụng màu hung vàng nhạt. Sườn xám có vệt ngang đen trắng xen kẽ. Mắt nâu. Mỏ đen. Chân hồng.

Ghi chú: đừng nhầm với gà so họng hung (Arborophila rufogularis) có màu lông khá giống; IUCN hạng LC.

Phân bố hẹp: định cư ở Cát Tiên, Tân Phú. Loài đặc hữu của Việt Nam.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES không phân hạng, Sách Đỏ Việt Nam hạng EN, IUCN hạng NT.

gà tiền mặt đỏ – Germain’s peacock-pheasant (Polyplectron germaini)

Thuộc Họ Trĩ (Phasianidae).

60 cm. Lông màu nâu sẫm, lốm đốm đen, mào ngắn màu vàng cam. Trống và mái giống nhau. Đuôi mái có 18 lông vũ, ít hơn con trống. Mỗi lứa thường đẻ 2 trứng màu trắng ngà.

Loài đặc hữu của vùng Đông Dương. Hiếm.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES Phụ lục II, Sách Đỏ Việt Nam hạng VU, IUCN hạng NT.

gà tiền mặt vàng, gà tiền xám – gray peacock-pheasant (Polyplectron bicalcaratum)

Thuộc Họ Trĩ (Phasianidae).

Đây là loài chim trĩ lớn, dài đến 76 cm, bộ lông màu nâu xám có các đốm lục-lam, mồng dày và dài, mặt có da đỏ hay hồng, cổ họng có màu tráng, chân màu xám. Mái nhỏ hơn, màu tối hơn và ít sặc sỡ hơn con trống. Con non có bề ngoài giống con mái.

Phân bố: định cư từ miền Bắc đến Bắc Trung Bộ.

Sinh cảnh: rừng núi ở độ cao thấp.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES Phụ lục II, Sách Đỏ Việt Nam hạng VU; IUCN hạng LC.

già đẫy Java – lesser adjutant, haircrested adjutant (Leptoptilos javanicus)

Thuộc Họ Hạc (Ciconiidae).

123-129 cm. Nhìn giống già đẫy lớn, nhưng kích thước nhỏ hơn và không có bìu cổ.

Sinh cảnh: đầm lầy, đồng cỏ ngập nước ngọt, ven rừng nhưng là nơi trống trải. Đẻ 2-4 trứng.

Định cư ở Yok Đôn, Cát Tiên, Tân Phú, Tràm Chim.

Phân loại bảo vệ: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES không phân hạng, Sách Đỏ Việt Nam hạng VU, IUCN hạng VU.

già đẫy lớn, cò sói – greater adjutant (Leptoptilos dubius)

Thuộc Họ Hạc (Ciconiidae).

Chiều cao 135-150 cm. Mùa hè: Đầu, bìu cổ (đôi khi không thấy) và cổ trần; gáy, bên đầu và cổ có một số lông xoắn màu nâu thẫm; phần dưới cổ có một vòng màu trắng; mặt lưng, cánh, đuôi có màu đen hơi ánh lục; lông cánh tam cấp và lông bao cánh lớn màu xám bạc; ngực, sườn, bụng và dưới đuôi có màu trắng. Mùa đông: cánh đồng màu, không có vệt xám bạc. Chim non: Phần da trần ở đầu và cổ ít nhiều có phủ lông tùy chỗ. Lông cánh tam cấp và lông bao cánh lớn nâu thẫm.

Sinh cảnh: vùng bùn lầy, hồ, cánh đồng lúa, rừng thưa, đồng cỏ. Thức ăn là cá có kích thước tương đối lớn, đôi khi ăn cả ếch nhái, rắn, côn trùng lớn, cũng có khi ăn lẫn với cách mò thức ăn của vịt. Hầu như chưa có dẫn liệu về sinh sản của loài này.

Trước đây gặp ở Nam Bộ, Nam và Trung Trung Bộ, trước năm 1985 gặp rất ít ở rừng tràm U Minh Thượng.

Trong khoảng từ năm 1985 trở lại đây không có thông tin gì, ngay cả ở vùng rừng tràm U Minh Thượng nơi có nhiều thông tin nhất về loài này trong những năm trước đây. Từ đầu năm 2002, khi rừng tràm ở U Minh Thượng bị cháy thì rất khó tìm thấy lại loài này tại đây. Nguyên nhân chính có lẽ do mất nơi làm tổ là những nơi có rừng tràm tự nhiên với cây to, mật độ lớn.

Là nguồn gen quý cho khoa học, loài chim có kích thước lớn, hình dáng đẹp, hấp dẫn cho tham quan du lịch.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB, CITES không phân hạng, IUCN hạng EN.

giẻ cùi bụng vàng – yellow-breasted magpie, Indochinese green magpie (Cissa hypoleuca)

Thuộc Họ Quạ (Corvidae). Đây là một họ có 132 loài, phân bố khắp thế giới chứa các loài chim biết kêu/hót bao gồm ác là, chim khách, choàng choạc, giẻ cùi, quạ, quạ thông, quạ chân đỏ và chim bổ hạt. Chúng có kích thước từ trung bình tới lớn, với các chân và đuôi khỏe, mỏ cứng.

Giẻ cùi bụng vàng dài 34–35 cm. Màu lông đặc sắc: cả trống và mái đều sặc sỡ với nhiều màu đa dạng, nổi bật thêm với mỏ và chân đỏ tươi; tạo phấn khởi cho những ai may mắn quan sát được trong hoang dã. Đầu và lưng hoặc xanh ô-liu hoặc lam nhạt. Bụng màu vàng tươi hoặc lam nhạt, hoặc màu lục (như phân loài ở Trung Quốc).

Tuy có màu sắc sặc sỡ nhưng khó quan sát dưới tán cây, chỉ được nhận thấy khi chim lướt qua ở tầm thấp.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

gõ kiến gáy đỏ, gõ kiến nhỏ sườn đỏ – great spotted woodpecker (Dendrocopos major)

Thuộc Họ Gõ kiến (Picidae) gồm khoảng 200 loài có chân khỏe, đuôi cứng và ngắn thích nghi với việc bám vào thân cây. Chim có mỏ khỏe dùng để khoét lỗ ở cây tìm kiếm côn trùng, chúng có thể gõ vào thân cây với gia tốc gấp 10 lần gia tốc trọng trường. Hầu hết chim gõ kiến sống trong rừng hoặc các khu vực nhiều cây cối, riêng một số loài sống trên các triền đồi nhiều đá hoặc trên sa mạc.

24 cm. Bộ lông chủ yếu có hai màu đen và trắng với hai mảng trắng lớn trên vai cánh. Thân dưới màu nâu nhạt, bụng dưới và bao dưới đuôi có màu đỏ. Trống: đỉnh đầu đen, gáy đỏ. Mái: đỉnh đầu đen tuyền. Chim non: đỉnh đầu đỏ.

Sinh cảnh: Rừng thường xanh độ cao khoảng từ 1.000 đến gần 2.750 mét. Làm tổ ở hốc cây, đẻ 3 trứng.

Định cư ở Cúc Phương; hiếm. Có thể có quần thể di cư ở vùng Đông-Bắc.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

gõ kiến xanh cổ đỏ – red-collared woodpecker (Picus rabieri)

Thuộc Họ Gõ kiến (Picidae).

30 cm. Bộ lông màu lục; gáy và vòng cổ màu đỏ. Chim trống đỉnh đầu đỏ. Mỏ đen, gốc mỏ dưới vàng. Chân xám xanh nhạt.

Sinh cảnh: rừng thường xanh và vùng cây bụi thứ sinh. Gặp đến độ cao khoảng 700 mét.

Định cư ở Cúc Phương, Phong Nha–Kẻ Bàng.

Không phổ biến.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

gõ kiến xanh hông đỏ – black-headed woodpecker (Picus erythropygius)

Thuộc Họ Gõ kiến (Picidae).

Không hiểu sao tên điểu học tiếng Việt chỉ ra “hông đỏ” trong khi người tổng hợp bài này không thể tìm ra hình ảnh nào cho thấy hông đỏ. Mặt khác, tên điểu học tiếng Anh đúng hơn: tất cả hình ảnh cho thấy đầu đen.

Loài có kích thước lớn trong nhóm gõ kiến (khoảng 33 cm). Chim mái có đầu đen với sọc dài xuống đến gáy, cổ và hai bên gáy màu vàng chanh, thân trên màu xanh ô-liu và thân dưới trắng mờ với nhiều vảy nâu. Chim trống tương tự chim mái nhưng có mảng đỏ trên đỉnh đầu.

Sinh cảnh: rừng nhiệt đới ẩm ở đai thấp, rừng ôn đới và cận ôn đới.

Được tìm thấy ở Cúc Phương, Yok Đôn; hiếm.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

hoét xanh – blue whistling thrush (Myophonus caeruleus)

Thuộc Họ Đớp ruồi (Muscicapidae), gồm các loại chim nhỏ sống trên cây, ăn sâu bọ, làm tổ trong hốc cây. Phần lớn có giọng hót yếu và tiếng kêu khàn khàn. Tổ của phần lớn các loài hình chén được xây dựng cầu kỳ trên cây hay hàng rào.

30-35 cm. Khi ánh sáng tốt, có thể nhìn rõ lông màu lam từ tươi đến sẫm và nhiều đốm trắng lấp lánh ánh thép ở mặt trên, nhưng trong bóng râm chỉ thấy màu lam pha xám, thậm chí màu đen. Bụng và phần dưới đuôi cùng màu nhưng không có điểm trắng; cánh có tông màu xanh da trời hơi khác so với thân. Mỏ vàng, sống mỏ trên màu đen. Trống và mái giống nhau. Chim non màu đen xỉn, mỏ màu vàng nhạt. Đuôi thường xòe hình quạt.

Thường hoạt động vào lúc hoàng hôn hoặc bình minh.

Tiếng kêu: Tiếng huýt sáo vọng xa; và có tiếng hót cao the thé vào mùa xuân.

Đây là là loài chim di cư tới Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, định cư từ Nam Trung Bộ tới Nam Bộ. Phân bố không phổ biến.

Loài quý do thẩm mỹ và giá trị nguồn gien, và cũng do khá hiếm.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

hút mật đỏ, hút mật xác pháo – crimson sunbird (Aethopyga siparaja)

Thuộc Họ Hút mật (Nectariniidae). Họ này gồm 132 loài chim nhỏ đã biết trong 15 chi, có tên gọi chung trong tiếng Việt là hút mật, bắp chuối. Phần lớn các loài hút mật có thức ăn là mật hoa, mặc dù chúng cũng ăn cả sâu bọ, đặc biệt là khi nuôi chim non. Quả cũng là một phần thức ăn của một số loài. Chúng bay nhanh và thẳng bằng hai cánh ngắn.

Đôi khi có thể vừa bay lơ lửng trên không vừa hút mật như chim ruồi, nhưng phần lớn phải đậu trên cành cây để hút mật hoa.

Kích thức khá nhỏ, chỉ chừng 11 cm. Mỏ cong với chiều dài trung bình, và đầu lưỡi có hình dáng như chiếc bút lông; cấu trúc mỏ và lưỡi như thế tỏ ra hiệu quả trong việc hút mật hoa. Trống: ngực màu đỏ thẫm, lưng nâu sậm, đỉnh đầu và đuôi xanh đậm, bụng xám. Mái: lưng màu xanh ô liu, ngực vàng, chóp ngoài lông đuôi màu trắng.

Mỗi lứa đẻ 2-3 trứng trong một tổ treo trên cây.

Sinh cảnh: rừng mưa, vườn tược.

Được tìm thấy ở Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

Hút mật đỏ là loài quốc điểu của Singapore. Loài có giá trị thẩm mỹ, và hiếm ở Việt Nam.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

khướu đầu đen – black-hooded laughingthrush (Garrulax milleti)

Thuộc Họ Kim oanh (Leiothrichidae) trong Bộ Sẻ (Passeriformes), được tách ra từ Họ Khướu (Timaliidae).

30 cm. Chim trưởng thành đầu, họng và phần trên ngực màu đen; mào lông ngắn; miếng da trần sau mắt xanh da trời; ngực, hai bên cổ và sau cổ có dải màu trắng. Mỏ đen.

Sinh cảnh: Rừng thường xanh, kể cả rừng hỗn giao gỗ và tre nứa.

Định cư ở Cao nguyên Đà Lạt, Cao nguyên Kon Tum. Độ cao phân bố từ 900-1.500m.

Có tài liệu ghi là loài đặc hữu của Việt Nam nhưng không hẳn vậy: IUCN cho biết loài này hiện diện phổ biến ở các tỉnh Xe Kong và Attapu của Lào.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

khướu đầu đen má xám – collared laughingthrush (Trochalopteron yersini)

Thuộc Họ Kim oanh (Leiothrichidae).

Tên loài chim này được đặt theo BS Alexandre Emile Jean Yersin (1863–1943), quốc tịch Thụy Sĩ và Pháp, được người Việt trìu mến gọi là “Ông Năm”, người tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch và khám phá tiềm năng vùng Đà Lạt năm 1983 để sau đó làm nơi nghỉ dưỡng và du lịch, sau khi qua đời gửi thân xác ở Nha Trang.

28 cm. Bộ lông đẹp: đầu đen, họng và má xám bạc; ngực phần trên, bụng, vòng cổ và lưng trên màu nâu gỉ sắt. Cánh màu vàng nghệ với lông bao cánh màu đen; đuôi nâu với mép gốc đuôi vàng-nghệ; phần còn lại trên cơ thể màu xám; dưới bụng và lông bao dưới đuôi màu nâu.

Xem Thêm:  Top 5 kem chống nắng giá rẻ mà tốt dành cho học sinh

Phân bố: định cư ở Dak Lak (Khu bảo tồn Chư Yang Sin), Lâm Đồng. Độ cao phân bố trên 2000 mét.

Nơi sống: Dưới tán rừng thường xanh cây lá rộng hoặc cây lá kim núi cao.

Loài đặc hữu của Việt Nam, hiếm trong vùng phân bố.

Phân hạng bảo tồn: Sách Đỏ Việt Nam hạng EN, CITES không phân hạng, IUCN hạng EN.

khướu đuôi cụt – white-throated wren babbler (Rimator pasquieri)

Thuộc Họ Chuối tiêu (Pellorneidae).

Trước đây loài này được xem là cùng loài với long-billed wren babbler (Rimator malacoptilus), nhưng đã được tách ra thành loài riêng biệt và trở thanh loài đặc hữu của Việt Nam.

Họng trắng. Đầu, lưng, đuôi và cánh màu nâu sậm; đỉnh đầu và lưng có những vằn nâu nhạt. Bụng màu nâu hạt dẻ.

Sinh cảnh: rừng núi ẩm, rừng lá rộng thường xanh.

Phân bố hẹp và rất hiếm, chỉ tìm thấy định cư từ độ cao trên 2000 m ở vùng núi Fansipan (Lào Cai) và Mù Cang Chải (Yên Bái).

Phân hạng bảo tồn: Sách Đỏ Việt Nam hạng EN, CITES không phân hạng, IUCN hạng EN.

Thuộc Họ Kim oanh (Leiothrichidae).

26–28 cm. Bộ lông đẹp tuyệt vời! Đính đầu màu cam, mặt xám nhạt, cánh và đuôi từ đỏ pha cam đến đỏ sậm, ngực xám đều hoặc có đốm sậm, còn lại màu xám sậm hoặc xanh ô-liu.

Định cư ở Sa Pa, Fansipan Mt, Cao nguyên Kon Tum.

Loài chim quý vì có giá trị thẩm mỹ cao.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

Thuộc Họ Kim oanh (Leiothrichidae). Người nuôi chim ở Đà Lạt gọi loài chim này là chim bông cúc.

Ghi chú: Trước đây khướu hông đỏ Việt Nam được xếp là một phân loài của khướu hông đỏ – Himalayan cutia (Cutia nipalensis), sau này được nâng lên thành một loài. Hai loài có sắc lông rất giống nhau nhưng diện tích phân bố tách biệt với nhau. Một số nguồn cũ vẫn ghi hai loài chung với nhau là khướu hông đỏ – Himalayan cutia (Cutia nipalensis).

Khác với tên điểu học, các ảnh tìm được không cho thấy hông đỏ. Dài 17-19 cm. Vóc dáng thô kệch, di chuyển vụng về. Trống: đỉnh đầu và cánh màu lam pha xám, mặt đen, phần trên màu cam và đen, phần dưới màu trắng có những vạch đen gợn sóng rõ rệt. Mái: màu nhạt hơn nhiều, đầu nâu sẫm, lưng có những vệt nâu rộng.

Sinh cảnh: rừng lá rộng và rừng thông vùng núi đồi ẩm nhiệt đới.

Khướu hông đỏ Việt Nam định cư ở Cao nguyên Đà Lạt và VQG Chu Yang Sin. Có nguồn ghi khướu hông đỏ Việt Nam là loài đặc hữu của Việt Nam, nhưng Wikipedia cho biết loài này còn được tìm thấy ở Lào.

Sau khi được tách ra khỏi loài khướu hông đỏ – Himalayan cutia (Cutia nipalensis) và xếp thành loài khướu hông đỏ Việt Nam, người ta thấy loài mới có phân bố hẹp vì thế bị đe dọa nguy cấp.

Xem thêm :  Cách làm sữa chua phô mai dẻo mịn ngon ngất ngây

Tiếng hót: thường do chim trống, từng chuỗi huýt sáo giống nhau nghe như ‘huýt-u-u huýt-u-ù’ hoặc ‘huýt-tu-huýt huýt-tu-huýt’, ‘huýt-tu-ù huýt-tù-u’, lặp đi lặp lại sau mỗi 3-5 giây, có khi một con đáp lại tiếng một con khác từ xa, rồi hai con thay phiên hót đối đáp nhau.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

khướu Kon Ka Kinh, khướu tai hung – chestnut-eared laughingthrush (Garrulax konkakinhensis)

Thuộc Họ Khướu (Timaliidae), là một họ lớn của phần đông các loài chim dạng sẻ ở Cựu thế giới. Trên thế giới có 254 loài khướu; Việt Nam có 95 loài. Khướu được nuôi và biết nhiều nhất là khướu bạc má hoặc khướu bách thanh (Garrulax chinensis), khướu mun (Garrulax chinensis lugens) và khướu đầu trắng hoặc bồ chao (Garrulax lexcholophus).

Các loài khướu đa dạng về kích thước và màu sắc, nhưng có đặc trưng chung là bộ lông mềm và xốp như bông. Phần lớn các loài khướu, trống và mái có bộ lông và vóc dáng giống nhau.

Đây là các loài chim của khu vực nhiệt đới, với sự đa dạng lớn nhất ở Đông Nam Á. Những loài chim này có chân khỏe, và nhiều loài sống hoàn toàn trên mặt đất. Nhóm này không là chim di trú rõ nét và phần lớn các loài có cánh ngắn, thuôn tròn, bay yếu. Sự đa dạng hình thái khá cao; phần lớn các loài tương tự như chích, giẻ cùi hay hoét. Nhiều loài vẫn còn được phát hiện gần đây. Có tiếng hót hay và vang xa, đồng thời cũng có thể bắt chước được một số giọng hót đa dạng khác. Vì thế, nhiều loài khướu bị săn bắt ráo riết để làm chim cảnh.

Khướu Kon Ka Kinh được phát hiện cho khoa học trong thập kỷ 1990 tại VQG Kon Ka Kinh, Gia Lai, sau đó còn được tìm thấy ở Cao nguyên Kon Tum và ở Lào.

22 cm. Bộ lông đẹp. Có vẻ ngoài rất giống với khướu cằm hung (Garrulax rufogularis) đã được phát hiện ở vùng Tây-Bắc.

Sinh cảnh: tầng thấp của rừng thường xanh trên núi cao ẩm ướt nhiệt đới hay cận nhiệt đới, độ cao khoảng 1600-1700 m.

Đang bị đe dọa do mất môi trường sống.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng VU.

khướu mỏ dài – Indochinese wren-babbler, short-tailed scimitar-babbler (Napothera danjoui, Jabouilleia danjoui)

Thuộc Họ Chuối tiêu (Pellorneidae).

23 cm. Mỏ dài, hơi cong, màu xám sừng; họng, ngực trên và bụng trắng; ngực nâu hung với vạch và điểm màu hung vàng; hai bên cổ nâu hung; trên lưng có một vài vạch. Đuôi rất ngắn. Chân nâu hồng.

Sinh cảnh: rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh hỗn giao với tre nứa. Độ cao phân bố khác nhau tùy từng vùng, 1500-2100 m ở miền Trung và Tây Nguyên. Thường kiếm ăn trên mặt đất hoặc rất thấp trong rừng ở những nơi trên mặt đất có lẫn đá; thường gặp đơn hoặc đi cặp đôi.

Được tìm thấy ở Cúc Phương, Phong Nha–Kẻ Bàng, Bạch Mã, Cao nguyên Đà Lạt, Cao nguyên Kon Tum.

Loài đặc hữu và hiếm của Việt Nam và Lào. Có giá trị khoa học.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

khướu mỏ vẹt đầu đen – black-headed parrotbill (Psittiparus margaritae)

Ghi chú: các tài liệu ghi “mỏ dẹt” trong khi phải là “mỏ vẹt”: mỏ không phải có hình dẹt, mà giống mỏ các loài vẹt, đúng theo nghĩa tên điểu học tiếng Anh.

Thuộc Họ Khướu mỏ vẹt (Paradoxornithidae), là một nhóm chim kỳ dị, bản địa khu vực Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á, mặc dù các quần thể hoang dã thoát khỏi thuần hóa cũng có thể có ở những nơi khác. Chúng là những loài chim nhỏ, đuôi dài, sinh sống trong các cánh đồng lau sậy và các môi trường sống tương tự. Chúng chủ yếu ăn các loại hạt, như hạt cỏ, vì thế mà mỏ của chúng, như trong tên gọi bằng tiếng Anh của chúng (parrotbill = mỏ vẹt) ngụ ý, đã thích nghi với kiểu thức ăn này. Sinh sống trong khu vực khí hậu nhiệt đới và ôn đới nên thông thường chúng là chim không di trú.

Khướu mỏ vẹt đầu đen có kích thước 15,5 cm. Định cư ở Cao nguyên Đà Lạt. Đến tháng 7/2020, không tìm thấy tài liệu Việt ngữ mô tả đặc tính sinh học của khướu mỏ vẹt đầu đen ở Việt Nam.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng VU.

khướu Ngọc Linh – golden-winged laughingthrus (Garrulax ngoclinhensis)

Thuộc Họ Khướu (Timaliidae).

Khướu Ngọc Linh là loài có kích thước trung bình trong nhóm khướu (khoảng 27 cm). Chim có phần lớn bộ lông màu xám đậm, đỉnh đầu màu nâu hạt dẻ, ngực có vảy đen, cánh đuôi màu vàng. Trống và mái giống nhau.

Loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố hẹp: định cư trên Cao nguyên Kon Tum ở cao độ trên 2000 m.

Loài được phát hiện cho khoa học và công bố năm 1999.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES không phân hạng, Sách Đỏ Việt Nam hạng VU, IUCN hạng EN.

khướu ngực hồng, khướu ngực hung – orange-breasted laughingthrush (Garrulax annamensis)

Thuộc Họ Kim oanh (Leiothrichidae).

Ban đầu được xếp là một phân loài của khướu ngực đốm – spot-breasted laughingthrush (Garrulax merulinus), nhưng hiện nay được xem là loài riêng biệt.

24–25 cm. Dải lông mày hẹp màu hung vàng nhạt. Trán, trước mắt, vòng quanh mắt, cằm họng và những vệt hình bầu dục hẹp ở ngực đen. Toàn bộ mặt lưng, hai bên đầu, sườn cánh và đuôi hung nâu phớt lục vàng. Ngực bụng và dưới đuôi hung vàng tươi. Mắt nâu hay nâu đỏ. Mỏ xám đen đôi khi viền trắng ở mép mỏ. Chân nâu.

Sinh cảnh: rừng thường xanh và cây bụi trên núi. Ăn các loài côn trùng. Hoạt động kiếm ăn thường vào lúc sáng sớm và chiều tối.

Loài đặc hữu của Việt Nam, không di cư.

Phân bố hẹp: chỉ ở Cao nguyên Đà Lạt với độ cao 915-1500 m.

Loài quý vì là đặc hữu và có giá trị thẩm mỹ.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

khướu tai bạc, lách tách má xám – silver-eared laughingthrush (Trochalopteron melanostigma)

Thuộc Họ Kim oanh (Leiothrichidae).

26 cm. Rìa lông quanh tai màu bạc. Đỉnh đầu và họng màu nâu hạt dẻ, cánh và đuôi vàng nghệ, còn lại màu xám nhạt, xám vừa hoặc xám pha nâu.

Loài quý do giá trị thẩm mỹ, và hiếm ở Việt Nam: chỉ gặp ở Tây Bắc (Sa Pa, Núi Fansipan)

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

khướu vằn đầu đen – black-crowned barwing (Actinodura sodangorum)

Thuộc Họ Kim oanh (Leiothrichidae).

Được mô tả cho khoa học lần đầu tiên ở Việt Nam (Eames, Le Trong Trai, Nguyen Cu & Eve, 1999).

24 cm. Bộ lông màu xám nâu. Vành mắt màu trắng. Đỉnh đầu có mào lông ngắn màu đen; gáy chuyển thành màu xám tro; vai, lưng, hông và bao trên đuôi nâu vàng; trên cánh và đuôi có vằn mảnh đen xen lẫn với vằn nâu vàng. Mút của các lông đuôi mặt dưới trắng. Họng và hai bên cằm có vệt đen. Phần còn lại của mặt dưới cơ thể và bao dưới đuôi màu hung nâu. Lông bao cánh nhỏ nâu vàng, lông bao cánh nhỡ nâu sẫm; lông bao cánh lớn vàng da cam nhạt. Mỏ đen sừng. Chân xám sừng.

Sinh cảnh: rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, bìa rừng, thảm cây bụi hoặc cỏ cao; độ cao 1100-2400 m. Thường gặp đơn lẻ hoặc có đôi.

Phân bố hẹp: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum và Quảng Nam).

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, Sách Đỏ Việt Nam hạng VU, IUCN hạng NT.

kim oanh mỏ đỏ, chim quế lâm – red-billed leiothrix (Leiothrix lutea)

Một trong những loài chim đẹp nhất thế giới: bộ lông là một tuyệt tác về màu sắc và đường nét mà ngôn từ không thể diễn tả hết!

15 cm, thân hình mập mạp, màu sắc sặc sỡ. Mỏ đỏ, họng vàng, ngực từ vàng-cam đến đỏ, cánh có các vệt đỏ và vàng, nhìn chung phía lưng có màu lục ô-liu.

Định cư ở Sa Pa, Núi Fansipan.

Sinh cảnh: cây bụi thứ sinh, cỏ và bụi rậm, đặc biệt thích ở vùng tre nứa rậm rạp; sống thành đàn nhỏ.

Thức ăn chủ yếu là các loại trái cây, như dâu tây, đu đủ chín, ổi. Ngoài ra, còn ăn côn trùng, động vật không xương sống

Siêng hót và hót khá hay.

Phân hạng bảo tồn: CITES Phụ lục II, IUCN hạng LC.

kim oanh tai bạc – silver-eared mesia (Leiothrix argentauris)

Còn được gọi là chim ngũ sắc, một trong những loài chim đẹp nhất Việt Nam, thuộc Họ Kim oanh (Leiothrichidae).

15-18 cm. “Ngũ sắc” là gồm các màu chính: trắng, đen/xám, vàng, đỏ và cam. Trống: nhiều màu nổi bật với mỏ vàng, đầu đen, má trắng, cổ và ngực trên màu cam, lưng xanh lá cây xám với mảng đỏ ở cánh và thân dưới màu xanh pha vàng. Mái: nhạt màu hơn, không có mảng đỏ trên cổ, gốc đuôi màu đỏ.

Định cư tương đối phổ biến ở độ cao trên khoảng 900 mét, đã thu mẫu ở ở Ba Vì, Tam Đảo, VQG Bạch Mã.

Sinh cảnh: cửa rừng, bãi cỏ và cây bụi thứ sinh. Sống thành từng đàn nhỏ, đôi khi đi cùng với họa mi.

Có tiếng kêu và hót với nhiều nhịp điệu.

Loài chim quý vì có giá trị thẩm mỹ cao, dần trở nên hiếm vì bị săn bắt mạnh làm chim lồng.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

Thuộc Họ Khướu (Timaliidae). Lúc trước được xem là phân loài của lách tách cánh nâu – rufous-winged fulvetta (Alcippe castaneceps, Schoeniparus castaneceps).

Kích thước trung bình trong nhóm lách tách: 12-13 cm. Đỉnh đầu màu xám hoặc nâu với nhiều sọc trắng đục, vạch trên lông mày rộng màu trắng, lông che tai đen, thân trên màu nâu olive (lông cánh đôi khi ngã nâu-cam) và thân dưới màu nâu nhạt. Trống và mái giống nhau.

Loài đặc hữu của Việt Nam. Định cư với phân bố hẹp: Cao nguyên Langbian. Gặp không thường xuyên.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

le khoang cổ – cotton pygmy-goose (Nettapus coromandelianus)

Thuộc Họ Vịt (Anatidae). Họ này bao gồm các loài vịt và các loài thủy điểu trông giống vịt nhất, chẳng hạn như ngỗng và thiên nga. Chúng là các loài chim đã tiến hóa để thích nghi với việc bơi lội, trôi nổi trên mặt nước và đôi khi lặn xuống ít nhất là trong các vùng nước nông.

Chúng có chân màng, mỏ dẹp nhiều hay ít. Bộ lông vũ chống thấm nước rất tốt nhờ một loại mỡ đặc biệt. Họ Anatidae đáng chú ý ở chỗ đây là một trong số ít các họ chim có dương vật; đây là cơ chế thích nghi cho việc giao phối trong nước. Các loại lông tơ, lông vũ mềm của vịt, vịt biển, ngỗng khá phổ biến để làm đệm trải giường, gối, túi ngủ và áo khoác. Nhiều thành viên trong họ này được sử dụng làm nguồn cung cấp thực phẩm cho con người.

Le khoang cổ là loài vịt nhỏ nhất: 32 cm. Trống: màu đen và trắng dễ thấy. Trống ngoài mùa sinh sản và con non có bộ lông giống con mái. Mái: màu nâu đậm hơn, vệt qua mắt màu sẫm và không có khoang cổ.

Loài định cư ở Xuân Thủy, Cát Tiên, Tràm Chim.

Sinh cảnh: vùng đồng cỏ, đầm lầy ven rừng, ao hồ, kênh rạch, sông và đồng lúa.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, Sách Đỏ Việt Nam hạng EN, IUCN hạng LC.

mi Núi Bà, mi Langbian – grey-crowned crocias (Crocias langbianis)

Chim có tên điểu học và tên khoa học như thế bởi lâu nay, người ta chỉ bắt gặp loài chim này ở duy nhất vùng Núi Langbian (Núi Bà) thuộc Lâm Đồng. Về sau, chim còn được tìm thấy ở một số vùng thuộc Đak Lak và ở Măng Đen (Kon Tum).

22 cm. Đỉnh đầu và gáy màu xám, hai bên ngực có các vạch nâu sẫm hoặc nâu chocolat kéo dài, bụng màu phớt trắng, đuôi xám với mút đuôi trắng, mỏ đen.

Thường kiếm ăn vào buổi sáng trong tán cây thấp tại sinh cảnh rừng lá rộng xen lẫn lá kim. Thức ăn là các loài sâu và côn trùng nhỏ.

Sinh cảnh cao nguyên hiện đang bị thu hẹp, khiến cho loài này hiếm dần trong những năm sau này.

Đây là loài đặc hữu của Việt Nam và có vùng phân bố hạn hẹp, vì thế là một trong những loài chim quý bậc nhất thế giới.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB, CITES không phân hạng, Sách Đỏ Việt Nam hạng EN, IUCN hạng EN.

mỏ rộng hồng – banded broadbill (Eurylaimus javanicus)

Thuộc Họ Mỏ rộng (Eurylaimidae), gồm gần 20 loài chim dạng sẻ nhỏ. Các loài chim này có màu sặc sỡ. Ăn quả cũng như côn trùng. Sống trong tán cây của các khu rừng ẩm ướt, vì thế mặc dù có màu sặc sỡ nhưng vẫn khó quan sát. Tổ của chúng là một kết cấu hình dáng như chiếc hầu bao trên cây. Thường đẻ 2–3 trứng.

Mỏ rộng hồng có thân dài 21–23 cm. Bộ lông có màu đặc sắc: đầu, cổ và bụng màu tím than; cánh và đuôi màu đen với những vệt rộng màu vàng.

Từng được phát hiện ở Cát Tiên, Tân Phú, Yok Đôn. Hiện trạng không rõ.

Đây là loài chim hiếm, lại quý do giá trị về thẩm mỹ.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

mỏ rộng xanh, mỏ rộng đuôi dài Himalayas – long-tailed broadbill (Psarisomus dalhousiae)

Thuộc Họ Mỏ rộng (Eurylaimidae), loài duy nhất trong Chi Psarisomus.

25 cm. Bộ lông có màu đặc sắc: lưng và cánh màu xanh lá; bụng màu xanh đọt chuối; đuôi xanh lam mặt trên, đen mặt dưới; họng vàng; đỉnh đầu và cổ đen, thêm một vòng màu vàng quanh cổ.

Sinh cảnh: rừng các loại. Thường đi theo đoàn, ồn ào. Ăn côn trùng.

Làm tổ trên cây. Đẻ mỗi lứa 5-6 trứng. Cả bố mẹ đều ấp trứng và nuôi con.

Định cư ở Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Phong Nha–Kẻ Bàng, Bạch Mã, Cao nguyên Đà Lạt, Cao nguyên Kon Tum.

Đây là loài chim quý do giá trị về thẩm mỹ.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

ngan cánh trắng – white-winged duck (Asarcornis scutulata)

Thuộc Họ Vịt (Anatidae), là một họ bao gồm các loài vịt và các loài thủy điểu trông giống vịt nhất, chẳng hạn như le le, ngỗng và thiên nga. Chúng đã tiến hóa để thích nghi với việc bơi lội, trôi nổi trên mặt nước và đôi khi lặn xuống ít nhất là trong các vùng nước nông. Các loài trong họ này dao động về kích thước từ 26,5 cm tới 183 cm. Chúng có chân màng và mỏ dẹp nhiều hay ít. Bộ lông vũ của chúng chống thấm nước rất tốt nhờ một loại mỡ đặc biệt. Các loại lông tơ, lông vũ mềm của vịt, vịt biển, ngỗng khá phổ biến để làm đệm lớp cách nhiệt cho áo mùa đông, cũng như lớp đệm trải giường, gối, túi ngủ…

Ngan cánh trắng có thân dài 66–81 cm, sải cánh 116–153 cm. Bộ lông màu đen nhạt, phần đầu và cổ trên màu trắng. Khi bay nhìn rõ phía trên có cánh đen, bao cánh nhỏ trắng. Mỏ và ngón chân có màu vàng đến màu cam. Trống: mắt màu đỏ. Mái: thân nhỏ hơn, mắt màu nâu.

Sinh cảnh: đầm lầy nước ngọt hoặc rừng ven sông suối. Có thể gặp ở độ cao tới 1500 m. Ghép thành đôi hoặc thành gia đình trong mùa sinh sản. Ban ngày ở trong rừng, ban đêm mới ra đầm lầy hoặc suối để kiếm ăn.

Đẻ trong hốc cây to và già. Thức ăn chính là một số loại hạt, côn trùng, giun, cá nhỏ, đôi khi cả nhái.

Hiếm: hiện chỉ còn thấy tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES không phân hạng, Sách Đỏ Việt Nam hạng CR, IUCN hạng EN.

nhát hoa lớn – greater painted-snipe (Rostratula benghalensis)

Thuộc Họ Nhát hoa (Rostratulidae) gồm 3 loài chim có tập tính đi trong nước ngập để kiếm ăn.

Loài nhát hoa có những điểm đặc biệt như thể chim trống và chim mái hoán đổi đặc điểm và vai trò cho nhau:

  • chim mái có bộ lông nhiều màu sắc hơn và có kích thước cơ thể lớn hơn một chút;
  • chim mái chủ động dụ dỗ chim trống để giao phối;
  • chim mái có thể giao phối với nhiều chim trống;
  • chim trống phụ trách ấp trứng, dẫn con non đi kiếm ăn, và khi gặp nguy cấp giấu con non dưới đôi cánh để mang đến nơi an toàn.

24 cm. Dễ phân biệt. Đỉnh đầu có sọc màu nâu sẫm. Mái: đầu, cổ và ngực màu nâu tươi trừ vòng trắng quanh mắt; nhiều đốm trắng ở mặt. Trống: bản sao nhạt màu của chim mái, riêng đầu, cổ và ngực khác hẳn vì có màu xám, lưng có nhiều hoa văn.

Thường vẫy đuôi. Nhút nhát, thích lẩn tránh trong bụi lau sậy, cỏ nước. Khó xua cho bay lên, và khi bay lên từ mặt đất thì đôi chân thõng xuống, trông có vẻ nặng nề. Khi bay để lộ các đốm trắng hình ô van ở hai bên đuôi.

Đi kiếm ăn lúc hoàng hôn, tập hợp thành đàn nhỏ một vài con. Dùng mỏ để tìm thức ăn dưới lớp bùn: côn trùng, tôm cua, loài nhuyễn thể, và hạt cây cỏ.

Sinh cảnh: đầm lầy có cây gỗ, đồng ruộng.

Dùng cọng cỏ và lá cây để làm tổ trên bờ nước

Định cư ở vài nơi ngoại trừ Bắc Trung Bộ nhưng không phổ biến, đặc biệt được tìm thấy ở Cát Tiên.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

nhàn bụng đen – black-bellied tern (Sterna acuticauda)

Thuộc Họ Mòng biển tức Hải âu (Laridae). Phần lớn mòng biển thuộc về chi lớn là Larus. Chúng là các loài chim có kích thước từ trung bình tới lớn, thường có màu xám hay trắng, với các đốm đen trên đầu hay cánh. Chúng có mỏ dài và khỏe, chân có màng bơi.

Phần lớn mòng biển, cụ thể là chi Larus, là các loài chim ăn thịt sống (cua và cá nhỏ) hay xác chết tùy theo cơ hội, làm tổ trên mặt đất, chúng. Các loài lớn cần tới 4 năm để có được bộ lông của chim trưởng thành, nhưng các loài mòng biển nhỏ chỉ mất hai năm.

Các loài mòng biển lớn có tài xoay xở và có trí thông minh cao, có thể thể hiện các phương thức liên lạc phức tạp và có cấu trúc xã hội phát triển cao. Nhiều loài mòng biển đã được dạy thành công để cùng sống với con người và có sự phát triển tốt khi sống trong môi trường sống có con người. Các loài khác dựa trên việc cướp mồi của chim khác để có thức ăn.

Nhàn bụng đen có kích thước 30 cm. Mùa hè: Mỏ vàng, họng và vùng má màu trắng, bụng và lông bao dưới đuôi màu đen, đuôi xẻ sâu; chân màu da cam; vằn trên cánh màu trắng. Mùa đông: Mỏ vàng nhạt, phần chóp mỏ tối màu; trên mép cánh không có vệt đen; phiến lông ngoài cùng của lông đuôi màu trắng; các lông phía trong màu tối; chân vàng da cam tối. Chim non: Giống như màu lông về mùa đông nhưng trên lưng có điểm nâu sẫm hoặc đen nhạt.

Sinh cảnh: Sông, hồ, đầm phá, cửa sông ven biển.

Trước đây định cư khá phổ biến ở đồng bằng và ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, nhưng giờ hiếm gặp.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng EN.

niệc cổ hung – rufous-necked hornbill (Aceros nipalensis)

Thuộc Họ Hồng hoàng tức Họ Mỏ sừng (Bucerotidae), gồm 57 loài trên thế giới, Việt Nam có 7 loài của các nhóm cao cát, hồng hoàng, niệc. Đặc điểm dễ nhận là mỏ rất to, cong xuống và thường có màu tươi sáng. Các loài trong Họ Hồng hoàng có đốt sống cổ thứ nhất và thứ hai dính liền nhau, có lẽ để giúp cổ mang chiếc mỏ được dễ dàng hơn. Có tập tính sống thành bầy trong việc kiếm ăn (có thể đến vài chục con) và làm tổ (có thể đến vài trăm con). Ăn tạp: các loại quả, côn trùng và động vật nhỏ.

Nhiều loài chim Họ Hồng hoàng ở Châu Á bị đe dọa do mất môi trường sống, vì chúng có xu hướng yêu cầu rừng nguyên sinh và cần có diện tích rộng để tìm thức ăn. Một nguyên nhân khác bắt nguồn từ tập tính của chim mái: trước khi đẻ trứng tìm một hốc cây rồi dùng bùn đất, phân và quả có nước tạo thành một thứ vữa để bịt gần kín lỗ ra vào, chỉ chừa một khe hẹp cho chim trống mớm thức ăn. Chim mẹ tự giam mình như thế trong tổ suốt thời gian ấp trứng, đẻ trứng và chăm sóc con non. Tất cả mẹ con tùy thuộc vào chim trống mang thức ăn về. Người ta có thể quan sát phân và thức ăn thừa vương vãi dưới một gốc cây mà biết có tổ chim thuộc Họ Hồng hoàng trên cây đó, và có thể bắt dễ dàng cả chim mẹ và chim non. Hoặc người ta đánh bắt được chim trống ở đâu đó khiến cho cả chim mẹ và các con non chết đói trong tổ.

Về loài hồng hoàng – great hornbill (Buceros bicornis), xem Diệp Minh Tâm (2020b).

Niệc cổ hung dài 90–100 cm. Bộ lông nhìn chung màu hung và đen; mút lông cánh sơ cấp màu trắng; nửa cuối đuôi màu trắng. Trống: Mỏ vàng, không có mũ trên mỏ; túi cổ màu đỏ; đầu, cổ và ngực hung đỏ; bụng màu hạt dẻ. Mái: Đầu, cổ và phần trên cơ thể màu đen. Da mặt màu xanh nhạt.

Sinh cảnh sống: Rừng thường xanh, trên độ cao khoảng 600-1.800 mét. Tổ làm ở hốc cây, đẻ 1-2 trứng.

Định cư với số lượng rất ít ở Tây-Bắc: Lai Châu (Mường Muôn), Lào Cai (núi Hoàng Liên Sơn, Sa Pa); và Bắc Trung Bộ: Nghệ An (Pù Mát).

Loài này vừa quý do giá trị thẩm mỹ vừa hiếm.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES Phụ lục I, Sách Đỏ Việt Nam hạng CR, IUCN hạng VU.

niệc mỏ vằn – wreathed hornbill (Rhyticeros undulatus)

Thuộc Họ Hồng hoàng tức Họ Mỏ sừng (Bucerotidae).

75–85 cm. Cả trống và mái: bộ lông màu đen, trừ đuôi có màu trắng, chân màu xám đen. gốc mỏ có màu đỏ, mắt vàng cam hay đỏ, da quanh mắt màu hồng hay vàng đỏ với vằn ngang lam hay lục. Trống: đỉnh đầu màu nâu tím, mắt vàng cam hay đỏ, mỏ trắng ngà, mỏ sừng to, trên sống mỏ và gốc mỏ có gờ gợn sóng, đỉnh đầu màu nâu tím, hai bên đầu và cổ trắng, họng có túi da mầu vàng-cam tươi. Mái: đỉnh đầu màu đen, mắt nâu, da quanh mắt màu hồng thẫm, họng có túi da màu lam ánh vàng. Chim non: mỏ không có gờ.

Thường chỉ thấy ấp một con. Thức ăn chủ yếu là các loại quả cây (loại quả thịt) trong rừng, ngoài ra côn trùng chiếm khoảng 5% số lượng thức ăn.

Sinh cảnh: rừng thường xanh ẩm nguyên hoặc thứ sinh ít bị khai thác ở các thung lũng, vùng đồi núi cao 100-1500m và cả rừng ngập mặn.

Một số khu vực ở Trung Bộ và Nam Bộ thường chỉ gặp đàn nhỏ 3-5 con, đôi khi có thể gặp đàn lớn đến gần hai chục con. Số lượng cá thể ít, vùng phân bố bị thu hẹp nhanh và bị săn bắt bừa bãi.

Tuy có mặt ở một số khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia ở vùng Tây-Bắc, Trung Bộ và Nam Bộ nhưng việc bảo vệ chưa có hiệu quả cao và việc hồi phục số lượng rất chậm.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES Phụ lục II, Sách Đỏ Việt Nam hạng VU, IUCN hạng VU.

Thuộc Họ Hồng hoàng tức Họ Mỏ sừng (Bucerotidae).

74 cm. Chim trưởng thành có kích thước nhỏ hơn các loài cùng họ. Bộ lông nhìn chung có màu nâu đến nâu tối; bụng nhạt hơn. Họng trắng. Lông đuôi và cánh sơ cấp có đầu mút trắng. Cằm, hai bên cổ, trước cổ và trên ngực trắng phớt hung. Mỏ nâu vàng nhạt ở chim đực và nâu ở chim mái; mũ mỏ nhỏ. Da vòng quanh mắt xanh nước biển. Chim non giống chim cái nhưng phần dưới cơ thể màu nâu xám sẫm; mút lông cánh không có màu trắng.

Định cư không phổ biến ở Phong Nha–Kẻ Bàng, Bạch Mã, Cao nguyên Kon Tum; độ cao phân bố đến khoảng 1.500 mét.

Sinh cảnh: Rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh, rừng rụng lá và nửa rụng lá, rừng hỗn giao. Tổ làm trong hốc cây, đẻ 2-5 trứng.

Loài này vừa quý do tính thẩm mỹ vừa hiếm.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES Phụ lục II, Sách Đỏ Việt Nam hạng VU; IUCN hạng NT.

nuốc bụng đỏ – red-headed trogon (Harpactes erythrocephalus)

Thuộc Họ Nuốc (Trogonidae), có 44 loài.

34 cm. Bộ lông nhìn chung có màu nâu đỏ. Chim mái và chim trống đều có một hình lưỡi liềm trắng ở ngang trên ngực. Khi bay dễ thấy lông đuôi ngoài màu trắng. Trống: Đầu mỏ tối và phần thân dưới màu đỏ tươi. Có nhiều sọc lượn sóng màu xám ở lông bao cánh. Mái: Đầu và ngực trên có màu nâu nhạt, đuôi ngắn hơn. Có những vằn lượn sóng màu nâu sẫm ở lông bao cánh.

Sinh cảnh: Các vùng rừng. Thường làm tổ trong hốc cây khô, ở độ cao cách mặt đất 2-3 mét, đẻ 2-4 trứng.

Định cư ở Ba Vì, Tam Đảo, Ba Be, Cúc Phương, Phong Nha–Kẻ Bàng, Bạch Mã, Cao nguyên Kon Tum, Cao nguyên Đà Lạt; tới độ cao 2600 mét.

Đây là loài chim quý vì lý do thẩm mỹ và nguồn gen.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

nuốc đuôi hồng – Ward’s trogon (Harpactes wardi)

Thuộc Họ Nuốc (Trogonidae).

Đây là loài nuốc lớn nhất trong số các loài trong họ: dài 38 cm, hình thái trông mập mạp. Trống: phần trên cơ thể màu tím với cánh màu tím than sáng bóng (cũng có khi màu xám-đen, không đẹp như trong ảnh); họng và ngực đen; lông mày ngắn, màu đỏ nhạt; trên ngực không có vòng viền trắng; mặt dưới các lông đuôi màu đỏ thẫm. Mái: phần trên cơ thể, họng và ngực màu xám đen; lông mày ngắn, màu vàng; trên cánh không có vằn. Mặt dưới các lông đuôi màu vàng.

Sinh cảnh: Các loại rừng vùng đồi núi: rừng thường xanh, rừng mưa nhiệt đới, rừng tre.

Thức ăn chủ yếu là côn trùng, cũng ăn thêm quả mọng và hạt.

Hiếm. Đã lâu không có ghi nhận ở Việt Nam kể từ khi chúng được phát hiện, tuy nhiên, có thể vẫn còn phân bố hẹp ở một nơi nào đó trong dãy Hoàng Liên Sơn.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

oanh đuôi cụt lưng xanh – orange-flanked bush robin, blue-tailed robin (Tarsiger cyanurus)

Thuộc Họ Đớp ruồi (Muscicapidae).

15 cm. Trống và mái đều có sườn màu da cam hung, đuôi màu xanh. Chim trống trưởng thành có màu xanh biếc phía lưng. Chim mái và chim non: màu ô liu phía trên, họng trắng dễ nhận.

Loài di cư từ Bắc Bộ đến Kon Tum, ít gặp.

Sinh cảnh sống: Vùng cây bụi thứ sinh và dưới tán rừng. Làm tổ vùng núi cao. Sống ở tầng thấp của rừng cây gỗ thưa.

Loài quý do giá trị thẩm mỹ và hiếm.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

oanh lưng xanh – Siberian blue robin (Larvivora cyane)

Thuộc Họ Đớp ruồi (Muscicapidae).

15 cm. Đuôi ngắn và không vểnh lên như ở các loài oanh khác, mà thế nằm ngang, chỉ đập rất nhanh khi có tác động từ ngoài. Chân màu nhợt nhạt. Trống: Phía lưng màu xanh sẫm, có sọc đen rộng, phía bụng trắng. Mái: Phía lưng nâu xám, hông và đuôi màu xanh nhợt, phía bụng màu trắng có vẩy nâu nhạt ở ngực. Trống non: Giống như mái, song trên lưng có đốm xanh. Mái non: Có thể thiếu các vết xanh nhạt, vằn ở cánh màu nâu sẫm.

Loài di cư đến khắp các vùng trong cả nước, gặp tương đối phổ biến.

Sinh cảnh: Rừng thứ sinh và cây bụi dưới tán rừng.

Loài quý do giá trị thẩm mỹ.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

ô tác Bengal, công đất – Bengal florican (Houbaropsis bengalensis)

Thuộc Họ Ô tác (Otididae), gồm những loài chim ăn tạp và chim cơ hội, ăn các loại lá, chồi, hạt, quả, động vật không xương sống và động vật có xương sống nhỏ. Chúng đi lại vững vàng trên đôi chân to khỏe có các ngón lớn trong khi tìm kiếm thức ăn. Chúng có cánh dài và rộng, với các đầu cánh giống như các ngón tay với kiểu bay nổi bật, nhưng phần lớn các loài ưa thích đi hoặc chạy hơn là bay. Nhiều loài có cách thức thể hiện mời gọi bạn tình lạ mắt, như phình to túi cổ họng hay dựng đứng các mào lông trau chuốt tỉ mỉ.

Làm tổ trên mặt đất bằng cách cào bới vào lòng đất, khiến cho trứng và con non rất dễ bị tổn thương trước những kẻ săn mồi. Mỗi lứa đẻ 3-5 trứng lốm đốm sẫm màu. Chim mái ấp trứng một mình. Ngoài mùa sinh sản, ô tác thích sống thành đàn, nhưng chúng rất thận trọng và rất khó tiếp cận trong khu vực sinh sống thoáng đãng mà chúng ưa thích.

Ô tác Bengal dài 66–69 cm. Đây là loài ô tác duy nhất có mặt tại Việt Nam.

Trống: từ đầu đến cổ sắc đen, lông vũ ở bụng cũng màu đen nổi vân “chữ chi” màu nâu, cánh màu trắng, lưng màu nâu vàng với nhiều vệt đen lớn. Mái và chim con: màu nâu vàng pha lẫn màu đen. Mái lớn hơn trống.

Sinh cảnh: đồng cỏ cao.

Chúng chạy nhanh và cất cánh dễ dàng.

Phân bố ở hai khu vực rõ rệt: Nam Á (bán lục địa Ấn Độ) và Đông Nam Á, chủ yếu tại Campuchia và Việt Nam (đồng bằng Sông Mekong).

Rất hiếm: đã lâu không còn ghi nhận ở Việt Nam, lần ghi nhận gần nhất có lẽ là năm 1996 tại VQG Tràm Chim. Ô tác Bengal là loài ô tác hiếm nhất trong các loài ô tác trên thế giới, được bảo vệ ở Việt Nam và toàn thế giới.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES Phụ lục I, Sách Đỏ Việt Nam hạng CR; IUCN hạng CR.

phướn đất – coral-billed ground cuckoo (Carpococcyx renauld)

Thuộc họ Cu cu (Cuculidae), gồm những loài có tên bắt cô trói cột, bìm bịp (chi Centropus) chèo chẹo, chẹo đất (chi Geococcyx), cu cu, phướn (chi Phaenicophaeus), tu hú (chi Eudynamys), v.v.

Các loài trong Họ Cu cu có kích thước khác nhau, từ 15 cm tới 63 cm, với thân hình mảnh dẻ, đuôi dài và chân khỏe. Chân của chúng dạng bốn ngón với hai ngón giữa hướng về phía trước và hai ngón ngoài hướng về phía sau (zygodactyly). Phần lớn các loài sống trong rừng, nhưng một số loài ưa thích các khu vực thoáng vùng nông thôn. Phần lớn ăn sâu bọ, đặc biệt sâu bướm nhiều lông, mà phần lớn các loài chim khác thường né tránh, lại là món đặc biệt của chúng.

Phướn đất có đầu, cổ, họng cánh, đuôi màu đen ánh tím. Mặt lưng xám màu tro. Lưng xám nhạt và tận cùng các lông đen nhạt tạo thành vân rất mờ, bụng nhạt hơn gần như trắng. Mỏ đỏ, mắt vàng, da quanh mắt và giò đỏ tím.

Sinh cảnh: định cư ở các khu rừng thứ, nguyên sinh thường xanh nhiệt đới ẩm có độ cao dến 900 m. Phướn đất đi đơn độc hay đôi kiếm ăn trên mặt đất, trong các khu vực sườn đồi, thung lũng hẹp có nhiều cây bụi và dây leo râm rạp kín khó quan sát..

Thức ăn là thằn lằn, rắn, động vật không xương sống. Chim rất cảnh giác khi kiếm ăn, chỉ một tiếng động nhỏ đã lẩn tránh nhanh chóng, đặc biệt là khi gặp nguy hiểm, nên rất khó quan sát phướn đất. Trong cùng sinh cảnh cũng thường gặp các loài chim khác trong Họ Trĩ như các loài gà lôi, trĩ sao, gà rừng, gà tiền và các loài gà so…

Phân bố: Hà Tĩnh (rừng Kẻ Gỗ), Quảng Bình (Phong Nha), Thừa Thiên–Huế (Đèo Hải Vân, Bạch Mã), Đà Nẵng (Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bà Nà–Núi Chúa).

Đặc sản quý của khu vực, bộ lông có màu sắc đẹp. Có giá trị khoa học, làm cảnh và thương mại.

Cả chim bố mẹ đều ấp trứng và mớm mồi cho con non.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, Sách Đỏ Việt Nam hạng VU, IUCN hạng LC.

phường chèo hồng – rosy minivet (Pericrocotus roseus)

Thuộc Họ Phường chèo‎ (Campephagidae).

18–20 cm. Trống: đầu và cổ tím nhạt, họng trắng, bụng hồng, cánh có vệt rộng màu đỏ tươi. Mái: màu vàng thay thế cho màu hồng và đỏ, còn lại giống nhau.

Sinh cảnh: rừng sườn đồi và thung lũng. Thường đi theo cặp, có thể tạo thành đàn ngoài mùa sinh sản.

Loài di cư, từng được thấy ở Cát Tiên, hiện trạng không rõ.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

quạ khoang – collared crow (Corvus torquatus, Corvus pectoralis)

Thuộc Họ Quạ (Corvidae).

50 cm. Phân biệt với quạ đen bởi khoang màu trắng rộng vòng quanh cổ và ngực. Phía trên cổ vòng trắng này rộng tới lưng trên, nhìn ngang phần vai vòng trắng ôm lấy gốc cánh tạo thành hình chữ V. Toàn bộ phần lông còn lại của bộ lông mầu đen có ánh đỏ tím. Mắt, mỏ và giò đều đen.

Từng định cư ở các vùng từ địa hình thấp ven biển, cửa sông, đồng bằng, đến trung du và miền núi có độ cao đến 1500 m ở vùng đông-bắc và châu thổ Sông Hồng. Phần lớn đi đôi, đôi khi tụ tập thành đàn đông.

Sinh cảnh: Các vùng đất trồng trọt, trống trải, làng bản, nhất là những nơi gần nguồn nước. Thường kiếm ăn ở các khu vực gần đất ngập nước, bãi lầy, bãi triều sau nước rút. Chúng cũng kiếm ăn cùng với quạ đen, sáo mỏ ngà, v.v. Là kẻ thù của các loài chim nhỏ, gia cầm lúc mới nở ít ngày.

Tổ hình cầu đặt trên các cành hay các ngọn cây cao tới 30 m trở lên (thường là các cây gạo, đa…). Có thể gặp một đôi hay nhiều đôi cùng làm tổ trên cùng một cây. Tổ làm khá công phu bằng các que và cành cây khô nhỏ ken lại một cách công phu. Có que đường kính tới 1,5 cm, dài 45 cm. Trong tổ được lót bằng lớp mỏng lá cây khô và lông chim, vịt, gà… Mỗi lứa đẻ 3-4 trứng, vỏ màu trắng hơi đục.

Thức ăn là ngóe, nhái, chuột, giun đất, côn trùng. Thời gian nuôi con sắp rời tổ thiếu thức ăn, quạ khoang bắt cả gà con, vịt con mới nở khi chăn thả ở ngoài đồng ruộng, cũng tha cả bắp ngô non ở bãi nương về ăn.

Đây loài chim chỉ thị điển hình về sự ô nhiễm môi trường. Trước đây gặp phổ biến, nhưng cũng tương tự như loài ác là, từ khoảng năm 1965-66 đến nay quạ khoang trở nên rất hiếm, thậm chí các kết quả điều tra gần đây cho thấy chưa bao giờ gặp lại chúng trong các vùng phân bố.

Có thể bắt chước tiếng nói của người và tiếng kêu của các loài động vật.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

rẽ lớn ngực đốm – great knot (Calidris tenuirostris)

Thuộc Họ Rẽ (Scolopacidae).

28 cm. Kích thước lớn hơn rẽ lưng nâu (Calidris canutus, IUCN xếp hạng LC), mỏ dài hơn và chóp mỏ hơi khoằm. Bộ lông có dải trên ngực màu tối. Khi bay để lộ hông màu trắng nhạt và vằn cánh không rõ, lông cánh thứ cấp màu sáng hơn tạo nên nhiều ô nhạt màu. Chim trong thời kỳ sinh sản có dải ngực đen đặc trưng, ngoài mùa sinh sản phía lưng xám nhạt hơn.

Sinh cảnh: Bãi bồi ngập triều vùng bờ biển.

Di cư theo những quãng đường xa đến trú đông ở Xuân Thủy, Cần Giờ Gò Công. Không phổ biến.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng EN.

rẽ mỏ thìa – spoon-billed sandpiper (Calidris pygmeus)

Thuộc Họ Rẽ (Scolopacidae).

14–16 cm. Kích thước như các loài rẽ khác nhưng có mỏ hình chiếc thìa độc đáo, khó nhìn thấy từ phía bên.

Bộ lông ở thời kỳ sinh sản có màu hạt dẻ, cổ và ngực trên màu hung đỏ. Chân luôn có màu đen, là đặc điểm dễ phân biệt với các loài rẽ khác, trừ loài rẽ nhỏ rất ít gặp. Ngoài mùa sinh sản, bộ lông màu xám và màu trắng giống như bản sao thu nhỏ của rẽ cổ xám (Calidris alba) ngoài mùa sinh sản.

Thường thấy trong đàn rẽ cổ hung (Calidris ruficollis) vốn có màu lông tương tự. Rất năng động khi kiếm ăn và thường chạy quanh khoảng trống giữa các loài khác đang chậm rãi kiếm ăn hay ngủ.

Trú đông nhưng hiếm gặp ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Thủy, Cần Giờ (2008), Gò Công, Tiền Giang (2011-2019).

Sinh cảnh sống: Bãi bồi ngập triều ven biển.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB, CITES không phân hạng, IUCN hạng CR.

rồng rộc vàng – Asian golden weaver (Ploceus hypoxanthus)

Thuộc Họ Rồng rộc (Ploceidae), có họ hàng gần với các loài sẻ đồng (Họ Fringillidae). Chúng là các loài chim ăn hạt với mỏ hình nón thuôn tròn. Chim trống của nhiều loài có màu tươi, thường là đỏ hay vàng và đen, một vài loài có màu sắc thay đổi trong mùa sinh sản.

Các loài rồng rộc có cách làm tổ cầu kỳ phức tạp (có lẽ là phức tạp nhất trong các loại tổ chim). Phần lớn các loài làm tổ có lối vào hẹp và hơi quay đầu xuống phía dưới. Ròng rộc thích sống thành bầy. Chúng làm tổ cạnh nhau, thường là vài tổ trên một cành cây. Thông thường chim trống làm tổ và dùng chúng như là một dạng thể hiện để quyến rũ chim mái.

Rồng rộc vàng dài 15 cm. Trống: chủ yếu màu vàng tươi, trừ đầu đen, cánh và đuôi nâu-xám. Mái: đầu màu hung, thân nâu hung thay cho vàng.

Sinh cảnh: đồng cỏ nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới ẩm ướt theo mùa hoặc ngập đất thấp, đầm lầy và đất canh tác. Các quần thể rồng rộc thích ở gần với nguồn nước. Đôi khi chúng gây ra tổn thất cho mùa màng, nhất là lúa.

Được tìm thấy ở Cát Tiên, Tân Phú, Cần Giờ, Tràm Chim. Đang bị đe dọa do mất môi trường sống.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

sả đầu đen – black-capped kingfisher (Halcyon pileata)

Thuộc Họ Bồng chanh hay họ Bói cá (Alcedinidae), gồm các loài bồng chanh và sả.

Chi Halcyon gồm những loài bói cá lớn với mỏ dài và to. Chúng có tập tính đậu yên một chỗ để chờ con mồi đi qua mới đón bắt: côn trùng lớn, chuột, ếch, rắn nhỏ, nhưng vài loài cũng bắt cá.

30 cm. Dễ nhận biết. Lưng màu xanh nước biển thẫm tương phản với đầu đen và khoang cổ, ngực trắng. Bụng màu hung đỏ nhạt. Khi bay thấy rõ mảng trắng lớn ở trên cánh.

Sinh cảnh: Các vùng đất ngập nước kể cả rừng ngập mặn, ven biển và ruộng rẫy. Đẻ 4-5 trứng.

Loài định cư, hoặc đến trong mùa sinh sản ở Sa Pa, Núi Fansipan, Tam Đảo, Xuân Thủy, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Đôn, Cát Tiên, Cần Giờ, Tràm Chim… Gặp không thường xuyên, lên độ cao khoảng 1.500 mét, tuy nhiên chủ yếu ở đai thấp..

Xem Thêm:  Review Kem Chống Nắng Make Prem UV Defense Me: Có Đáng Để Thử?

Đây là loài chim quý do giá trị thẩm mỹ và nguồn gien, lại tương đối hiếm.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

sả đầu nâu, bói cá ngực trắng – white-throated kingfisher (Halcyon smyrnensis)

Thuộc Họ Bồng chanh hay họ Bói cá (Alcedinidae).

28 cm. Dễ nhận biết. Phía lưng có màu ngọc lam sáng tương phản với đầu màu nâu chocolat. Họng màu trắng. Bụng cũng có màu nâu chocolat. Khi bay thấy rõ mảng trắng lớn trên cánh.

Vào đầu mùa sinh sản, chim trống xòe cánh để khoe mẽ hấp dẫn chim mái.

Tiếng kêu: To, vui vẻ như chuông rung giống Sả đầu đen.

Định cư khắp các vùng trong cả nước đến độ cao khoảng 1500 mét.

Sinh cảnh: Vùng quang đãng gần nguồn nước. Đẻ 3-7 trứng.

Đây là loài chim quý do giá trị thẩm mỹ và nguồn gien

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

Xem thêm: Jimi Channel (2018).

sả mỏ rộng – stork-billed kingfisher (Halcyon capensis)

Thuộc Họ Bồng chanh tức Họ Bói cá (Alcedinidae).

Khá lớn: 35 cm. Dễ nhận do mỏ lớn màu đỏ tươi. Lưng màu lam, hai bên má và đỉnh đầu màu nâu, vòng cổ màu cam, bụng từ xám đến nâu.

Sinh cảnh: rừng hai bên sông suối.

Đã gặp định cư ở Bạch Mã, Yok Đôn, Cát Tiên, Cần Giờ, Tân Phú, Gò Công, Tràm Chim…

Đây là loài chim quý do giá trị thẩm mỹ và nguồn gien.

Xem thêm :  Cách làm vỏ bánh tráng cuốn chả giò ngon tại nhà

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

sả rừng, sả Ấn Độ – Indian roller (Coracias benghalensis)

Thuộc Họ Sả rừng (Coraciidae). Chúng giống như quạ về kích thước và hình dáng, nhưng có quan hệ họ hàng gần gũi hơn với các nhóm chim bói cá và trảu. Chúng chia sẻ biểu hiện màu sắc bề ngoài với các nhóm này, trong đó màu nâu và xanh lam là chủ yếu. Một loài khác của họ này ở Việt Nam là yểng quạ.

26-27 cm, bộ lông vô cùng xinh đẹp. Lưng màu nâu vàng hoặc nâu chocolat, cổ và ngực có màu tía, trên cổ có những sợi lông trắng đen chạy dọc theo cổ. Phần đầu cánh màu lam đậm, phần giữa cánh và bụng màu lam nhạt, đuôi và cánh lam đậm và nhạt sen kẽ.

Do màu sắc đẹp, một số bang của Ấn Độ chọn sả rừng làm biểu tượng.

Làm tổ trong các lỗ trên cây hoặc vách đất, bên trong tổ chim sử dụng mảnh vụn của gỗ để lót. Đẻ mỗi lứa 3-5 trứng.

Phân bố: Tràm Chim, Cần Giờ, Cát Tiên, Cao nguyên Đà Lạt, Yok Đôn.

Đây là loài chim quý do giá trị thẩm mỹ và nguồn gien

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

Ghi chú: có sự thiếu nhất quán về tên chim tiếng Việt:

  • Wikipedia cho rằng chích chòe đất hay còn được gọi là chích chòe Seychelles – Seychelles magpie-robin có tên khoa học là Copsychus sechellarum. thuộc Họ Đớp ruồi (Muscicapidae). Dựa theo tên khoa học, đây là một trong số những loài chim nguy cấp nhất trên thế giới (IUCN hạng EN).
  • Trang cachnuoichohay.com và caytrongvatnuoi.com cho rằng chích chòe đất hay còn được gọi là sẻ bụi đen – pied bushchat có tên khoa học là Saxicola caprata, thuộc phân họ Chích chòe (Turdidae). Loài này có nhiều ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, như vậy không phải nguy cấp (IUCN hạng LC).

Sự thiếu nhất quán gây nhầm lẫn đặc biệt khi Saxicola caprata thường có vết trắng trên cánh như Copsychus sechellarum. Bài này dùng tên Việt sẻ bụi đen, tuy giới nuôi chim hót gọi là chích chòe đất. Thật ra hình dáng giống sẻ hơn là chích chòe.

Trống: bộ lông màu đen ngoại trừ một ít trắng (thay đổi tùy chủng) trên vai, cánh, bụng và đít. Mái: nói chung có màu nâu, đậm trên đỉnh đầu và lưng, nhạt ở họng và bụng.

Sinh cảnh: đồng cỏ, bụi cây, thường kiếm ăn và làm tổ trên mặt đất, trong bụi sát mặt đất, lót tổ bằng lá cây và lông thú.

Chim trống có giọng hót véo von và thánh thót, nhưng giọng hơi nhỏ so với các loài chim hót khác. Vì thế, chúng hay chọn những thời khắc yên tĩnh hơn để hót: lúc 12-13 giờ ban ngày và 23 giờ khuya. Sở dĩ chúng chọn giờ hót khác lạ như vậy là vì trong thiên nhiên, con trống muốn thể hiện cảm xúc đặc biệt của mình cho các con mái khác. Và một lý do nữa, giọng hót nhỏ của chúng có thể bị át đi, nếu chúng hót cùng giờ với các loại chim hót khác.

Với giọng hót nhỏ như vậy, khi hót chim trống còn “tạo dáng” thêm để chim mái chú ý, bằng cách như xòe đuôi, múa cánh. Khi sẻ bụi đen hót, không có con chim hót nào vừa hót vừa múa đẹp như chúng. Đó là một lý do mà hiện nay, phong trào nuôi sẻ bụi đen khá phát triển.

Phân bố ở Đông Nam Bộ, như Bà Rịa, Long Thành, Long Khánh, và một vài tỉnh ở miền Trung, từ Khánh Hòa trở vào.

Loài sẻ bụi đen chưa đến nỗi hiếm nhưng đang bị săn bắt ráo riết để nuôi chim hót.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

sẻ đồng ngực vàng – yellow-breasted bunting (Emberiza aureola)

Thuộc Họ Sẻ đồng (Emberizidae).

15 cm. Trống: Mặt đen, phần dưới cơ thể vàng, có dải ngực và phía lưng màu hung, có mảng vai trắng rất rõ. Mái và chim trống ngoài mùa sinh sản: Toàn bộ mặt màu đen và không có dải ngực màu hung và màu vàng ở mặt bụng nhạt hơn. Chim non: Có màu giống chim mái nhưng phần dưới cơ thể nâu hơi sẫm và có nhiều vạch trên ngực. Nhìn chung bộ lông có vạch ở sườn và ít nhiều có màu trắng ở đuôi.

Sinh cảnh: đồng cỏ, bụi rậm, nơi thoáng đãng, gần nguồn nước. Ngủ trong vùng lau sậy theo đàn lớn. Có thể gặp đến độ cao gần 1400 mét.

Vào mùa đông di cư đến các vùng trong nước trừ vùng Bắc và Nam Trung Bộ, trước đây có thể gặp tương đối phổ biến, tuy nhiên gần đây quần thể loài này suy giảm nghiêm trọng.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng CR.

sẻ Java – Java sparrow (Lonchura oryzivora)

Thuộc Họ Chim di (Estrildidae), gồm những loài chim nhỏ sống ở khu vực nhiệt đới ẩm. Thức ăn của chúng là các loại hạt và côn trùng nhỏ. Chúng đẻ 5-10 trứng mỗi lứa.

Được giới nuôi chim cảnh gọi là “bạc má xám”, sẻ Java dài 15-17 cm. Có xuất xứ từ Java, Bali và Bawean ở Indonesia và từ lâu đã được du nhập vào nhiều nước. Lấy ví dụ, sẻ Java  được ưa chuộng làm chim cảnh ở Trung Hoa từ thời nhà Minh (thế kỷ 14-17) và ở Nhật từ thế kỷ 17.

Nói là “sẻ” nhưng thân hình chim không hề giống sẻ, và bộ lông đẹp một cách kỳ lạ, không giống các loài sẻ khác. Má trắng to, nổi bật. Mỏ màu hồng, to và cứng cáp. Mặt lưng màu lam phớt tím; đầu, cổ và đuôi đen; bụng màu nâu-xám ở trên chuyển dần thanh nâu nhạt ở dưới. Cũng có những chủng mang màu khác, thậm chí toàn thân đều trắng.

Không tìm thấy tài liệu về phân bố ở Việt Nam, tuy Exotic Birding (no date) liệt kê sẻ Java trong danh lục chim Việt Nam. Có phần chắc chắn sẻ Java là loài du nhập.

Ở các vùng bản địa, sẻ Java bị săn bắt ráo riết để làm chim cảnh. Mặt khác, ở các vùng du nhập sẻ Java sau khi thoát ra ngoài hoang dã có thể trở thành loài phá hoại hoa mầu như lúa, lúa mỳ, ngô… Điều này khiến cho một số nước như Mỹ cấp nhập khẩu sẻ Java, và Bang California cấm nuôi sẻ Java.

Phân hạng bảo tồn: CITES Phụ lục II, IUCN hạng VU.

sẻ thông họng vàng – Vietnamese greenfinch (Chloris monguilloti)

Thuộc Họ Sẻ thông (Fringillidae), trước đây được xếp vào chi Carduelis.

Loài đặc hữu của Việt Nam, được phát hiện lần đầu tiên cho khoa học vào năm 1926.

13-14 cm. Trống: đầu và lưng đen; hông, lông bao trên đuôi và toàn bộ mặt dưới vàng; ngực và sườn có vệt đen; mỏ hồng. Mái: màu lông nhạt hơn, hơi xám, vạch ở ngực và bụng màu nâu tối. Chim non màu nhạt hơn chim mái.

Sinh cảnh: rừng thông, bìa rừng hoặc nơi trống trải, vùng trồng trọt. Ăn hạt thông, cũng ăn mối non.

Phân bố: Cao nguyên Lâm Đồng, ở độ cao 900-1900 m, xung quanh thành phố Đà Lạt và Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk).

Hưởng lợi từ việc trồng thông ba lá (Pinus kesiya), thậm chí việc phá rừng tạo bụi rậm thuận lợi cho sẻ thông họng vàng phát triển. Loài quý vì là đặc hữu.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

thiên đường đuôi đen, đớp ruồi thiên đường Nhật Bản – Japanese paradise flycatcher (Terpsiphone atrocaudata)

Thuộc Họ Thiên đường (Monarchidae).

Có kích thước nhỏ hơn một chút so với các loài khác (khoảng 19 cm, không kể đuôi trung tâm dài tới 30 cm của con trống). Đầu ngực trên đen bóng với vòng mắt xanh da trời, bụng và bao đuôi dưới trắng và thân trên màu nâu hạt dẻ đậm. Chim mái có lông màu nâu nhạt, không có đuôi dài trung tâm.

Đây là loài quý do giá trị thẩm mỹ, và cũng hiếm.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

tìm vịt xanh – Asian emerald cuckoo (Chrysococcyx maculatus)

Thuộc họ Cu cu (Cuculidae).

Hơn 59 loài chim dạng cu cu và tìm vịt là chim ký sinh trong tổ: chim mẹ đẻ trứng vào tổ của các loài chim khác rồi bay đi mà không màng gì đến trứng và con của mình. Trứng của chúng nở sớm hơn của chim chủ và chim non của chúng cũng lớn nhanh hơn chim non của chim chủ; trong phần lớn các trường hợp con chim non này sẽ đẩy trứng hay chim non của chim chủ ra khỏi tổ. Con chim non này không có thời gian để học hành vi này, vì thế nó phải là bản năng được di truyền. Chim chủ không hề biết phải nuôi chim ký sinh, nên vẫn tha mồi về mớm cho chim ký sinh. Cái mỏ há của chim non đóng vai trò của tín hiệu kích thích để chim chủ cho nó ăn.

Tìm vịt xanh dài 18 cm. Chữ “xanh” trong tên điểu học tiếng Việt không mô tả hết vẻ đẹp; tên tiếng Anh thể hiện hay hơn: đó là màu ngọc lục bảo. Đích thực như ngọc lục bảo bởi vì màu này mặt trên chói sáng dưới ánh mặt trời. Mặt dưới trắng, có vân dày màu xám-đen. Khi bay nhìn thấy phía dưới cánh có một dải vằn rộng màu trắng. Mỏ vảng. Chim non: bộ lông có màu xanh đồng pha xám, trên lưng có nhiều vằn nâu đỏ.

Sinh cảnh: Rừng, thảm cây bụi thứ sinh, rừng ngập nước ngọt, rừng trồng và vườn làng. Có thể gặp đến độ cao khoảng trên 2400 mét.

Định cư không phổ biến ở Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ như ở Bạch Mã và Cát Tiên; cũng có một số quần thể trú đông ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ nhưng không phổ biến.

Tìm vịt xanh là loài chim vừa quý do giá trị thẩm mỹ vừa khá hiếm ở Việt Nam.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

trèo cây lưng đen – beautiful nuthatch (Sitta formosa)

Thuộc họ Trèo cây (Sittidae), gồm khoảng 27 loài chim nhỏ, đầu to, có khả năng trèo lên và trèo xuống trên thân cây hoặc phiến đá để kiếm mồi là động vật không xương sống, và cũng ăn hạt.

18 cm, kích thước lớn hơn các loài trèo cây khác. Hiếm có tên loài điểu học tiếng Anh mang từ “beautiful”, và có lý do chính đáng: bộ lông thật đẹp. Phần trên cơ thể màu đen hoặc lam sậm với các điểm màu lam óng ánh và chót lông trắng. Đỉnh đầu, gáy và lưng trên với các vạch màu xanh da trời sáng. Vai hông và lông bao trên đuôi màu lam nhạt; trên mỗi cánh có hai vằn trắng; đuôi lam sậm; họng và hai bên cổ trắng nhạt; ngực và bụng hung nâu, lông bao dưới đuôi nâu sẫm. Mỏ đen. Chân xanh xám.

Loài định cư ở Sa Pa và Fansipan Mt với số lượng ít.

Sinh cảnh: Rừng thường xanh trên núi.

Loài hiếm ở Việt Nam, có giá trị thẩm mỹ cao.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng VU.

trèo cây mỏ vàng – yellow-billed nuthatch (Sitta solangiae)

Thuộc họ Trèo cây (Sittidae).

12–14 cm. Bộ lông rất mượt, màu rất đẹp, trông ảnh chụp người ta có thể ngỡ là tranh vẽ. Lưng và cánh màu xanh da trời, bụng màu tím than, mặt màu xám với lông mày và trán đen, mỏ và vòng mắt vàng tươi. Trống và mái giống nhau.

Sinh cảnh: Rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh ở độ cao từ 1200 m trở lên. Di chuyển thành đôi hoặc theo đàn nhỏ.

Có thể gặp nhưng không phổ biến ở Sa Pa, Fansipan Mt, Cao nguyên Đà Lạt, Cao nguyên Kon Tum.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

trĩ đỏ – common pheasant (Phasianus colchicus)

Thuộc Họ Trĩ (Phasianidae).

60-80 cm (kể cả chim trống có đuôi dài tới 50 cm); mái có kích thước nhỏ hơn nhiều.

Trống: bộ lông có nhiều màu sắc đẹp và dễ phân biệt: đầu, họng và trước cổ xanh lục, các phần còn lại màu nâu đỏ và nâu vàng với các chấm đen, phần dưới cơ thể, đặc biệt là phần ngực có màu tối hơn. Mái: khác hẳn với trống vì ít màu sắc, màu nhợt nhạt có vằn nâu điểm các chấm đen, mắt nâu đỏ, da trần ở mặt đỏ tươi, mỏ và chân màu ngà.

Sinh cảnh: vùng đồi núi thấp có độ cao lên tới 800 m, nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, những chỗ bị phát quang và rừng thông.

Định cư ở Cao Bằng và Quảng Ninh. Đã trở nên hiếm, nhưng được nuôi thành công với mục đích cho thịt.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, Sách Đỏ Việt Nam hạng EN, IUCN hạng NT.

trĩ sao – crested argus (Rheinardia ocellata)

Một trong những loài chim đẹp nhất, thuộc Họ Trĩ (Phasianidae).

Dài tổng cộng 1,9-2,39 m. Trống: Bộ lông nhìn chung màu nâu phớt tím, có nhiều đốm trắng, nâu sẫm và đen; điểm đặc sắc là đuôi thuôn dài và rộng bản với 12 lông vũ dài tới 1,7 m; lông mày rậm màu trắng; mào dài; da mặt màu hồng; chân màu nâu, mào dài, lông cánh thứ cấp không dài. Mái: bộ lông ngả về màu nâu hơn, mào ngắn hơn trống, màu tối; đuôi ngắn hơn nhiều; chân nâu phớt hồng.

Sinh cảnh: Rừng thường xanh trên địa hình núi thấp, kể cả rừng thứ sinh.Thức ăn chủ yếu là lá cây, hoa quả, sâu bọ, dòi, nhộng và các động vật nhỏ.

Định cư ở Bạch Mã, Cao nguyên Kon Tum, nhưng từ năm 2005 không còn thấy nữa.

Thường nghe tiếng kêu hơn là trông thấy do tính nhút nhát và hay lảng tránh người.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES Phụ lục I, Sách Đỏ Việt Nam hạng VU, IUCN hạng NT.

vạc hoa – white-eared night heron (Gorsachius magnificus)

Thuộc Họ Diệc (Ardeidae).

53-56 cm. Trống: Dải trắng sau mắt đi qua tai, cằm, họng; đầu có màu hơi đen; hai bên cổ màu nâu hung đỏ; họng hơi trắng; phần trên cơ thể màu nâu tối; phần dưới cơ thể có vạch nâu và trắng. Mào lông dài, rậm màu đen. Mái: hoa văn trên đầu và cổ không rõ nét; lưng và cánh có vằn và đốm trắng. Chim non: tương tự chim mái, đầu, cổ và lưng trên điểm trắng lớn.

Sinh cảnh: rừng rậm có đầm lầy, thực vật có thể là cây lá rộng thường xanh hoặc tre và lau sậy.

Thức ăn là động vật nhỏ như cá, tôm và một số loài không xương sống khác.

Mới chỉ ghi nhận được ở Hòa Bình, Bắc Cạn, Vườn quốc gia Ba Bể từ năm 2009 đến 2015 nhưng từ 2015 đến nay thì không còn thấy nữa. Hiện nay rất hiếm ở Việt Nam (và có lẽ tem bưu chính cũng hiếm).

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, CITES không phân hạng, Sách Đỏ Việt Nam hạng CR, IUCN hạng EN.

vẹt má vàng – Alexandrine parakeet (Psittacula eupatria)

Thuộc Họ Vẹt (Psittacidae), với khoảng 10 loài trong nhóm Cựu Thế giới và 148 loài trong nhóm Tân Thế giới. Đặc biệt các loài trong Chi Psittacula bị săn bắt mạnh để phục vụ cho giới nuôi chim cảnh.

Tên Alexandrine trong tên tiếng Anh là để vinh danh Alexander Đại đế – Hoàng đế xứ Macedonia (khoảng 300 trước Công nguyên) – người được coi là có công đầu trong việc xuất khẩu loài chim này từ Punjab (Ấn Độ) cho giới quý tộc ở Châu Âu và vùng Địa Trung Hải.

60 cm. Chim trưởng thành ở độ tuổi 36 tháng. Ở gần khoảng này mới có thể phân biệt giới tính chim rõ ràng nhờ màu sắc vòng lông cổ đặc trưng của con trống mà chim mái không có. Ở độ tuổi thiếu niên: qua hình thái rất khó phân biệt giới tính của chim.

Thức ăn chính là các loại ngũ cốc, chồi cây, hoa quả. Vào mùa sinh sản, chim thường tự cung cấp thêm khoáng từ đất ven suối và một ít đạm bằng vài loại sâu bọ nhỏ.

Tổ chim là bọng cây lớn, được chim chui vào và dùng mỏ gặm nới rộng ra cho đến khi vừa ý.

Phân bố hẹp: định cư ở Yok Đôn.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB (các loài thuộc chi Psittacula), CITES Phụ lục II, IUCN hạng NT.

vịt đầu đen – Baer’s pochard (Aythya baeri)

Thuộc Họ Vịt (Anatidae).

41 cm, bộ lông đẹp. Trống: Đầu và cổ đen bóng có ánh lục biếc, mắt trắng, mỏ xám pha lam, ngực có màu nâu đỏ nhạt. Mái: mỏ màu xám chì với một mảng nâu sẫm ở gốc mỏ, đầu, cổ, hông màu nâu, mắt màu nâu.

Bay lên khỏi mặt nước dễ hơn những loài vịt khác.

Di cư tới vùng đồng bằng Sông Hồng. Trước đây khá phổ biến nhưng vài thập kỷ nay ít gặp:

  • năm 1992 thấy 2 cá thể ở Hồ Suối Hai (Hà Tây)
  • năm 1996 thấy 6 con ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy
  • năm 2000 còn tìm thấy ở khu vực ngoài ranh giới Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Sinh cảnh: vùng ngập triều, hồ và đầm lầy.

Đây là loài vô cùng quý hiếm trên toàn thế giới.

Phân hạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB, CITES không phân hạng, IUCN hạng CE.

vịt lưỡi liềm – falcated duck (Mareca falcata)

Thuộc Họ Vịt (Anatidae).

50 cm. Trống: Dễ nhận biết, đầu to có màu đen bóng (do có mào dài, màu bóng mượt) và có các lông tam cấp dài, rủ xuống. Gốc mỏ có các đốm nhỏ màu trắng. Mái và con non: toàn thân maug nâu với những đường vằn đen, mỏ màu xám; tạo cảm giác đầu to hơn trống do lông đầu xù lên.

Sinh cảnh: Vùng đầm lầy và hồ.

Di cư đến Xuân Thủy, không phổ biến. Loài quý do giá trị thẩm mỹ, lại khá hiếm.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

vịt mỏ nhọn – scaly-sided merganser (Mergus squamatus)

Thuộc Họ Vịt (Anatidae).

52-58 cm. Trống: Đầu và cổ đen ánh lục; phía sau cổ, lưng trên và vai đen, trên cánh trắng có ba dải đen; lưng dưới trông như có vẩy, rõ hơn ở sườn và bụng; phía dưới trắng phớt hồng. Mái: Đầu và cổ vàng nâu và hung. Cằm và họng trắng; không có màu đen ở lưng; ;ưng dưới, hông và trên đuôi có vảy xám trắng.

Chỉ mới gặp trú đông ở Bắc Bộ, hiếm.

Sinh cảnh sống: Sông lớn và hồ.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng EN.

vịt mỏ thìa – Northern shoveler (Spatula clypeata, Anas clypeata)

Thuộc Họ Vịt (Anatidae).

Vịt mỏ thìa là loài có kích thước lớn trong nhóm vịt: 43–52 cm, có điểm đặc biệt là mỏ hình thìa. Cả chim trống và mái đều có vẻ đẹp đặc sắc.  Trống: ngoài mùa sinh sản, mỏ tối màu, đầu và phần cổ trên màu xám đậm với ánh xanh lục, ngực và mảng bên đuôi màu trắng, phần lớn hông màu hạt dẻ. Mái: mỏ nhạt màu hơn, bộ lông màu nâu nhạt có nhiều chấm tối màu, rìa lông màu nhạt.

Sinh cảnh: hồ, sông lớn, đầm lầy, đất ngập nước đến độ cao 800 m.

Được tìm thấy trú đông ở VQG Xuân Thủy, Khu BTTN Thái Thụy. Khá hiếm.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

vịt nâu đỏ, vịt mắt trắng – ferruginous duck, white-eyed pochard (Aythya nyroca)

Thuộc Họ Vịt (Anatidae).

38 cm. Là loài vịt lặn giỏi, mình chắc.

Trống: màu hạt dẻ đậm với một lưng sẫm màu hơn và mắt màu vàng. Màu trắng tinh khiết dưới cánh giúp phân biệt loài hơi tương tự là vịt búi lông. Mắt trắng. Mái: tương tự nhưng màu nhạt hơn; mắt đen.

Loài di cư. Thỉnh thoảng mới gặp ở vùng đồng bằng Sông Hồng.

Sinh cảnh: đầm lầy và hồ với nước có độ sâu 1 m hoặc hơn.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng NT.

vịt vàng – ruddy shelduck (Tadorna ferruginea)

Thuộc Họ Vịt (Anatidae).

58-70 cm. Giống ngỗng, bộ lông có màu đặc sắc: từ vàng-cam đến cam-nâu với đầu màu nhạt hơn. Có nhiều điểm khác nhau giữa các cá thể. Chim mái có đầu màu nhạt hơn và chim trống ở thời kỳ sinh sản có một vòng cổ màu đen.

Sinh cảnh: sông và hồ.

Loài vịt vàng có điểm đặc biệt là định cư ở một số vùng nhỏ ở Nam Âu và Bắc Phi nhưng di cư đến những vùng rất rộng ở Nam Âu (sinh sản), Nam Á và Đông Á (không sinh sản).

Trú đông không sinh sản ở đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa).

Vịt vàng là loài quý do giá trị thẩm mỹ và hiếm ở Việt Nam.

Phân hạng bảo tồn: CITES không phân hạng, IUCN hạng LC.

Một số loài chim quý hiếm khác

Một số loài chim quý hiếm khác được trình bày trong hai bài viết sau và gồm những loài dưới đây:

Diệp Minh Tâm (2020a):

  1. ác là, bồ các – Oriental magpie (Pica serica): Sách Đỏ Việt Nam hạng EN; IUCN hạng LC
  2. bìm bịp lớn – greater coucal (Centropus sinensis)
  3. bồ nông chân xám – spot-billed pelican (Pelecanus philippensis): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB; Sách đỏ Việt Nam EN; IUCN hạng LC
  4. cắt lớn – peregrine falcon (Falco peregrinus): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB; IUCN hạng LC
  5. chào mào – red-whiskered bulbul, crested bulbul (Pycnonotus jocosus)
  6. chích chòe, chích chòe than – Oriental magpie-robin (Copsychus saularis)
  7. chích chòe lửa – white-rumped sharma (Copsychus malabaricus)
  8. diều trắng– shikra (Elanus caeruleus): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB; IUCN hạng LC
  9. chào mào – red-whiskered bulbul, crested bulbul (Pycnonotus jocosus)
  10. công – green peafowl (Pavo muticus): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB; IUCN hạng VU
  11. cò nhạn – Asian openbill (Anastomus oscitans): Sách đỏ Việt Nam VU (nhưng gần đây xuất hiện nhiều trở lại); IUCN hạng NT
  12. cổ rắn, điêng điểng – Oriental darter (Anhinga melanogaster): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, Sách đỏ Việt Nam VU; IUCN hạng NT
  13. cú lợn – barn owl (Tyto alba): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB; IUCN hạng LC
  14. cú mèo khoang cổ – collared scops owl (Otus lettia): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB; IUCN hạng LC
  15. cú vọ – Asian barred owlet (Glaucidium cuculoides): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB; IUCN hạng LC
  16. diều mào – black baza (Aviceda leuphotes): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB; IUCN hạng LC
  17. diều trắng – shikra (Elanus caeruleus): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB; IUCN hạng LC
  18. dù dì phương Đông – brown fish owl (Ketupa zeylonensis orientalis): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB; IUCN hạng LC

Diệp Minh Tâm (2020b):

  1. giang sen – painted stork (Mycteria leucocephala): Sách Đỏ Việt Nam hạng VU; IUCN hạng NT
  2. hạc cổ trắng – white-necked stork (Ciconia episcopus): Sách Đỏ Việt Nam hạng VU; IUCN hạng VU
  3. họa mi – hwa mei (Garrulax canorus)
  4. hồng hoàng – great hornbill (Buceros bicornis): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB; Sách Đỏ Việt Nam hạng VU; IUCN hạng NT
  5. hút mật đuôi nhọn – fork-tailed sunbird (Aethopyga christinae)
  6. hút mật họng tím – olive-backed sunbird (Cinnyris jugularis)
  7. kền kền Măng-gan – white-rumped vulture (Gyps bengalensis): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB; Sách Đỏ Việt Nam hạng CR; IUCN hạng CR
  8. khướu bạc má – black-throated laughingthrush (Pterorhinus chinensis)
  9. khướu đầu trắng – white-crested laughingthrush (Garrulax leucolophus)
  10. sâm cầm – Eurasian coot (Fulica atra)
  11. nhồng – hill myna (Gracula religiosa): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IIB
  12. sếu cổ đen, sếu xám – black-necked crane (Grus nigricollis)
  13. sếu đầu đỏ, sếu cổ trụi – Sarus crane (Antigone antigone): Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB; Sách Đỏ Việt Nam hạng VU; IUCN hạng VU
  14. sơn ca – Oriental skylark (Alauda gulgula)
  15. thiên đường đuôi phướn – Asian paradise-flycatcher (Terpsiphone paradisi)
  16. trĩ đỏ khoang cổ – ring-necked pheasant (Phasianus colchicus)
  17. uyên ương – Mandarin duck (Aix galericulata)
  18. yến hàng – edible-nest swiftlet, white-nest swiftlet (Aerodramus fuciphagus)
  19. vàng anh, vàng anh gáy đen – black-naped oriole (Oriolus chinensis)
  20. vành khuyên họng vàng – Oriental white-eye, Indian white-eye (Zosterops palpebrosus)
  21. vành khuyên Nhật Bản – Japanese white-eye, warbling white-eye (Zosterops japonicus)
  22. vẹt ngực hồng, vẹt ngực đỏ, két ngực hồng – red-breasted parakeet (Psittacula alexandri)

Bài viết này và hai bài viết nêu trên trình bày tổng cộng 154 loài chim quý hiếm của Việt Nam. Đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý báu mà ta nên trân trọng và góp công gìn giữ.

Những loài chim đặc hữu của Việt Nam

Thuật ngữ “đặc hữu” áp dụng cho loài nào có nghĩa loài đó chỉ hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam. Có tài liệu ghi là chim “đặc hữu” nhưng tài liệu khác cho biết những loài chim đó hiện diện ở Việt Nam và ở cả 1-4 nước láng giềng. Ghi như thế thì không đúng ý nghĩa đặc hữu, và số loài chim như thế có thể lên đến hàng trăm. Vì tự hào dân tộc mà nâng khống số loài chim đặc hữu của Việt Nam thì thiếu tinh thần khoa học. Có tác giả dùng cụm từ “gần đặc hữu” để chỉ loài hiện diện dọc vùng biên giới Việt Nam, nhưng như thế chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Các cá thể di chuyển qua lại giữa hai hoặc ba, bốn quốc gia, thế thì có ý nghĩa gì đặc biệt? Mỗi quốc gia liên quan có thể liệt kê những loài đó là loài “gần đặc hữu” của mình, và cộng lại giữa các quốc gia này con số loài có thể lên đến vài trăm!

Theo Nguyen Hoai Bao (2018), có 10 loài chim đặc hữu của Việt Nam, được liệt kê dưới đây:

  1. Gà lôi lam mào trắng – Edwards’ pheasant (Lophura edwardsi), Quảng Trị.
  2. Gà so ngực gụ – Tonkin partridge, Annam partridge (Arborophila tonkinesis, Arborophila chloropus) [xem chú thích ở dưới]
  3. Khướu đầu đen má xám – collared laughingthrush (Garrulax yersini), Cao nguyên Đà Lạt.
  4. Khướu đuôi cụt – white-throated wren babbler (Rimator pasquieri), Sa Pa.
  5. Khướu Kon Ka Kinh hoặc khướu tai hung – chestnut-eared laughingthrush (Garrulax Konkakinhensis), đặt tên theo vườn quốc gia Kon Ka Kinh, nơi tìm ra nó, ở Cao nguyên Kon Tum.
  6. Khướu ngực hung – orange-breasted laughingthrush (Garrulax annamensis), Cao nguyên Đà Lạt.
  7. Khướu Ngọc Linh – golden-winged laughingthrush (Garrulax ngoclinhensis), Cao nguyên Kon Tum.
  8. Lách tách đầu đốm – black-crowned fulvetta (Alcippe klossi), Cao nguyên Đà Lạt.
  9. Mi Núi Bà, Mi Langbian – grey-crowned crocias (Crocias langbianis), Cao nguyên Đà Lạt.
  10. Sẻ thông họng vàng – Vietnamese greenfinch (Carduelis monguilloti), Cao nguyên Đà Lạt.

Ghi chú: sự phân loại gà so ngực gụ có nhiều lộn xộn:

  • Theo Nguyen Hoai Bao (2018), tên khoa học là Arborophila tonkinesis, và ba loài Arborophila charltonii, A. tonkinensis, A. graydoni trước đây được nhập chung thành loài Arborophila charltonii (nhưng tại sao tên này không xuất hiện ở danh sách trên?).
  • Theo trang web “Birds of South East Asia”, Vietnam partridge được nhập chung với scaly-breasted partridge để mang tên khoa học Arborophila chloropus.

Một số phân loài của gà so ngực gụ hiện diện ở Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc. Vì thế, nếu cho rằng gà so ngực gụ là loài đặc hữu của Việt Nam là sự khiên cưỡng.

Những điểm quan sát chim trời tại Việt Nam

Việt Nam hiện có các điểm xem chim trời quan trọng như sau.

  1. Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên (Lào Cai), cũng là Vườn Di sản ASEAN: https://vqghl.laocai.gov.vn/Default.aspx?sname=vuonquocgia&sid=1258&pageid=28489
  2. VQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Xem http://www.tamdaonp.com.vn/
  3. VQG Cát Bà (Hải Phòng): http://vuonquocgiacatba.com.vn/Default.aspx?sname=vuonquocgiacatba&sid=149&pageid=4187
  4. VQG Xuân Thủy (Nam Định), cũng là khu RAMSAR và vùng chim quan trọng (IBA) của Việt Nam: https://vuonquocgiaxuanthuy.org.vn/ & https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C6%B0%E1%BB%9Dn_qu%E1%BB%91c_gia_Xu%C3%A2n_Th%E1%BB%A7y
  5. VQG Cúc Phương (Ninh Bình). http://cucphuongtourism.com.vn/index.php/vi.html
  6. VQG Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình): https://phongnhaexplorer.com/phong-nha/vuon-quoc-gia-phong-nha-ke-bang.html
  7. VQG Bạch Mã (Huế): http://bachmapark.com.vn/
  8. VQG Yok Đôn (Đắc Lắc): http://yokdonnationalpark.vn/
  9. Cao nguyên Đà Lạt, tức Cao nguyên Lâm Viên với Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Lang Biang và VQG Bidoup-Núi Bà: http://bidoupnuiba.gov.vn/gioi-thieu/, được BirdLife International chỉ định là Endemic Bird Area.
  10. VQG Chu Yang Sin (Dak Lak): https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C6%B0%E1%BB%9Dn_qu%E1%BB%91c_gia_Ch%C6%B0_Yang_Sin
  11. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh (Kontum), là vùng chim đặc hữu, cũng là Vườn Di sản ASEAN: https://vi.wikipedia.org/wiki/Khu_b%E1%BA%A3o_t%E1%BB%93n_thi%C3%AAn_nhi%C3%AAn_Ng%E1%BB%8Dc_Linh
  12. VQG Cát Tiên (Lâm Đồng): http://cattiennationalpark.com.vn/
  13. Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (Tp HCM): https://rungngapmancangio.org/
  14. VQG Tràm Chim (Đồng Tháp): http://tramchim.net.vn/
  15. VQG U Minh Thượng (Kiên Giang), cũng là Khu RAMSAR: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C6%B0%E1%BB%9Dn_qu%E1%BB%91c_gia_U_Minh_Th%C6%B0%E1%BB%A3ng
  16. VQG U Minh Hạ (Cà Mau): https://vuonqgumh.camau.gov.vn/wps/portal/trangchu

Top 6 vùng chim đặc hữu ở Việt Nam

Nguồn: https://topxephang.com/top-6-vung-chim-dac-huu-o-nuoc-ta.html

Phân vùng chim đặc hữu là nơi có một hoặc nhiều loài chim có vùng phân bố hẹp nhưng có ít nhất hai loài có vùng phân bố toàn cầu hoàn toàn nằm trong ranh giới vùng.

  1. Vùng chim đặc hữu đất thấp Trung Bộ

Vùng chim đặc hữu đất thấp Trung Bộ nằm trong vùng đất thấp phía bắc miền Trung Việt Nam và bao gồm một phần nhỏ ở Trung Lào.

Nằm ở độ cao từ 0 đến 1000 m, vùng chim đặc hữu này có diện tích 51.000 km², thuộc địa phận nam Ninh Bình, các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế) và vùng phụ cận thuộc Trung Lào.

Thảm thực vật thiên nhiên của vùng này là rừng thường xanh đất thấp, với một phần nhỏ diện tích rừng trên núi đá vôi. Hầu hết rừng ở vùng này đã mất, các diện tích rừng thiên nhiên còn lại cũng bị chia cắt mạnh. Có chín loài chim có vùng phân bố hẹp, trong đó năm loài ghi nhận khẳng định cho vùng: gà so Trung Bộ (Arborophila merlini), gà lôi lam mào đen (Lophura imperialis), gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi) và khướu đá mun (Stachyris herberti).

  1. Vùng chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt

Vùng chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt ở phía nam của Tây Nguyên. Nằm ở vùng núi cao từ 800 m đến 2400 m, vùng chim đặc hữu này có diện tích 6000 km², thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận thuộc Đắk Lắk và Ninh Thuận.

Thảm thực vật thiên nhiên của vùng chim đặc hữu này là rừng thường xanh trên núi và rừng thông. Có tám loài chim có vùng phân bố hẹp ở vùng chim đặc hữu này, hầu như tất cả các loài đã tìm thấy ở rừng thường xanh trên núi. Ba loài phân bố hẹp đã hoàn toàn khẳng định cho khu vực là: khướu đầu đen má xám, mi Núi Bà và sẻ thông họng vàng. Ngoài ra vùng chim đặc hữu này có nhiều phân loài đặc hữu, ví dụ khướu ngực đốm (Garrulax merulinus annamensis), phân loài này còn được một số tác giả xem như một loài riêng biệt.

  1. Vùng chim đặc hữu đất thấp Nam Việt Nam

Vùng chim đặc hữu đất thấp Nam Việt Nam thuộc vùng đất thấp phía nam Trung Bộ và bao gồm một phần nhỏ ở phía đông-nam Campuchia.

Nằm ở độ cao từ 0 đến 1000 m, vùng chim đặc hữu này có diện tích 30.000 km², thuộc địa phận  Đồng Nai, Bình Phước, nam Lâm Đồng và có thể mở rộng ra Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.

Thảm thực vật tự nhiên của vùng chim đặc hữu này là rừng thường xanh và nửa rụng lá trên đất thấp. Chỉ tìm thấy ba loài chim có vùng phân bố hẹp ở vùng chim đặc hữu này, trong đó hai loài hoàn toàn khẳng định bao gồm gà so cổ hung (Arborophila davidi) và gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini). Trước đây cả hai là những loài đặc hữu của Việt Nam, nhưng gần đây chúng cũng tìm thấy ở phía đông-nam của Campuchia.

  1. Phân vùng chim đặc hữu cao nguyên Kon Tum

Phân vùng chim đặc hữu cao nguyên Kon Tum ở phía bắc Tây Nguyên và một phần nhỏ thuộc trung Lào, là một vùng chim đặc hữu cấp hai. Phân vùng chim đặc hữu này chủ yếu thuộc địa phận Kon Tum và nam Quảng Nam.

Thảm thực vật tự nhiên của phân vùng chim đặc hữu này chủ yếu là rừng thường xanh trên núi. Đây là nơi sống của chín loài chim có vùng phân bố hẹp, trong số đó ba loài đã hoàn toàn khẳng định là: khướu vằn đầu đen, khướu Ngọc Linh và khướu Kon Ka Kinh. Cả ba loài này là những loài mới phát hiện cho khoa học trong thập kỷ 1990s. Đây là vùng chim đặc hữu mới được xác định ở Châu Á.

  1. Phân vùng chim đặc hữu núi Fan Si Pan và Bắc Lào

Phân vùng chim đặc hữu núi Fan Si Pan và Bắc Lào với bốn loài chim có vùng phân bố hẹp, tất cả những loài này cũng ghi nhận ở các vùng chim đặc hữu khác, đó là nuốc đuôi hồng (Harpactes wardi), khướu cánh đỏ (Garrulax formosus), chích đớp ruồi mỏ rộng (Tickellia hodgsoni) và trèo cây mỏ vàng (Sitta solangiae). Loài nuốc đuôi hồng đã lâu không có ghi nhận ở Việt Nam kể từ khi chúng được phát hiện, tuy nhiên loài này có thể vẫn còn phân bố ở một nơi nào đó trong dãy Hoàng Liên Sơn.

  1. Vùng chim đặc hữu vùng núi Đông-Nam Trung Quốc

Vùng chim đặc hữu vùng núi đông-nam Trung Quốc có vùng phụ cận thuộc miền núi phía bắc Việt Nam. Nằm ở độ cao từ 300 m đến 1900 m, vùng chim đặc hữu này có diện tích lên tới 610.000 km², chủ yếu thuộc địa phận Trung Quốc: nam An Huy, nam Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam, Quảng Tây, bắc Quảng Đông, đông Quý Châu, và vùng phụ cận thuộc bắc Việt Nam.

Vùng này có năm loài chim có vùng phân bố hẹp, trong đó chỉ một loài có ở Việt Nam là vạc hoa (Gorsachius magnificus). Trong phạm vi Việt Nam vừa mới ghi nhận loài vạc hoa ở một điểm duy nhất ở phía bắc Việt Nam là ở Bắc Kạn.

Kết luận

Khi đã tìm hiểu qua các loài chim quý hiếm này, ta có thể nhận ra những khía cạnh mới vốn có thể thay đổi quan niệm – hoặc thậm chí thành kiến – của ta về loài nào đó. Lấy ví dụ là những loài cú. Chúng là những con vật có ích cho nông nghiệp và dân sinh trong khi những điều thần bí về chúng là không đúng. Ngoài ra, nhìn theo góc cạnh nào đó, ta có thể nhận ra vẻ đẹp dễ thương của một con chim cú. Hoặc là, hẳn bạn đã từng trông thấy trĩ sao nuôi nhốt ở vườn thú. Có lẽ bạn công nhận đó là loài chim đẹp, nhưng nhìn từ xa bạn sẽ chưa thấy hết vẻ đẹp này.

Hãy thưởng thức thêm vẻ đẹp của thiên nhiên qua những ảnh dưới đây.

_art bo cau Nicoba B_art ca kheo_art cu lon_art cu lua_art dau riu_art hong hoang_art kim oanh mo dojpg_art sa dau nau_art sa mo rong_art sa rung

Rồi khi đi ra thiên nhiên (có khi không xa nhà lắm đâu) bạn hãy để ý mà nhìn ngắm chung quanh – gần và xa, thấp và cao. Bạn sẽ có cơ hội trông thấy một con chim mà hình ảnh được thể hiện trong bài này. Lúc ấy, bạn sẽ có niềm vui như là gặp lại người thân quen.

Riêng tôi có cảm giác sướng thỏa khi tận mắt nhìn thấy một con chèo bẻo cộ đuôi chẻ (Dicrurus paradiseus) bay qua trên nền trời xanh ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Con chim bay cao nhưng nhờ có ống dòm tôi có thể nhìn rõ hai lông đuôi phất phới trong gió và thân chim sáng lấp lánh dưới ánh ban mai. Tương tự như ảnh dưới đây. Cảm giác phấn khích của tôi lúc đó khó mà diễn tả được!

_cheo beo co duoi che B

Mặt khác, tôi vẫn còn đôi điều trăn trở. Trong một cuộc khảo sát các điểm bán chim ở Hà Nội và Tp HCM, người ta thấy có ít nhất 115 loài chim được bày bán (Eaton et al, 2017). Như ta có thể nhận biết, người ta bày bán nhiều loài được bảo vệ bởi pháp quy Việt Nam và được IUCN phân hạng cần bảo vệ, thậm chí một số loài có nguy cơ tuyệt chủng vẫn được bày bán.

Đi đến các chợ chim vùng nông thôn, dọc đường quốc lộ và tỉnh lộ, tình trạng bán chim trời còn kinh khủng hơn. Người ta săn bắt đủ chủng loài, kể cả họ diều, họ cắt, các loài chim lội nước, v.v.; kể cả những loài được Việt Nam và công ước CITES bảo vệ. (Lê Phong, 2018; Tâm Am, 2019; Tuy Hòa, 2020).

Có một vấn đề gây băn khoăn là sự thiếu nhất quán giữa các hệ thống phân hạng bảo vệ. Ví dụ:

  • cò quắm cánh xanh – white-shouldered ibis (Pseudibis davisoni) thực sự đang bị cực kỳ nguy cấp: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, IUCN hạng CR nhưng CITES không xếp hạng.
  • khướu Ngọc Linh – golden-winged laughingthrus (Garrulax ngoclinhensis) bị nguy cấp: Nghị định 06/2019/NĐ-CP nhóm IB, IUCN hạng EN nhưng CITES không xếp hạng.

Các trường hợp trên tạo nên lỗ hỗng về pháp lý: các quốc gia vẫn còn tự do mua bán cò quắm cánh xanh và khướu Ngọc Linh xuyên biên giới.

Vấn đề gây băn khoăn khác: một số loài được xếp hạng là cần bảo vệ ở Việt Nam nhưng IUCN xếp vào hạng LC, chứng tỏ trên thế giới những loài đó không phải là hiếm nhờ có số lượng còn lớn và/hoặc phân bố rộng. Có một lý do cho việc này: ở Việt Nam môi trường sống của những loài chim đó đã bị suy thoái. Một lý do khác là sự săn bắt vô tội vạ. Lấy ví dụ, tôi nhận ra trẻ em Việt khi thấy tổ chim thì tìm cách phá phách cho bằng được để lấy trứng hoặc bắt chim non, trong khi trẻ em Thái Lan không có tật xấu này; và trong khi ở Việt Nam có quá nhiều nhà hàng đặc sản chim rừng thì ở Thái Lan loại nhà hàng này rất hiếm – tôi đã đi nhiều nơi trên đất Thái vẫn chưa từng thấy nhà hàng nào như thế. Đây là điều ta cần suy nghĩ.

Bạn có thể góp công bảo vệ di sản thiên nhiên như thể hiện trong bài viết này. Nếu loài chim nào được ghi là ở cấp độ bảo vệ thì đừng săn bắt, đừng mua, đừng nuôi nhốt con chim đó. Nhất là đừng thử nuôi khi bạn chưa biết rõ cách nuôi. Nhờ sự bảo vệ này mà bạn có thể góp phần duy trì di sản thiên nhiên quý giá đó cho những thế hệ mai sau.

Nguồn tham khảo và đọc thêm

Artur Homan (2013). Common Cuckoo chick ejects eggs of Reed Warbler out of the nest. https://www.youtube.com/watch?v=SO1WccH2_YM

birdwatchingvietnam.net/ Trang web này tổng hợp thông tin cơ bản của các loài chim ở Việt Nam và Đông Nam Á, kể cả những vườn quốc gia và khu bảo tồn có sự hiện diện, cùng ảnh chụp và file âm thanh cho tiếng kêu.

Collar, N.J. (2020). “Preparing captive-bred birds for reintroduction: the case of the Vietnam Pheasant Lophura edwardsi”, Bird Conservation International, February.

Cục Bảo vệ Môi trường, IUCN & MWBL (2005). Tổng quan hiện trạng đất ngập nước Việt Nam sau 15 năm thực hiện Công ước Ramsar. Cục Bảo vệ Môi trường

Davies, N. (2017). Can we bring back the pheasant that was wiped out by the war in Vietnam? https://www.birdlife.org/asia/news/can-we-bring-back-pheasant-was-wiped-out-war-vietnam

Diệp Minh Tâm (2020a). Chim trong văn học–nghệ thuật Việt Nam – Bài 1 trong 2 – https://tamdiepblog.wordpress.com/2020/01/17/chim-trong-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-bai-1-trong-2/

Diệp Minh Tâm (2020b). Chim trong văn học–nghệ thuật Việt Nam – Bài 2 trong 2 – https://tamdiepblog.wordpress.com/2020/01/17/chim-trong-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-bai-2-trong-2/

Đinh Ngân (2016). Dàn hoa hậu gà rừng của Việt Nam đọ sắc. https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dan-hoa-hau-ga-rung-cua-viet-nam-do-sac-734110.html#p-2

Eames, J. C. & Mahood, S. (2011). “White-throated wren babbler Rimator pasquieri: Vietnam’s rarest endemic passerine?” BirdingASIA, 15:58–62.

Eaton, J.A.; Minh D.T. Nguyen; Willemsen, M; Lee, J. and Serene C. L. Chng (2017). An inventory of birds for sale in Ha Noi and Ho Chi Minh City, Viet Nam. TRAFFIC Report, Selangor, Malaysia.

Exotic Birding (no date). Vietnam bird checklist. http://www.exoticbirding.com/vietnam/checklist.html

Grašytė, R. (2017). Meet the closest living relative to the extinct dodo bird with incredibly colorful iridescent feathers. https://www.boredpanda.com/nicobar-pigeon-colorful-dodo-relative/?utm_source=google&utm_medium=organic&utm_campaign=organic

Henacte, A. et al. (2012). “Lophura hatinhensis is an invalid taxon”, Forktail, 28: 129-135.

Jimi Channel (2018). Sát thủ săn mồi mang tên Sả Đầu Nâu. https://www.youtube.com/watch?v=V4DIvn2NrcIhttps://www.youtube.com/watch?v=PO15n_VvS2U

Kim Ngân (2017). Chim trĩ Việt Nam – loài chim đặc hữu mang tên GS Võ Quý. https://www.thiennhien.net/2017/01/13/chim-tri-viet-nam-loai-chim-dac-huu-mang-ten-gs-vo-quy/

Legakul, B. & Round, P.D. (1991). A guide to the birds of Thailand. Saha Karn Bhaet Co., Bangkok, Thailand.

Lê Phong (2018). Cận cảnh tàn sát chim trời ở chợ chim lớn nhất Miền Tây. https://nld.com.vn/thoi-su/can-canh-tan-sat-chim-troi-o-cho-chim-lon-nhat-mien-tay-20180914181621196.htm

(1991). A guide to the birds of Thailand. Saha Karn Bhaet Co., Bangkok, Thailand.

Lương Ngọc (2017a). Bộ lông tuyệt đẹp của giống gà chỉ có ở Đông Nam Á. https://khoahocphattrien.vn/anh-clip/bo-long-tuyet-dep-cua-giong-ga-chi-co-o-dong-nam-a/20170129081448505p1c936.htm

Lương Ngọc (2017b). Chiêm ngưỡng giống gà có bộ lông đẹp không kém chim công. https://khoahocphattrien.vn/anh-clip/chiem-nguong-giong-ga-co-bo-long-dep-khong-kem-chim-cong/20170218101327393p1c936.htm

Minh Nguyên (2006). Giới thiệu và cách nuôi chim Đuôi cụt bụng đỏ. https://aquabird.vn/threads/gioi-thieu-va-cach-nuoi-chim-duoi-cut-bung-do.3667/

Minh Tự (2020). Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã – Kỳ 5: Rừng chim đặc biệt. https://tuoitre.vn/tren-dinh-nui-thieng-bach-ma-ky-5-rung-chim-dac-biet-20200929211211397.htm

Ngọc Trân (2010). Nguy cơ mất dần loài chim đặc hữu. https://tuoitre.vn/nguy-co-mat-dan-loai-chim-dac-huu-356415.htm

Nguyễn Cử; Lê Trọng Trãi & Phillips, K. (2000). Chim Việt Nam. Nhà Xuất bản Lao động–Xã hội.

Nguyen Hoai Bao (2018). Birds of Vietnam, the most wanted species of all birders around the World. https://vietnamwildtour.com/birding/birds-of-vietnam-the-most-wanted-species-of-all-birders-around-the-world-59

Nguyễn Xanh (2020). Những loài chim quý hiếm qua ống kính của nhà hoạt động môi trường. https://nongnghiep.vn/nhung-loai-chim-quy-hiem-qua-ong-kinh-cua-nha-hoat-dong-moi-truong-i261904.html

PV/VOV.VN (2015). Ảnh những loài chim đẹp, quý hiếm của Việt Nam. https://vov.vn/media/anh/anh-nhung-loai-chim-dep-quy-hiem-cua-viet-nam-379056.vov

Robson, C. (2000). A field guide to the birds of Thailand and South-East Asia. Asia Books, Bangkok.

Sách đỏ Việt Nam (2020). Bạn có biết về 6 loài gà lôi có tên trong Sách đỏ Việt Nam || Gà lôi tía || Gà lôi Trắng. https://www.youtube.com/watch?v=i4j8_jnBu_M

T2Q Review TV (2019a). Gà lôi hông tía Phần 1 – Lophura diardi – Vườn thú Hà Nội. [Also sub-titles and narration in English] https://www.youtube.com/watch?v=ZAJEfA2hE80

T2Q Review TV (2019b). Gà lôi hông tía phần 2 – Ghép đôi – Mục đích bảo tồn. https://www.youtube.com/watch?v=yqZb_VmSUB4

Tâm Am (2019). Chợ “chim khổng lồ” thách thức dư luận ở Hà Nội. https://laodong.vn/xa-hoi/cho-chim-khong-lo-thach-thuc-du-luan-o-ha-noi-769135.ldo

Tuy Hòa (2020). Vì sao chợ chim trời lớn nhất Nam bộ vẫn ngang nhiên tồn tại? https://nongnghiep.vn/vi-sao-cho-chim-troi-lon-nhat-nam-bo-van-ngang-nhien-ton-tai-d260475.html

vncreatures.net/ Trang web này giúp tra cứu hơn 2000 loài động vật rừng với nhiều thông tin khoa học kể cả giá trị và biện pháp bảo vệ, cùng hình vẽ minh họa. Thông tin không được cập nhật.

VOV (2015). Ngắm những loài chim đẹp, quý hiếm của Việt Nam. https://baogialai.com.vn/channel/1623/201501/ngam-nhung-loai-chim-dep-quy-hiem-cua-viet-nam-2365701/

_______________________
Tổng hợp: Diệp Minh Tâm

Share this:

Like this:

Like

Loading…

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Đánh Giá Sản Phẩm
Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tổng Hợp

Related Articles

Back to top button