Review

Cách làm chuồng gà thả vườn

Đầu tư thiết kế chuồng trại hợp lý sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề sức khỏe của Gà.

Một tháng có thể có 30 ngày thời tiết ổn định, một năm có thể có 364 ngày khí hậu ôn hòa. Nhưng … chỉ cần 1 ngày , 1 giờ thời tiết khí hậu biến đổi bất thường thôi có thể khiến AE mất cả 1 cơ nghiệp trong chốc lát.

Chính vì vậy khâu thiết kế chuồng trại có ý nghĩa rất lớn đến đàn gà sau này. Chuồng gà mà thiết kế tốt thì lúc gặp nắng mưa gà không bị bệnh. Cũng giống với con người vậy, Nhà cửa cũng cần phải có phong thủy, bí quá cũng không được, mà thoáng quá cũng ko xong. Vậy một cái chuồng gà tốt thì phải đảm bảo các yếu tố như thế nào? AE đọc bài viết dưới đây nhé!

Phần 1: cách làm chuồng gà với kích thước chuẩn.

1. Chuồng gà cao bao nhiêu là hợp lý?

• Thông thường chuồng gà thả vườn thì AE nên làm cao 2m75 → 3m50 để đảm bảo độ thông thoáng cho gà. Cột thấp nhất cũng phải cao trên 2m50, không nên làm quá thấp, khiến chuồng gà bị bí khí sau này, mà làm quá cao thì lại tốn chi phí.

• Nếu là chuồng trại cũ AE muốn tận dụng như chuồng heo, chuồng vịt có độ cao thấp thì AE phải tìm cách để khắc phục và giảm nhiệt vào mùa nóng. AE có thể làm thêm lớp mái, lắp dàn mưa, hoặc lắp quạt thông gió, điều gió.

2. Chuồng gà rộng bao nhiêu là đủ?

• Tùy vào địa hình, khổ đất, thậm chí là chuồng trại cũ muốn tận dụng của AE mà thiết kế. AE cứ căn theo mật độ nuôi gà thả vườn từ 5 → 7 con/m² mà tính nhé!

• Với sân chơi thì chỉ cần to gấp rưỡi hoặc gấp đôi chuồng là được. Cũng ko cần quá rộng, khó kiểm soát bệnh tật, đến khi AE trải cát cũng sẽ tốn thêm nhiều chi phí.

3. Những chú ý khác khi thiết kế chuồng nuôi gà.

Hướng chuồng, nếu được chọn thì AE nên chọn hướng đông nam nhé, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Đây là kinh nghiệm xây dựng từ xưa đến nay rồi

Thiết kế nền cần cao hơn sân chơi khoảng 40cm, những vùng nào có tiền sử ngập lụt thì AE cần tính toán thêm nhé! Kẻo đến lúc lũ về cuốn bay cả một gia tài thì mệt lắm!

Tường không cần xây quá kín, chỉ cần xây cao khoảng 60cm rồi bắn lưới thép B40. Về sau AE sẽ dùng bạt để che phủ sau, thuận tiện nâng lên hạ xuống.

Mái thì nên làm chìa ra bên ngoài khoảng 1m để phòng mưa bão, tạt nước vào trong chuồng. Có thể dùng Fibro xi măng, tôn hoặc thậm chí là tôn mát tùy vào mức đầu tư của AE. Nếu tận dụng ngói cũ thì nên bắn keo Silicon vào những điểm buộc, điểm hở để chống dột nhé

Bạt nên làm tời để kéo từ dưới lên trên, tránh gió lùa trực tiếp vào đàn gà.

Thiết kế hệ thống thoát nước xung quanh, nhất là sân chơi, không đọng nước gây ô nhiễm sau này.

Cột kèo thì nên làm chắc chắn một chút, nhất là các vùng nào hay bị mưa bão như miền trung và các tỉnh ven biển. Hoặc có ý định trồng sắn dây để chống nóng sau này.

• AE nên tính toán để phòng được cả bọn trộm gà nữa nhé! nhất là khu vực nào an ninh không được tốt cho lắm.

• Chuồng đảm bảo vệ sinh, quét vôi sáng sủa, phòng chuột, phòng rắn, ruồi muỗi,…

Phần 2. Bí quyết làm chuồng nuôi gà hiệu quả

1. Nuôi gà trên sân cát

• Cát thoát nước nhanh, giữ nhiệt tốt và khô ráo khi trời nóng giúp hạn chế tối đa vi khuẩn lẫn mùi ô nhiễm trong trại gà.

Giảm tối đa bệnh cầu trùng, và các vi khuẩn Mycoplasma, E.Coli được sinh ra do phân gà, những bệnh gà thường xuyên mắc phải.

Vệ sinh dễ dàng, cứ 2 ngày AE dùng chổi quét qua lớp mặt bên trên là loại bỏ được rất nhiều phân, rác thải, lông lá rơi rụng. Khi nào cảm thấy có mùi AE chỉ cần rắc vôi rồi tưới nước lên trên, thậm chí AE có thể thiết kế dàn mưa, buổi tối gà vào chuồng AE chỉ cần rắc vôi, bật nước là đã loại bỏ được rất nhiều mầm bệnh cũng như vi khuẩn đang có trong sân chơi.

• Gà tắm cát cũng giúp loại bỏ các con vật ký sinh trùng, rận mạt, bọ chét, giúp gà giảm Stress và nhanh lớn hơn.

• Cát AE đổ cát đen hay cát vàng đều được, độ dầy khoảng 20cm đến 30cm nhé!. Trước khi đổ thì nên tạo rãnh thoát nước, tránh bị ứ đọng nước mưa sau này. Làm lưới bịt ở đầu rãnh để tránh cát bị trôi mất khi trời mưa to.

2. Làm sạp đậu hình thang cho gà.

Sạp đậu cho gà mang lại rất nhiều lợi ích cho AE

Tăng mật độ chuồng nuôi lên 20%, bình thường AE có thể nuôi 5-7 con/m², khi có sạp đậu hình thang thì có thể tăng lên 8-10 con/m², vì khi có sạp, gà sẽ đậu thành nhiều tầng, tiết kiệm được nhiều diện tích

Gà đậu trên sạp sẽ ít bị bệnh hơn, nhất là các bệnh hô hấp. Như AE đã biết, khí độc NH3, H2S dưới nền chuồng là nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp, khi gà đỗ trên cao sẽ hạn chế hít phải các loại khí độc này.

• Gà đậu trên sạp sẽ có bộ lông mượt mà hơn, hạn chế gà cắn mổ lông nhau. Khi đậu trên sạp hình thang, gà chỉ có thể quay trước hoặc quay sau; không thể dẫm đạp, đuổi đánh, mổ cắn lẫn nhau được nữa

• Tại sao lại là sạp đậu hình thang chứ không phải sạp ngang, hay sàn lưới? Đơn giản là sạp hình thang dễ làm, dễ xếp gọn để thu dọn vệ sinh. Với sạp hình thang thì gà đậu lên từng tầng, từng tầng 1, không xô đạp nằm đè lên nhau như sạp ngang hay sàn lưới.

→ Vừa giúp nhà nhanh lớn, ít bị bệnh, vừa tăng mật độ chuồng nuôi, vừa làm gà mọc lông nhanh, không còn cắn mổ nhau loạn xạ, thiết kế đơn giản ít chi phí, tội gì mà ko làm phải không AE.

3. Cách chống nóng cho gà vào mùa hè.

Có rất nhiều cách mà AE đã nghĩ ra trong đó có một vài cách rất hiệu quả sau đây, mang lại hiệu quả tức thì!

Làm dàn mưa nhân tạo trên mái, AE sử dụng béc phun mưa lắp trên mái, nước sẽ làm giảm sức nóng của mái và trong chuồng rất nhiều, đây là biện pháp giảm nhiệt tức thì. Phải giảm đến 5 độ nếu AE dùng nước giếng. Nhưng nhược điểm là tốn nước tốn điện, làm giảm tuổi thọ của mái nếu là mái tôn.

Làm thêm lớp mái nữa bắt trước như các chuồng kín. AE có thể dùng bạt, hoặc xốp nổ phủ bạc làm thêm 1 lớp trần nữa dưới lớp mái. Mục đích để tạo ra một lớp, ngăn khí nóng từ mái phản xuống. Cách làm này chi phí cũng khá rẻ, thi công cũng đơn giản.

Trồng cây chống nóng, AE có thể trồng sắn dây, nhanh lớn, ít sâu bọ, tuổi thọ cao, tán lá dầy, xanh tốt quanh năm. Mát mẻ mùa hè, ấm áp mùa đông. AE cần lưu ý nếu làm theo cách này thì nên làm cột kèo chắc chắn, hoặc bổ sung thêm cột nâng đỡ mái vì tán sắn dây có thể dầy đến 40cm nha! AE nhớ cắt tỉa gọn gàng, đặt bẫy phòng chuột, phòng rắn, …

Lắp thêm quạt điều gió: AE nên lắp quạt để tạo ra luồng gió, đầu vào nên chọn hướng nào có không khí mát, nhiều cây xanh. AE nên liên hệ với mấy bạn bên điện lạnh điều hòa, mua được mấy cái quạt trong cục nóng điều hòa ấy, chạy êm, sức gió khỏe, ít hao điện mà giá cả thì chỉ khoảng 350k/cái.

4. Nên phân chia chuồng thành nhiều ô nhỏ và có chuồng cách ly

• Khi phân chia chuồng thành nhiều ô nhỏ sẽ giúp gà ăn đều hơn, không bị xô cả đàn

• Lúc bắt gà làm kháng sinh hoặc bán cũng dễ hơn, quản lý, ghi chép cũng tiện.

Chuồng cách ly gà nên làm xa trại chính, đây là nơi theo dõi, nuôi nhốt những con gà có biểu hiện ốm yếu bệnh tật. Chuồng cách lý giúp AE tiết kiệm rất nhiều tiền thuốc đó nhé. Rất nhiều AE mới nuôi thường ko làm cái này, đến khi gà bị bệnh toàn cho cả đàn uống thuốc với liều lượng như nhau, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của gà vừa tốn tiền thuốc. 

 

Trên đây là tổng hợp kinh nghiệm làm chuồng nuôi gà thả vườn hiệu quả. Có chỗ nào không hiểu, AE cứ nhắn tin ở mục Hỗ trợ phía cuối màn hình nhé!


Hướng dẫn làm chuồng gà.(Instructions to make chicken coop)


Hướng dẫn làm chuồng gà.(Instructions to make chicken coop)

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Review
Xem thêm :  Cá bình tích đẻ bao nhiêu con – cách nuôi cá bình tích sinh sản nhanh

Related Articles

Back to top button